Trị tăng huyết áp, trợ tiêu hóa bằng tỏi
Tỏi trị tăng huyết áp
Tỏi từ lâu đã được con người biết đến không chỉ là gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng mà nó còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên.
Tỏi chứa allicin, allistatin, allithiaminee, citral, arylcamphol, protein, lipid, carbohydrate, các sinh tố B1, B2, C, PP và các khoáng chất Ca, P, Fe. Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống đông máu và ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu, giải độc.
Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn; vào tỳ, vị và phế. Có tác dụng điều vị, khai trợ tiêu hoá, giải uất tiêu tích (ôn trung hành trệ), chỉ khái trừ đàm, sát trùng giải độc. Dùng làm gia vị và cho người đau quặn bụng do lạnh, ăn uống không tiêu, kiết lỵ tiêu chảy, ho gà trạng thái tắc ruột cơ năng, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, côn trùng cắn đốt. Liều dùng 5 - 20g, nghiền đập vụn cho vào thực phẩm.
Trong y văn có ghi rằng tỏi được dùng để trị bệnh cao huyết áp ở Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước đây. Giới chức y tế Nhật Bản cũng chính thức thừa nhận tỏi là thuốc trị huyết áp cao.
Năm 1948, bác sĩ F.G. Piotrowski ở Geneve khẳng định công dụng của tỏi để trị cao huyết áp. Theo ông, tỏi làm giãn mở những mạch máu bị nghẹt hay bị co hẹp, nhờ đó máu lưu thông dễ dàng và áp lực giảm.
Nhà sinh học V. Petkov thực hiện nhiều nghiên cứu ở Bulgarie cho hay tỏi có thể hạ huyết áp tâm thu từ 20-30 độ, huyết áp tâm trương từ 10 tới 20 độ
Một số bài thuốc có tỏi
Làm rượu tỏi, giấm tỏi trị tăng huyết áp
Thạc sỹ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng cách đơn giản nhất để sử dụng tỏi để chữa bệnh cao huyết áp là dưới dạng rượu tỏi hoặc giấm tỏi.
Cách làm như sau: Tỏi sống 0,25kg, bóc bỏ vỏ ngoài rồi ngâm với 0,65 lít rượu gạo 40 độ, hoặc giấm 4 – 5 % axit axetic. Ngâm trong 10 ngày là dùng được.
Liều lượng: Ngày dùng 2 lần, sáng trước bữa ăn và tối trước khi đi ngủ, mỗi lần khoảng 3ml.
Trị giun khỏi ngứa
Bài 1: tỏi 200g bóc vỏ, giã nát, thêm 2.000ml nước, ngâm 24 giờ, lấy nước. Buổi tối trước khi đi ngủ, lấy nước rửa hậu môn, để riêng 10ml để thụt vào trong. Làm liên tục trong 7 ngày. Trị giun kim.
Bài 2: tỏi lượng vừa đủ, giã nát, thêm nước, lọc, thấm vào vải gạc nhét vào âm đạo, lượng nước còn lại rửa, đắp quanh âm đạo và hậu môn. Trị viêm âm đạo do trùng roi.
Bài 3: Ăn tỏi sống hoặc lấy nước ngâm tỏi 5% thụt vào hậu môn. Trị lỵ amip.
Tỏi có tác dụng ngăn xơ cứng động mạch, ngừa cục máu đông.
Giải độc, tiêu nhọt
Bài 1: Cao tỏi: tỏi lượng vừa phải, giã nát, thêm ít dầu vừng hay dầu thực vật, trộn đều, đắp dày lên chỗ nhọt, thay thường xuyên. Trị nhọt độc sưng đau.
Bài 2: tỏi 4 - 12g, sơn đậu căn 4 - 12g. Sắc uống. Dùng ngoài, lấy tỏi giã nát đắp vào chỗ đau. Trị rắn độc hay rết cắn.
Bài 3: tỏi đun lấy nước để uống. Trị ngộ độc ăn cua cá.
Trừ đờm, trị ho cho người lao phổi, ho gà.
Bài 1: Thuốc sắc tỏi bách bộ: tỏi vỏ tím 60g, bách bộ 60g, tử uyển 60g. Các vị giã nát, ép nước tỏi để riêng và bảo quản ở nơi lạnh. Bã tỏi và tử uyển, bách bộ sắc lấy nước, cho thêm đường phèn vào, cô đặc đến dạng siro, cho nước ép tỏi vào khuấy đều để uống. Trị ho gà.
Bài 2:Nước sắc tỏi: tỏi 13 tép, bột bạch cập 4g, gạo nếp 60g. Đun tỏi chín tái, vớt ra, cho gạo nếp vào nấu cháo; cho tỏi và bột bạch cập vào, khuấy đều, ngày ăn 1 lần, dùng liền nửa tháng. Nghỉ 10 ngày sau làm tiếp 1 - 2 đợt nữa. Thích hợp cho người lao phổi.
Mực hấp tỏi là món ăn thích hợp với người bị phù do suy dinh dưỡng, viêm gan…
Một số món ăn thuốc có tỏi
Tỏi ngâm dấm: tỏi già bóc bỏ vỏ, để nguyên hoặc nghiền nát ngâm với dấm, đậy nắp kín để hàng năm. Dùng tốt cho người đau quặn vùng bụng ngực do lạnh, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.
Rau sam tỏi dấm: tỏi 1 - 2 củ, rau sam 100g, dấm ăn 10ml, muối ăn 3g. Tỏi bóc vỏ ngoài, giã nát trộn với dấm và muối, khuấy đều thêm gia vị khác (tương ớt…) phù hợp. Rau sam rửa sạch nhúng qua nước sôi, chấm với tỏi dấm ăn. Ngày 1 lần, liên tục 5 - 6 ngày. Dùng tốt cho người mụn nhọt chốc lở, đặc biệt là mụn nhọt mưng mủ có ngòi thường gặp ở người lớn, người đái tháo đường.
Cháo tỏi: tỏi 30g, gạo tẻ 100g. Tỏi bóc bỏ vỏ ngoài, chần trong nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra. Gạo tẻ nấu cháo, khi nước sôi cho tỏi vào cùng nấu cho chín nhừ, ăn nóng sáng và tối. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp.
Tỏi ngâm dấm tốt cho người đau bụng do lạnh.
Tỏi xào bún thịt lợn: tỏi 10 củ, thịt lợn nạc ba chỉ 100g, bún hoặc mì sợi 200g. Tỏi bóc bỏ vỏ giã nát, thịt lợn thái lát. Thịt xào chín, cho bún xào tiếp đảo đều thêm gia vị, cho tỏi vào sau cùng đảo nhanh tay và tắt bếp. Ăn nóng. Thích hợp cho người viêm khí phế quản ho dài ngày.
Tỏi hấp cá mực: cá mực tươi 400g, tỏi 150g. Cá mực làm sạch thái lát; tỏi bỏ vỏ ngoài, giã đập vụn, thêm dấm ăn, không cho muối gia vị, hấp cách thủy; chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng cho người bị phù do suy dinh dưỡng, do xơ gan cổ trướng; viêm thận.
Lưu ý: Người âm hư hỏa vượng và người bị viêm tấy ở mắt, miệng lưỡi, răng cần thận trọng.
Hiện nay, sản phẩm ủ lên men gọi là tỏi đen. Tỏi đen có tác dụng dược lý quý báu nhưng lạm dụng gây hao khí nên mỗi ngày chỉ dùng khoảng 5g, dùng 10 - 15 ngày một liệu trình.