Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng của thịt gà đối với sức khỏe

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Trong thịt gà có các vitamin A, B1, B2, C, E và nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên không chỉ là thực phẩm khoái khẩu mà tác dụng của thịt gà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Gà rất đa dạng về chủng loại: gà ri, gà Ðông Cảo, gà ác, gà chọi… Trong đó, gà ri (gà ta) và gà ác có thịt là thực phẩm chất lượng cao, giàu dinh dưỡng. Đông y cho rằng thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bồi bổ cao đối với người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn. Ngoài ra, thịt gà còn chữa được băng huyết, lỵ, ung nhọt, trừ phong. Do đó, thịt gà thường được dùng cho các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu gắt, huyết trắng, sau đẻ ít sữa, bệnh đái tháo đường. Dưới đây, xin giới thiệu một số món ăn trị bệnh điển hình mà thịt gà là chủ vị.

- Gà thập cẩm: Dùng cho người cao tuổi, tì vị hư nhược, gầy còm, da khô nhão. Cách làm: Thịt gà trống 150 g, bột mì 210 g, hành củ 15 g; bột tiêu, gừng, các gia vị khác với liều lượng thích hợp. Thịt gà cùng với hành, tiêu, gừng và các gia vị khác được băm trộn sẵn để làm nhân. Bột mì thêm nước nhào trộn, cán thành bánh. Làm bánh có nhân là thịt gà cùng gia vị, luộc hay hấp chín, làm bữa ăn chính, ngày dùng 1 lần trong 1 đợt 5-10 ngày.

- Gà hầm rượu: Dùng cho các trường hợp thận hư, ù tai, chóng mặt. Cách làm: Gà 1 con làm sạch, cho rượu vào hầm chín. Ăn trong ngày.

- Hoàng thư kê mễ phạn: Dùng cho các trường hợp suy nhược, gầy còm, huyết hư sau đẻ. Cách làm: Gà mái 1 con, gạo trắng và hoa bách hợp (hoa loa kèn) với một lượng thích hợp. Gà làm sạch, mổ bỏ ruột. Cho gạo và hoa bách hợp vào bụng gà khâu lại, thêm nước, gia vị, nấu chín ăn.

- Gà hầm sâm quy: Dùng cho người mắc chứng viêm gan, phụ nữ sau nạo thai, sau đẻ bị nôn ói, ăn vào nôn ra. Cách làm: Gà giò 1 con, nhân sâm, đương quy, muối ăn mỗi thứ đều 15 g. Gà làm sạch, luộc chín, róc bỏ xương, cho nhân sâm, đương quy và muối ăn vào hầm chín nhừ. Chia ra ăn hết trong một vài lần.

- Gà hầm hoàng kỳ: Trị sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng, sa tử cung. Cách làm: Gà mái giò 1 con, hoàng kỳ 60 g. Làm sạch gà, cho vào nồi hấp cùng hoàng kỳ, thêm gừng, hành, muối, gia vị, hầm trong 3 giờ mang ra ăn.

- Gà hầm sâm hồi xuyên tiêu: Trị đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi. Cách làm: Gà 1 con, nhân sâm 10 g, tiểu hồi 10 g, xuyên tiêu 6 g. Làm sạch gà, mổ moi ruột. Cho các vị thuốc cùng với chút rượu, đường, dầu, mắm, gia vị vào bụng gà buộc lại, thêm nước, hầm cách thủy, ăn khi đói.

- Gà kho riềng: Trị suy nhược, ăn kém, chậm tiêu, đau bụng. Cách làm: Gà trống 1 con; riềng, thảo quả mỗi thứ 6 g; trần bì, hồ tiêu mỗi thứ 3 g. Gà làm sạch chặt khúc, các dược liệu cho vào túi vải xô, thêm nước, hành, giấm, gia vị, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần.

- Gà hầm xích tiểu đậu: Trị các trường hợp phù mặt và chân tay. Cách làm: Gà mái ri lông vàng (hoàng thư kê) 1 con, xích tiểu đậu 30 g, thảo quả 3 g. Gà làm sạch, tất cả cho vào nồi, thêm nước, muối, mắm, gừng tươi, hành sống; đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ra ăn nhiều lần trong ngày.

Thịt gà, tác dụng của thịt gà

Thịt gà có tác dụng tốt đối với người gầy yếu, suy kiệt…Ảnh: Tấn Thành

Ngoài ra, thịt gà còn có tác dụng đối với các chứng bệnh sau:

- Người ốm thiếu máu. 

Cách làm: Gà giò 1 con, mổ bỏ ruột, nhét một nắm lá ngải cứu tươi, rửa sạch, khâu lại, nấu kỹ, mỗi ngày ăn 1 con. Ăn 1 tuần liền.

- Ho lâu ngày, khó ngủ. 

Cách làm: Như bài thuốc trên nhưng thay lá ngải cứu bằng lá dâu tằm non và thêm nửa chén gạo nếp.

- Tinh thần mệt mỏi, xương khớp tê nhức. 

Cách làm: Gà ác 1 con, táo tàu đen 10 quả, hoài sơn (củ mài) 15 g, kỷ tử 10 g, ý dĩ 30 g, vài củ hành tím, gia vị vừa đủ. Gà làm sạch, để nguyên con. Hành tím bóc vỏ, nướng chín; ý dĩ ngâm nước cho nở; ngâm táo tàu 10 phút, vớt ra để ráo. Đặt gà vào thố sứ, cho táo và 3 vị kia vào, đổ nước vừa bằng, đậy nắp thố, chưng cách thủy chừng 1 giờ rưỡi. Nêm ít đường, muối rồi thả hành tím nướng vào. 30 phút sau ăn được, rắc ít tiêu bột cho thơm. Ăn nóng mỗi ngày 1 lần, từ 7-10 ngày.

- Chữa sỏi mật. 

Cách làm: Màng mề gà

15 g, kim tiền thảo 30 g, nghệ 15 g, hoàng liên 6 g, đại hoàng 6 g, trần bì 15 g, cam thảo

10 g. Những vị này sắc lấy 200 ml nước thuốc đặc, chia 3 lần uống trong ngày và uống kiên trì nhiều ngày.

- Chữa chứng mất ngủ: 

Cách làm: Gan gà 1 bộ, bạch thược 60 g tán bột rắc đều vào gan gà đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần.

Thịt gà còn một số tác dụng khác.

Lưu ý: Người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp dễ có phản ứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà, gan gà. Khi làm các món gà kho, gà hầm, thêm gừng tươi đập giập hoặc thái mỏng làm gia vị để giải mẫn cảm theo kinh nghiệm dân gian.

Bác sĩ HOÀNG TUẤN LINH

Theo nld.com.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN