Tìm hiểu chăm sóc răng cho trẻ
Dưới đây là một số thông tin thú vị khác về răng của bé có thể cha mẹ chưa biết:
1. Những ngày đầu tiên của răng sữa
Những chiếc răng sữa bé xíu cần được bảo vệ cẩn thận ngay từ những ngày đầu tiên. Cha mẹ nào cũng mong chờ những chiếc răng đầu tiên của con mọc lên vào khoảng tháng thứ 6 sau sinh. Nhưng không nhiều cha mẹ biết, “những ngày đầu tiên” của răng sữa chính là lúc mầm răng được hình thành.
Giai đoạn mầm răng sữa bắt đầu vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 8 trong bào thai. Giai đoạn mầm răng của răng vĩnh viễn bắt đầu từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5. Mầm răng phát triển tốt sẽ giúp răng bé chắc khỏe, về sau này sẽ khó bị sâu răng hơn.
Vì vậy, để bảo vệ răng cho con, các mẹ cần quan tâm đến chế độ ăn uống ngay từ khi biết mình có thai, thậm chí từ khi có ý định có thai. Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, nhiều canxi và vitamin D. Đặc biệt dành thời gian khoảng 10 phút mỗi ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (tốt nhất là sáng sớm trước 8h) để có đủ lượng vitamin D cần thiết cho việc hấp thu canxi của cơ thể.
2. Chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên của con
Nhiều người cho rằng khi nào bé bắt đầu thay răng sữa thì mới mọc răng vĩnh viễn. Thực tế, chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên của bé mọc lên không thay thế cho răng sữa nào. Đó là răng số 6 mọc phía trong nhất so với các răng sữa. Răng này thường mọc khi bé khoảng 6 tuổi nên còn được gọi là răng 6 tuổi. Đặc biệt răng nằm trong sâu nên nếu không để ý, đến lúc bé bị đau răng, cha mẹ mới phát hiện thì ra răng đã sâu nặng rồi. Do là răng vĩnh viễn không có răng nào thay thế nữa nên cha mẹ cần lưu ý để chăm sóc răng cho bé tốt hơn, đảm bảo cả răng sữa và răng vĩnh viễn của bé không bị sâu và luôn chắc khỏe.
3. Thói quen thở bằng miệng của bé
Một số bé bị viêm họng, V.A, viêm mũi xoang làm cho nghẹt mũi, phải thở miệng. Đến khi hết bệnh, bé vẫn có thói quen thở miệng nhiều hơn thở bằng mũi sẽ làm ảnh hưởng để hàm răng. Khi thở miệng, môi và lưỡi không ở thế cân bằng sẽ khiến cho răng hàm trên có xu hướng hô ra phía trước. Vì vậy, đảm bảo chăm sóc sức khỏe của bé để không viêm nhiễm đường hô hấp cũng là một việc quan trọng trong chăm sóc răng miệng cho trẻ.
4. Thói quen nuốt – đẩy lưỡi của trẻ
Trẻ sơ sinh nuốt bằng cách đẩy lưỡi ra trước. Cách nuốt này dần được thay thế bằng cách nuốt đưa lưỡi lên trên giống của người lớn. Một số trẻ do rối loạn thần kinh cơ hoặc do lệch lạc răng hàm và bệnh lý vùng răng miệng, tai mũi họng làm xuất hiện thói quen đẩy lưỡi. Nếu không sớm được phát hiện và thay đổi thì sẽ gây ra tình trạng khớp cắn hở, vẩu cả hai hàm răng, ảnh hưởng không chỉ chức năng mà cả thẩm mỹ của bộ răng.
Cha mẹ cần để ý đến cách nuốt của con sau tuổi sơ sinh để phát hiện sớm và tìm đến tư vấn từ các bác sĩ răng hàm mặt. Bác sĩ sẽ đặt khí cụ hoặc hướng dẫn thói quen răng miệng đúng cho trẻ để thay đổi dần thói quen đẩy lưỡi này.