Tê tay là dấu hiệu của bệnh gì?
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay (HCÔCT) có triệu chứng là cảm giác tê rần rất khó chịu các ngón tay trừ ngón út. Ống cổ tay là khoảng trống ở giữa xương cổ tay và các dây chằng bao quanh các gân gấp của bàn tay. Dây thần kinh điều khiển các ngón tay phải chạy qua ống cổ tay để truyền lệnh đến các ngón tay. Khi dây thần kinh bị chèn, thường do viêm hoặc làm việc ở một tư thế trong một thời gian dài… sẽ gây ra cảm giác tê rần.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh, có thai hoặc sau khi sinh và những người làm việc phải sử dụng cổ tay nhiều. Bệnh tuy không gây chết người nhưng nếu không điều trị sẽ bị teo cơ bàn tay, tê nhức khó chịu, gây căng thẳng thần kinh, mệt mỏi… Việc điều trị thường bắt đầu bằng thuốc, đeo nẹp tay để hạn chế vận động cổ tay. Nếu bệnh không thuyên giảm sẽ phẫu thuật để “giải thoát” cho dây thần kinh.
Để phòng ngừa bệnh này, cần cho cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn, tăng lượng máu đến các nhóm cơ vùng vai, cổ… Nếu là “dân” văn phòng, cần tăng cường vận động (thể dục, thể thao, làm việc nhà…); Thay đổi tư thế ngồi, tay cầm chuột không được gập vì sẽ cản trở lưu thông của dây thần kinh.
Bệnh thoái hóa cột sống cổ
Triệu chứng tê tay thoạt đầu nhẹ nhàng đến rồi âm thầm biến mất khi bạn vận động, nhưng nếu không có biện pháp ngăn bệnh thì chúng sẽ đến thường xuyên và “đăng ký thường trú”. Lúc này, khi nghiêng đầu bạn sẽ có cảm giác đau, thậm chí còn có cả cảm giác vướng, buốt. Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân còn cần tập vật lý trị liệu.
Để phòng bệnh, cần thường xuyên tập các động tác cổ như: nghiêng qua trái, nghiêng qua phải, gập cổ về phía trước, gập cổ về phía sau…
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh – Khoa Cơ – xương – khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM hướng dẫn phòng bệnh: “Hạn chế ngồi làm việc quá lâu trong tư thế không thẳng lưng và cổ, nhất là những tư thế không có chỗ tựa. Khi cảm thấy mỏi nên ngưng làm việc một chút và ngồi tựa đầu vào tường. Không nằm coi ti vi mà nên nửa nằm nửa ngồi, chọn tư thế sao cho thoải mái nhất”.
Bệnh có yếu tố di truyền, vì thế những ai trong gia đình có người thân cao tuổi mắc bệnh này thì có nguy cơ cao mắc bệnh sớm hơn những
người khác.
Bệnh mạn tính gây tê tay
Có nhiều bệnh mạn tính gây tê tay. Với bệnh tim, ngoài cảm giác tê tay, còn có triệu chứng sưng khớp, chân bị phù nề trong vài ngày. Triệu chứng này do tim và thận hoạt động không tốt gây ra. Bệnh tiểu đường cũng gây tê tay, cảm giác kiến bò… nhất là khi thần kinh ngoại vi bị tổn thương.
Ở tuổi trung niên, có thừa cân béo phì mà bị tê tay, cần đi khám tổng quát để tìm nguyên nhân chính gây bệnh. Xơ vữa mạch máu khiến tế bào thiếu máu nuôi cũng gây triệu chứng tê rần.
Lưu ý, khi mạch máu xơ vữa nhưng không được điều trị, bệnh sẽ diễn tiến nặng: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Nếu rơi vào trường hợp này, cần thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống như: vận động nhiều hơn, ăn uống nhiều rau, củ quả, bớt các món chiên nhiều dầu, bánh kẹo; giảm thiểu áp lực công việc, cuộc sống.
Khi bị tê tay cần vận động để giúp máu huyết lưu thông tốt, dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại. Cần có chế độ ăn uống nhiều sinh tố, khoáng chất, tránh làm việc quá sức, ngồi hàng giờ trước máy vi tính, bỏ thói quen xấu: hút thuốc, uống rượu…