Tại sao móng tay bị yếu?
Khi thấy mình có những dấu hiệu như trên, bạn lại cho rằng do móng tay mình yếu do tự nhiên và bỏ qua những triệu chứng tiếp theo. Điều này có thể vô tình làm cho tình trạng bất ổn trong cơ thể bạn tăng lên vì không phải lúc nào móng tay của bạn cũng bị gãy, bong… một cách tự nhiên.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến móng tay bạn bị yếu:
Màu sắc, hình dạng và kết cấu của móng tay có thể chỉ ra sức khỏe tổng thể của mỗi người. Nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp phải tình trạng móng tay yếu. Một số nguyên nhân phổ biến của móng tay yếu được liệt kê bao gồm:
- Bệnh và các rối loạn trong cơ thể: Móng tay yếu có thể là một triệu chứng biểu hiện chính của bệnh thiếu máu. Một số tình trạng rối loạn về da như bệnh vẩy nến, bệnh tuyến giáp, trạng thái nhiễm trùng trong cơ thể, các vấn đề tuần hoàn, suy gan… cũng có thể dẫn đến móng tay dễ gẫy.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Tiếp xúc với hóa chất mạnh hoặc các hóa chất tẩy rửa có trong xà phòng, nước rửa vệ sinh… cũng có thể làm cho lớp sừng ở móng tay bị ăn mòn và khiến cho móng tay bị mềm, yếu, dễ gẫy.
Ảnh minh họa
- Móng tay thường xuyên bị ướt: Nếu bạn thường xuyên rửa tay, giặt quần áo, chế biến món ăn, dọn dẹp nhà cửa… khiến cho tay bạn luôn trong tình trạng ướt thì móng tay cũng bị mềm đi, dễ gẫy nếu không may có sự cố nào đó.
- Thiếu độ ẩm: Trong mùa đông, nhiều người có thói quen dùng thiết bị sưởi ấm trong nhà. Điều này vô tình làm giảm độ ẩm trong phòng và gián tiếp ảnh hưởng đến cơ thể bạn, cụ thể là làm cho cơ thể dễ bị mất nước, từ đó, móng tay bạn cùng bị gòn, dễ gẫy khi khô.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Móng tay giòn cũng có thể là hậu quả của tình trạng cơ thể thiếu dinh dưỡng do có chế độ ăn uống không lành mạnh. Một số yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng này là sự thiếu hụt protein, vitamin C, axit folic, sắt, canxi và kẽm.
- Căng thẳng: Sự căng thẳng cực độ, thường xuyên là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự mất cân bằng hormone trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của móng tay của bạn vì các dưỡng chất trong cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ tới mọi cơ quan.
- Thời kỳ mãn kinh: Trong thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ phải đối mặt với tình trạng biến động nội tiết tố. Đó chính là lý do chính đằng sau biểu hiện gẫy, bong vẩy hoặc biến dạng ở móng tay. Một người phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh thường phải đối mặt với sự suy giảm estrogen – một loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh cân bằng nước trong cơ thể. Do estrogen thấp, sự điều tiết nước bị xáo trộn, dẫn đến móng tay bị khô, bong tróc và dễ gãy.
- Lão hóa: Khi chúng ta già đi, các móng tay có thể xuất hiện sần sùi và bị vàng do thiếu độ ẩm trong móng. Do đó, móng tay cũng bị yếu đi.
- Thói quen xấu: Một số cá nhân có những thói quen như cắn móng tay, không giữ vệ sinh cá nhân… có thể dẫn đến tình trạng móng tay và làm cho móng tay bị yếu, biến dạng, thậm chí mắc bệnh như nhiễm nấm.
Ảnh minh họa
Khắc phục tình trạng móng tay yếu, dễ gẫy, giòn…
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh để cung cấp đủ dinh dưỡng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho tay để chống tình trạng mất nước.
- Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với các hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh.
- Vệ sinh móng tay và móng chân thường xuyên.
- Trong khi sử dụng sản phẩm cho móng tay, như sơn móng tay hoặc tẩy sơn móng tay, nên cân nhắc lựa chọn thương hiệu tốt.
Sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và biện pháp tự nhiên có hiệu quả để duy trì móng tay khỏe mạnh. Trong trường hợp các biện pháp trên không có hiệu quả, bạn nên tới gặp các bác sĩ da liễu để tiến hành các xét nghiệm xem mình có mắc bệnh nghiêm trọng nào không. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc điều trị thích hợp cho bạn.