Tác hại của khói rơm rạ
Nông dân thường tranh thủ đốt đồng sớm để sạ vụ lúa xuân hè, không làm đất (sạ chay đốt đồng) hoặc sạ lấp vụ (vụ thu đông). Việc đốt rơm rạ gia tăng trong những năm gần đây do giá nấm rơm sụt giảm, người làm nấm rơm không ngó ngàng đến việc thu mua rơm rạ của nông dân nên chúng trở thành gánh nặng cho bà con vì nếu gặp phải mưa trong lúc chưa giải phóng hết rơm rạ thì việc làm đất và giống trở nên phức tạp.
Khói rơm rạ bay đi khắp nơi, gây ô nhiễm nặng cho nông thôn và thành thị.
Mấy năm gần đây, rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn, vì vậy, sau mùa gặt họ đốt ngay tại cánh đồng. Khói rơm rạ theo gió bay đi khắp nơi, làm cho nhiều đô thị lớn bị ảnh hưởng nặng. Theo các nhà khoa học, khói bụi khi đốt rơm, rạ làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người.
Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.
Người bị bệnh luôn thiếu oxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi.
Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong.
Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây ra tai nạn giao thông...
Các giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ rất hiệu quả:
- Vùi rơm rạ vào đất: Giúp duy trì N (đạm) và C trong đất. Việc vùi phế phẩm rơm rạ giúp nhiều N hơn từ vật chất hữu cơ trong đất. Lượng N thêm vào sẽ được giữ lại trong đất và vật chất hữu cơ trong đất trở thành nguồn quan trọng của N sẵn có cho vụ lúa tiếp theo. Vì thế, vùi rơm rạ vào đất có thể trở thành lợi ích bền vững lâu dài về nguồn cung cấp N.
- Dùng làm thức ăn gia súc: Yêu cầu đồng ruộng phải dọn sạch rơm rạ cho việc chuẩn bị cây trồng vụ tới. Vì vậy, chỉ có 2 phương pháp chủ yếu là trộn rơm rạ vào đất và đốt. Đốt là cách làm nhanh nhất, không tốn kém công và còn tiêu hủy mầm bệnh nhưng hiện nay phải tuân theo quy định nghiêm ngặt. Sự trộn rơm rạ vào đất làm chậm hơn, tốn thêm chi phí và có thể gây ra một số bệnh cho lúa. Vì thế những phương pháp truyền thống này đều không cho là lý tưởng. Cho nên, phương pháp thay thế được cho là vững chắc bằng một trong những sự sử dụng khác của rơm rạ là làm thức ăn gia súc nơi mà thức ăn gia súc khan hiếm.
- Sản xuất ethanol từ rơm rạ: Nông dân có thể tích trữ rơm rạ để cung cấp cho các công ty sản xuất ethanol, vừa có thêm nhiên liệu vừa giải quyết được rơm rạ còn thừa.
- Sản xuất giấy từ rơm rạ: Ở Việt Nam hiện nay chưa có công nghệ này nên các ngành chức năng và doanh nghiệp cần quan tâm phát triển.
- Trồng nấm rơm
- Trong trường hợp rơm rạ khó vận chuyển và cất giữ có thể vận động tập thể mua máy đóng bánh rơm của một số xí nghiệp đã khuyến cáo rất có hiệu quả trong việc ép rơm rạ thành bánh giúp cho việc vận chuyển và bảo quản rơm rạ được dễ dàng.
Nhưng điều quan trọng nhất để xóa bỏ việc đốt rơm rạ là ở chính bà con nông dân. Bản thân người nông dân cũng đã nhận thấy rõ ràng về tác hại của việc đốt rơm, rạ trong ngày mùa, song mọi việc có thể thay đổi được hay không thì còn phụ thuộc vào sự thay đổi về nhận thức, thói quen của chính họ.