Logo Bài Thuốc Quý

Thuốc nhuận tràng có thể gây táo bón

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Táo bón vì thuốc nhuận tràng, một tác dụng phụ không thể ngờ tới của thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng nên là giải pháp tạm thời, nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến cơ thể lệ thuộc vào thuốc.

Không thể dùng thuốc liên tục, kéo dài

Theo định nghĩa, táo bón là tình trạng đi đại tiện dưới 3 lần/tuần. Khi đó, phân thường cứng, khô, nhỏ và thường phải rặn mới có thể ra được. Nguyên nhân được lý giải là do phân di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa, khiến nước trong đó bị tái hấp thụ và trở nên cứng hơn. Không chỉ gây đau đớn mỗi khi đại tiện, táo bón còn khiến bạn đối mặt với hàng loạt các nguy cơ như: nứt kẽ hậu môn, trĩ nội, trĩ ngoại, viêm ống hậu môn trực tràng… cũng như hàng loạt những căng thẳng trong tâm lý.

Thuốc nhuận tràng

Tạp chí Everydayhealth (Mỹ) ước tính, tại quốc gia này, có khoảng 2,5 triệu lượt thăm khám bác sĩ hàng năm về vấn đề táo bón, dẫn đến tình trạng hàng triệu đô la bị tiêu tốn vào thuốc nhuận tràng.

Khi bị táo bón ghé thăm, người ta sẽ nghĩ ngay đến thuốc nhuận tràng. Ở khía cạnh nào đó, đây chính là giải pháp có thể giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng ậm ạch, bởi nó có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, thúc đẩy nhanh quá trình vận chuyển phân.

Trên thị trường, hiện có rất nhiều loại thuốc nhuận tràng khác nhau, tuy nhiên, chúng thường được chia thành 3 nhóm chính:

– Nhóm có tác dụng làm mềm phân: nhóm này có tác dụng kéo nước vào phân, làm phân tăng kích thước, mềm hơn, dễ đào thải hơn.

– Nhóm muối nhuận tràng: có tác dụng hút chất lỏng dư thừa vào ruột già để giúp phân mềm, dễ dàng ra ngoài. Tuy nhiên, những người suy thận không nên dùng nhóm này vì nó có thể gây nguy hiểm

– Nhóm nhuận tràng kích thích: Có tác dụng đẩy phân ra ngoài bằng cách tăng co bóp ruột.

Về cơ bản, thuốc nhuận tràng là hữu ích với những người đang bị táo bón, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lạm dụng nó có thể khiến bạn đối mặt với không ít rắc rối.

Theo thạc sĩ Nguyễn Bạch Đằng , Khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y 103, thực chất, nhuận tràng không phải là thuốc có thể dùng liên tục, kéo dài mà chỉ nên coi là giải pháp tạm thời. Do đó, nếu dùng quá thường xuyên, nó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến màng nhầy ruột. Không chỉ vậy, nó còn khiến bạn bị lệ thuộc vào thuốc. Khi đó, ruột sẽ hoạt động một cách lười biếng, nhu động ruột yếu, dẫn đến táo bón nặng hơn. Tình trạng này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ trở thành mãn tính, khó chữa trị.

Mặt khác, táo bón không đơn giản là cách phản ánh hệ tiêu hóa hoạt động kém, mà nó còn là biểu hiện của khá nhiều bệnh khác như: u xơ tử cung, suy giáp trạng, cường giáp trạng, tổn thương ống tiêu hóa…, thế nên, nếu sử dụng thường xuyên thuốc nhuận tràng, nó sẽ làm mất đi dấu hiệu nhận biết bệnh.

Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, thể dục đều đặn

Từ những phân tích trên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, thuốc nhuận tràng không phải là giải pháp trường kỳ để giải quyết các vấn đề liên quan đến táo bón. Do đó, việc bạn cần làm để khắc phục tình trạng này là có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

Theo đó, hãy ăn các thực phẩm nhiều chất xơ. Lượng chất xơ khuyến nghị hằng ngày là 26g đối với nam và 20g đối với nữ. Bạn có thể đạt được mức này bằng cách ăn 2 phần rau, 2 phần trái cây và từ 5-7 phần các sản phẩm ngũ cốc nguyên cám khác. Ngoài việc ăn rau chín và trái cây, hãy bổ sung thêm salat hay nước ép cho khẩu phần ăn mỗi ngày của mình.

Uống nhiều nước cũng đươc coi là một cách giải quyết vấn đề táo bón. Theo thống kê, có đến 8% nam giới và 13% phụ nữ uống ít nước thường xuyên bị táo bón. Trong khi đó, ở những người uống nước đầy đủ, con số này lần lượt là 3% và 8%.

Ngoài chế độ ăn uống, vận động thường xuyên cũng sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt, khắc phục tối đa hiện tượng táo bón. Do đó, đừng ngồi một chỗ quá lâu và hãy dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.

Bạn có biết?

13 trường hợp đã tử vong vì thuốc nhuận tràng: Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Mỹ, tại quốc gia này, năm 2014, đã có 54 trường hợp gặp tác dụng phụ và 13 trường hợp tử vong do sử dụng thuốc nhuận tràng không theo hướng dẫn. Cơ quan này cho rằng, việc lạm dụng thuốc không chỉ dẫn đến mất nước nặng mà còn làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong máu và có hại cho các cơ quan trong cơ thể.

Thuốc nhuận tràng không giúp giảm cân: Với những người sử dụng thuốc này như một cách để giảm cân thì thực chất, trọng lượng mất đi chỉ là do mất muối và nước. Bởi lẽ,ở thời điểm mà thuốc phát huy tác dụng thì phần lớn thức ăn và calories đã được hấp thu.Như thế, nếu lượng nước được cung cấp đầy đủ trở lại, cân nặng sẽ quay về vạch xuất phát.

Hạn chế dùng thuốc nhuận tràng cho trẻ dưới 2 tuổi: Vẫn theo FDA, khi sử dụng loại thuốc này cần chú ý mọi triệu chứng, bao gồm mất nước, khô miệng, choáng váng, lơ mơ, thậm chí là giảm bài tiết nước tiểu hay phù chân. Do đó, nếu thấy những hiện tượng này cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Cơ quan này cũng khuyến cáo, cần hạn chế sử dụng thuốc nhuận tràng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Theo Thu Thảo/Suckhoegiadinh.com.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN