Thức ăn bé nên ăn và không nên ăn vào bữa sáng
Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dù đói hay không, bé vẫn cần được ăn sáng để giữ gìn sức khỏe và hoạt động tốt trong cả ngày.
Vai trò của bữa sáng
Bữa sáng có một vài trò vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người. Bữa sáng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng, làm việc hiệu quả mà không bị các cơn đói “quấy rầy”. Theo nghiên cứu, những bé nào được ăn sáng đầy đủ có khả năng tập trung, tinh thần sảng khoái, minh mẫn trong học tập cũng như nhiều hoạt động khác.
Đối với những bé bỏ qua bữa ăn sáng, cơ thể mệt mỏi, ủ rũ, kém tập trung là điều không thể tránh khỏi. Nghiêm trọng hơn, bé dễ mắc phải những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần.
Những thông tin dưới đây sẽ cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bữa sáng đối với con em mình:
1. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất
Bữa sáng là “điều kiện xúc tác” để bắt đầu quá trình trao đổi chất trong cơ thể, “khởi động” các cơ quan chức năng và giúp hoạt động tốt trong một ngày. Qua một đêm, năng lượng của bé gần như đã được sử dụng hết. Bởi vậy, vào sáng hôm sau, cơ thể bé thường có dấu hiệu uể oải, chậm chạp. Sau khi ăn sáng, dạ dày bé bắt đầu tiêu hóa và chuyển hóa năng lượng, cung cấp cho cơ thể một “ sức sống mới”.
2. Hạn chế nguy cơ béo phì
Ăn sáng giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp bé đốt cháy được một lượng calo nhất định. Bé nhịn ăn từ sáng tới trưa, quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra chậm hơn, từ đó cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Những bé không ăn sáng thường có xu hướng ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối. Vào thời điểm này, cơ thể bé ít hoạt động, dẫn tới dư thừa năng lượng và có thể lựa chọn những đồ ăn thức uống không có lợi cho sức khỏe như bim bim, nước ngọt có ga…Vì vậy, lượng calo nạp vào cơ thể nhiều hơn so với mức quy định. Vậy nên, bỏ qua ăn sáng bé có nguy cơ mắc bệnh béo phì rất cao.
Giữa bối cảnh tình trạng béo phì ngày một gia tăng ở trẻ em như hiện nay, bữa sáng góp phần quan trọng trong việc giảm béo bởi chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động cả ngày và không để lại năng lượng dư thừa.
3. “Khởi động” các chức năng trong cơ thể
Ăn sáng không chỉ giúp tăng cường các hoạt động thể chất mà còn cả tinh thần. Ăn sáng giúp bé tập trung hơn vào các bài học ở trường và ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, trong các hoạt động thể chất, bé sẽ năng động, nhanh nhẹn hơn nhiều. Khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, chúng sẽ chuyển đổi thành năng lượng và “gửi” một phần tới não. Năng lượng não bộ cần cho sự hoạt động chủ yếu là đường. Đó cũng chính là lí do khi chúng ta đói, đầu óc sẽ mệt mỏi và giảm mức độ minh mẫn hơn.
Bé nên và không nên ăn gì vào bữa sáng?
Các chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên cho bé ăn sáng với đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm ngũ cốc, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, những sản phẩm từ đậu nành, cá, thịt, nước trái cây, hoa quả tươi… Nhóm thực phẩm này mang tới cho cơ thể đường, Protein, chất xơ, vitamin và những khoáng chất thiết yếu nhất, duy trì sự hoạt động bình thường.
Những thực phẩm phụ huynh nên tránh cho bé bao gồm bánh ngọt, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… Những thực phẩm này vô cùng tiện lợi, nhanh gọn, mẹ không phải tốn nhiều thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, chúng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của bé như béo phì, tiểu đường… Vì vậy, dù bận rộn tới đâu, mẹ hãy luôn cố gắng chuẩn bị cho bé một bữa ăn thật ngon và bổ vào sáng sớm nhé.