Tật dính lưỡi ở trẻ
Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến chức năng phát âm và nhai nuốt.
Ảnh hưởng đến chức năng nhai nuốt…
Nguyên nhân có thể là do một vài dạng dính lưỡi nhẹ có thể tự hết khi trẻ lớn lên. Tật dính lưỡi thường gặp ở nam hơn ở nữ. Bệnh căn của tật dính lưỡi vẫn chưa được xác định rõ. Chẩn đoán tật dính lưỡi thường dựa vào việc thăm khám giải phẫu và các hoạt động chức năng của lưỡi. Có nhiều mức độ dính lưỡi khác nhau, tùy theo mức độ khác nhau mà ảnh hưởng đến cung răng, chức năng phát âm khác nhau. Do vậy, việc điều trị cũng khác nhau theo mức độ dính lưỡi.
Ảnh hưởng tới vận động của lưỡi: Bình thường lưỡi có thể đưa lên trên chạm vào vòm miệng, đưa sang hai bên chạm vào niêm mạc má, thực hiện được một số vận động khác như liếm môi, làm sạch răng… mà không gặp bất cứ cản trở hay sự hạn chế nào. Khi đưa ra trước tối đa thì đầu lưỡi phải vượt qua các răng cửa dưới và đưa ra ngoài khỏi môi. Trong trường hợp dính lưỡi thì các cử động này bị hạn chế.
Ảnh hưởng tới chức năng phát âm: Chức năng phát âm bị ảnh hưởng do sự hạn chế vận động của lưỡi, đặc biệt khi bệnh nhân phát âm các từ như: “t, l, ch, d,…” và khó khăn hơn khi uốn cong lưỡi để phát âm chữ “r”. Mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Ở các trẻ nhỏ hơn 5 tuổi có thể rõ hơn, trẻ khó nói, đặc biệt là diễn đạt các câu nói phức tạp. Ở trẻ lớn thì biểu hiện mờ nhạt hơn, khi phát âm, hơi luồn sang hai bên má.
Ảnh hưởng tới quá trình nuốt: Nếu phanh lưỡi ngắn, lưỡi gặp khó khăn khi thực hiện các động tác trên và có thể dẫn đến kiểu nuốt không điển hình và khớp cắn hở. Lưỡi còn có vai trò đưa thức ăn sang hai bên khối răng hàm để nghiền, khi phanh lưỡi ngắn, chức năng này bị hạn chế, lưỡi có thể bị cắn khi ăn nhai giống như trường hợp lưỡi to.
Ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời kỳ sơ sinh: Với trẻ đang giai đoạn bú sữa mẹ, những vấn đề có thể xảy ra ở trẻ dính lưỡi là trẻ khó bú và gây đau núm vú cho mẹ.
Ảnh hưởng tới sự đều đặn của bộ răng: Vì lưỡi luôn ở vị trí thấp, tạo ra một áp lực hướng xuống dưới và ra trước vào xương hàm dưới làm cho răng cửa dưới ngả ra trước. Tuy nhiên ngược lại, nếu phanh lưỡi bám cao sẽ kéo các răng cửa dưới ngả vào trong.
Ảnh hưởng của tật dính lưỡi tới nha chu: Phanh lưỡi ngắn có thể gây co kéo và gây tụt lợi ở mặt trong răng của hàm dưới.
Chẩn đoán tật dính lưỡi
Tật dính lưỡi được chẩn đoán khi thăm khám thấy phanh lưỡi có cấu trúc giải phẫu bất thường và lưỡi hạn chế các vận động chức năng.
Trong trường hợp phanh lưỡi ngắn, bệnh nhân khó đưa lưỡi lên trên hay chạm lưỡi vào vòm miệng hoặc lưỡi bị chia ra làm hai thùy phân biệt khi cố gắng nâng lưỡi lên, phần giữa bị giữ lại bởi phanh lưỡi. Khi lưỡi thè ra trước cũng đặc biệt: phần trước đưa ra ngoài miệng bị cong vòng và cuộn về phía dưới, đỉnh lưỡi hầu như không thấy được, lưỡi cuộn quanh phanh lưỡi trong khi thè lưỡi ra ngoài.
Ðiều trị có khó?
Chỉ định phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi khi dính lưỡi ảnh hưởng tới vận động và chức năng, thường phẫu thuật khi có một số triệu chứng như sau: trẻ khó bú, gặp trở ngại khi phát âm, nuốt không điển hình, không thể đưa lưỡi chạm vào môi trên hoặc môi dưới, hình dạng của lưỡi bất thường hoặc đầu lưỡi lộn vào trong khi cố đưa lưỡi ra ngoài. Cắt phanh lưỡi thường được chỉ định lúc 5 – 6 tuổi nếu không cần can thiệp sớm vì các lý do khác hoặc không ảnh hưởng tới việc phát âm.
Hiện nay, có nhiều phương tiện mới để phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi, laser diode là một trong những công nghệ mới. Với laser này, việc phẫu thuật trở nên đơn giản hơn rất nhiều, trẻ thường không sợ và bị đau nhiều sau phẫu thuật.
Biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật phanh lưỡi bằng dao thường, dao điện và bằng lazer là rất hiếm. Các biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp là: chảy máu nhiều: thường gặp khi phẫu thuật bằng dao mổ thông thường; tái phát, lưỡi bị dính trở lại, tổn thương môi…
Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật phanh lưỡi
Cần chăm sóc để tránh phanh lưỡi dính trở lại sau phẫu thuật. Có hai cách khác nhau để giúp vùng phẫu thuật ở lưỡi mở:
Đặt đầu trẻ vào lòng, quay mặt ngược hướng bố mẹ và đặt ngón trỏ ở hai bên lưỡi, bên cạnh vùng phẫu thuật. Sau đó, đẩy nhẹ ngón tay xuống và hướng về phía họng với lực mạnh để lộ vùng phẫu thuật ra và nhìn thấy sẹo phẫu thuật.
Dùng 1 tay cầm phần lưỡi nằm giữa đầu và bụng lưỡi kéo lên, xuống, tay còn lại đặt ở xương hàm dưới, sử dụng lực đủ mạnh để bộc lộ vùng phẫu thuật. Thao tác này cần làm 2 lần 1 ngày, thường trước khi bú vào buổi sáng và chiều hay bất kỳ lúc nào trước khi bú hay đổi từ bú bên này sang bên kia. Trước khi cho bú, người mẹ nên đưa ngón tay lướt qua sàn miệng của trẻ để “mở” vùng phẫu thuật.
Tật dính lưỡi là một vấn đề liên quan đến nhiều chuyên ngành từ bác sĩ nha khoa trẻ em, bác sĩ phẫu thuật hàm mặt, bác sĩ phục hồi chức năng phát âm. Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng để xác định chắc chắn thời gian phẫu thuật tối ưu nhất cho tật dính lưỡi. Ðối với trẻ sơ sinh có tật dính lưỡi nếu gặp khó khăn trong vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ cần phải được điều trị sớm. Bà mẹ có thể vẫn cho trẻ bú nhưng cần được tư vấn toàn diện và hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, nếu vẫn không có sự cải thiện nên phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi. Với laser, đây là một thủ thuật đơn giản giúp điều trị một cách nhanh chóng, không đau và hạn chế biến chứng.
PGS.TS. Võ Trương Như Ngọc (Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt)