Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng điều trị sốt rét của thảo quả

01/01/2020 · Sức khỏe
Thảo quả còn gọi thảo đậu khấu, là quả già phơi khô của cây thảo quả. Cây mọc hoang hay được trồng ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu thường dùng làm gia vị trong các món ăn.

Thảo quả

Thảo quả không chỉ là một gia vị trong nhiều món ăn mà còn là một cây thuốc quý, Loại thảo, sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m. Thân rễ mọc ngang, có đốt, đường kính chừng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài màu hồng, mùi thơm. Lá mọc so le, có lá có cuống, có lá không cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 60-70cm, rộng tới 20cm, mặt trên phiến lá màu xanh thẫm, mặt dưới hơi mờ, mép lá nguyên. Cụm hoa bông, mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt, mỗi bông nhiều quả, khi chín quả màu đỏ nâu, dài 2,5-4cm, rộng 1,5-2cm. Vỏ quả ngoài dầy 5mm, quả chia làm 3 ô, mỗi ô có độ 7-8 hạt rất thơm, có áo hạt hình tháp, ép vào nhau.

Theo Đông y, thảo quả vị cay, tính ấm; vào kinh tỳ và vị, thảo quả có tác dụng phương hương trừ hàn, táo thấp, tiệt ngược. Trị chứng tỳ vị hàn thấp (đau quặn bụng ngực, nôn mửa, tiêu chảy), sốt rét; long đờm tiêu thực, làm gia vị, khai vị trong nhiều món ăn, có trong nhân bánh gai bánh mật, các loại chè nước, mứt. Liều dùng: quả chín 3 - 8g; tán mịn.

Một số bài thuốc có dùng thảo quả

Trị chứng hàn thấp tích vào trong, ngực bụng đau trướng

Thảo quả (lùi chín) 6g, hậu phác 12g, hoắc hương 12g, thanh bì 8g, bán hạ khúc 8g, thần khúc 8g, đinh hương 4g, cao lương khương 6g, cam thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 12g. Sắc uống.

Thảo quả trị tỳ vị hàn thấp, sốt rét

Cây thảo quả

Kiện tỳ, tiêu thực

Bài 1: Thảo quả bình vị: thảo quả lùi chín 6g, thương truật 12g, hậu phác 12g, trần bì 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng cho chứng kém ăn bụng đau trướng, nôn oẹ.

Bài 2: thảo quả 6g, sa nhân 6g, thần khúc 8g, mạch nha 8g, cam thảo chích 6g, đại táo 8g, sinh khương 8g. Sắc uống. Trị đau bụng, bụng đầy trướng, tỳ hư gây tiêu chảy.

Cắt cơn sốt rét

Bài 1: Thang phụ quả: thảo quả nhân 8g, phụ tử chế 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Trị chứng sốt rét, rét nhiều mà nóng ít hoặc chỉ rét không nóng hoặc tiêu chảy do lạnh, không ăn được.

Bài 2: thảo quả nhân 20g nghiền bột, cuộn vào tấm vải màn, một giờ trước khi lên cơn sốt rét, nút vào một bên lỗ mũi để cắt cơn.

Bài 3: Tiểu sài hồ gia giảm: sài hồ 12g, hoàng cầm 9g, nhân sâm 9g, sinh khương 9g, bán hạ 9g, đại táo 4 quả, chích thảo 6g, thường sơn 9g, thảo quả 9g. Sắc uống. Trị sốt rét.

Trị hôi miệng: Thảo quả đập dập, ngậm và nuốt nước dần.

Kiêng kỵ: Người không có hàn thấp, thực uất kiêng dùng.

Theo SKĐS
BÀI VIẾT LIÊN QUAN