Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm phế quản cấp
Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm phế quản cấp ?
Tùy theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng và diễn tiến của bệnh có thể thay đổi.
+ Triệu chứng viêm phế quản cấp có thể xuất hiện thật rầm rộ, diễn biến nhanh chóng ngay lập tức sau khi tiếp xúc với tác nhân gây hại nồng độ cao ví dụ không khí ô nhiễm, tiếp xúc khói amoniac, khói acid .v.v. ;
+ Triệu chứng viêm phế quản cấp cũng có thể diễn tiến âm thầm nhẹ nhàng hơn trong trường hợp sau tiếp xúc siêu vi.
Bệnh cảnh lâm sàng viêm phế quản cấp thường gặp nhất là bệnh cảnh viêm phế quản cấp sau nhiễm siêu vi. Viêm phế quản cấp thường diễn ra các giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn ủ bệnh : sau khi tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn ra từ người nhiễm siêu vi hô hấp, người bệnh sẽ có thời gian từ 1 – 3 ngày ủ bệnh, trong giai đoạn này người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì.
+ Giai đoạn viêm long hô hấp trên : bệnh nhân có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, đau họng ; triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp. Trong giai đoạn này người bệnh thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều siêu vi và có thể lây cho người khác nếu có tiếp xúc lân cận.
+ Giai đoạn viêm phế quản cấp : bệnh nhân có các triệu chứng ho, ban đầu là ho khan sau đó ho đàm, đàm có thể là màu trắng hoặc đàm đục, đàm vàng, xanh, có một số trường hợp vướng máu khi ho nhiều quá ; bệnh nhân thường than đau rát sau xương ức tăng lên khi ho.
+ Giai đoạn phục hồi : các triệu chứng hô hấp và triệu chứng toàn thân giảm dần và hồi phục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trong đa số các trường hợp.
Trong một số ít các trường hợp có thể bội nhiễm vi khuẩn và xuất hiện viêm phế quản cấp do vi khuẩn, thậm chí là viêm phổi do vi khuẩn.
Cần làm gì khi bị viêm phế quản cấp ?
Đa số trường hợp viêm phế quản cấp do nhiễm siêu vi có diễn tiến nhẹ nhàng và tự giới hạn, điều trị giảm triệu chứng là chính. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, uống nước nhiều, súc miệng nước muối ấm lạt, uống thuốc hạ sốt giảm đau khi có sốt và đau nhức mình mẩy, dùng thuốc giảm ho nếu ho quá nhiều.
Một số ít trường hợp diễn tiến của viêm phế quản cấp có thể không thuận lợi và trong các trường hợp đó bệnh nhân nên đến khám bác sỹ để được khám bệnh và kê toa :
+ Viêm phế quản cấp sau khi tiếp xúc chất kích ứng mạnh từ môi trường ví dụ : hơi amoniac, hơi acid, khói bụi ô nhiễm nồng độ cao. Bệnh nhân cần phải đến ngay bác sỹ vì trong một số trường hợp tác nhân kích ứng có thể gây nên bỏng đường thở nặng nề, nếu không được can thiệp từ sớm có thể có những di chứng nặng nề về sau.
+ Viêm phế quản cấp nhưng triệu chứng quá nặng nề :
o Viêm phế quản cấp, thông thường chỉ sốt khoảng 380C – 3805C ; Nhưng lần này sốt cao tên 3805C.
o Ho thông thường là ho khan hay khạc đàm trắng hơi đục lượng ít ; Nhưng lần này ho khạc đàm vàng, xanh có vướng máu lượng nhiều.
+ Viêm phế quản cấp nhưng triệu chứng kéo dài quá lâu, tái phát nhiều lần :
o Viêm phế quản cấp thông thường kéo dài khoảng 5 – 7 ngày ; Nhưng lần này triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày mà chưa có dấu hiệu suy giảm.
o Viêm phế quản cấp có thể kéo dài chỉ 5 – 7 ngày nhưng lại tái đi tái lại nhiều lần.
+ Viêm phế quản cấp xuất hiện trên cơ địa bệnh nhân có bệnh mạn tính từ trước ví dụ suy tim, suy thận, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh nhân cần phải đi cần phải đi khám bác sỹ sớm trong các trường hợp kể trên vì nếu không đi khám và điều trị kịp thời sẽ có thể phải đối diện với các nguy cơ sau :
+ Tác nhân gây bệnh trong các trường hợp trên thường có độc lực quá cao sẽ gây tổn thương nặng nề phế quản, cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm.
+ Cơ địa bệnh có sẵn sẽ diễn tiến nặng hơn khi bị mắc kèm viêm phế quản cấp.