Tác hại tiềm ần của cao dán chống buồn ngủ
Trợ thủ đắc lực…
Cao dán chống buồn ngủ được xem như một “trợ thủ đắc lực” đối với học sinh, sinh viên trong thời kỳ ôn thi, làm đồ án, những người làm việc căng thẳng về đêm… Khó có thể tìm thấy loại cao dán này ở các hiệu thuốc nhưng lại khá dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng gia dụng tại một số chợ lớn và kênh bán hàng trực tuyến trên mạng.
Cao dán chống buồn ngủ được rao bán trên các website rao vặt và bán hàng trực tuyến với giá 42.000 đồng/gói (8 miếng). Trong vai một khách mua hàng, chúng tôi được nhân viên bán hàng trực tuyến tư vấn: “Cao dán có tác dụng trong 8 tiếng giúp cho người dùng luôn tỉnh táo, chống lại cơn buồn ngủ, rất tốt cho học sinh, sinh viên đang trong thời gian ôn thi. Mỗi ngày dùng một miếng thì có thể dùng liên tục trong nhiều ngày mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cao dán này được chiết xuất từ các loại thảo mộc tự nhiên của Nhật nên rất an toàn, không có các tác dụng phụ”.
Nhưng khi được hỏi cao dán làm từ những thảo dược gì thì không nhận được câu trả lời. Trên bao bì sản phẩm cũng không có tem mác nhập khẩu, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Giải thích cho điều này, nhân viên bán hàng cho biết: “Vì là hàng xách tay nên không có phần thông tin bằng tiếng Việt” (?!)
Ảnh minh họa
…hay mối nguy hại
Chưa kịp vui mừng vì hiệu nghiệm tức thì của loại cao dán chống buồn ngủ, chỉ sau vài ngày sử dụng, nhiều người đã phải hứng chịu những hệ lụy khôn lường từ những miếng dán này. Mỏi mệt, căng thẳng và chán ăn là những triệu chứng thường gặp nhất đối với những người sử dụng cao dán dài ngày. Những ngày đầu dùng thuốc sẽ có cảm giác căng thẳng, ức chế sau đó chuyển sang ngủ gà ngủ gật, tâm thần không ổn định, dễ cáu gắt, thậm chí thích gây gổ.
Mang sản phẩm này đến gặp BS. Nguyễn Minh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia) để tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: “Thực chất cao dán chống buồn ngủ là một sản phẩm chứa chất kích thích tâm thần, gây thức tỉnh, tạo ra sự tỉnh táo nhất thời cho người dùng. Nhưng cùng với nó là sự tác động không tốt đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như trên. Ngoài ra, nó còn làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, mất khẩu vị khiến cho cơ thể gầy mòn, suy kiệt. Và, điều đặc biệt nguy hiểm là thuốc có thể gây nghiện nếu dùng trong thời gian dài”. Điều này giải thích vì sao người dùng có cảm giác “nhớ” khi ngừng dùng và nhu cầu tăng liều sử dụng ngày càng cao.
Bác sĩ Tuấn còn cho biết: “Các chất kích thích dù được sử dụng dưới hình thức nào (uống trực tiếp, hít hay dán qua niêm mạc) đều tác động đến hệ thần kinh. Với một sản phẩm ngoại nhập không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có điều gì chứng tỏ đã được Bộ y tế cấp phép và chứng nhận như loại cao dán này thì lại càng nguy hiểm”.
Tuy chưa có kết luận chính thức nào về chất lượng của cao dán chống buồn ngủ nhưng những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe thì đã thấy rõ. Vì vậy, lời khuyên từ bác sĩ là: Hãy cảnh giác với cao dán chống buồn ngủ. Đặc biệt đối với các bạn học sinh do cơ thể chưa phát triển toàn diện thì lại càng cần phải nói “không”.