Tác dụng của khoai lang
Khoai lang là một loại củ rất phổ biến và gần gũi với người Việt Nam. Thành phần chính của khoai lang là tinh bột, ngoài ra còn có chất xơ và các loại vitamin A, vitamin C, vitamin B6... Chính vì những ưu điểm như vậy nên khoai lang rất tốt cho sức khỏe.
I. Tác dụng của khoai lang đối với sức khỏe
Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Những nghiên cứu trên thú vật cho thấy có sự liên hệ giữa việc tiêu thụ khoai lang và tình trạng ổn định nồng độ đường huyết. Một trong những nguyên nhân là do khoai lang có chứa nhiều carotenoics. Nhiều nghiên cứu cho thấy carotenoids có chức năng điều hòa đường huyết. Khoai lang còn có khả năng làm giảm sự kháng insulin. Insulin rất cần thiết cho cơ thể để “mở khóa” tế bào, cho phép đường từ máu đi vào tế bào. Kháng insulin nghĩa là khi tế bào không đáp ứng với insulin, không cho phép đường huyết đi vào tế bào một cách tự nhiên để nuôi dưỡng tế bào.
Nguồn chất xơ phong phú có trong khoai lang cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì chất xơ có tác dụng làm giảm nồng độ đường huyết bằng cách làm giảm tốc độ của thực phẩm bị biến chuyển thành glucose để được hấp thu vào máu. Hơn nữa, do trong thành phần có nhiều phức carbohydrates nên khoai lang có thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Củ khoai lang luộc.
Chống lại gốc tự do
Gốc tự do là những loại hóa chất có thể gây tổn hại cho tế bào cơ thể. Những nghiên cứu mới đã khám phá ra rằng có những loại protein trong khoai lang có khả năng chống ôxy hóa (antioxidant) rất cao.
Những protein này chứa khoảng 1/3 lượng chất chống ôxy hóa quan trọng nhất có trong cơ thể là glutathione.
Nhờ chứa một hàm lượng cao vitamin A và vitamin C, khoai lang có thể ngăn ngừa sự tổn thương tế bào, chống lại những gốc tự do trong cơ thể. Sự hình thành các gốc tự do được xem là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như xơ cứng mạch máu, tiểu đường, tim mạch, ung thư..
Những công dụng của khoai lang không phải ai cũng biết
Giúp mắt sáng, da khỏe
Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.
Beta carotene là tiền chất của vitamin A trong cơ thể người. Vitamin A duy trì đôi mắt sáng và làn da khỏe mạnh.
Giảm nguy cơ ung thư vú
Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao của loại củ này. Nhóm chất carotene giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa. Một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên của mình giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi.
Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.
Giúp giảm cân
Khoai lang cũng là sự lựa chọn số 1 cho những người muốn giảm béo. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Ăn khoai lang trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no bụng, vì thế sẽ giảm được lượng thức ăn hấp thụ trong bữa ăn chính.
Điều trị bệnh loét dạ dày
Khoai lang còn có khả năng làm dịu nhẹ và điều trị bệnh loét dạ dày vì nó chứa nhiều vitamin B, vitamin C, potassium, beta carotene và canxi. Chất xơ có trong khoai lang giúp phòng ngừa bệnh táo bón và kiểm soát nồng độ axít trong dạ dày nên cũng góp phần làm giảm các cơn đau và viêm loét dạ dày.
Kích thích tiêu hóa, chữa táo bón
Cách đơn giản nhất là ăn khoai lang luộc. Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải (100 g/ngày) rất có lợi cho hệ tiêu hoá vì thành phần vitamin C và các acid amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hoá thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Ngoài ra, để chữa táo bón còn có thể uống nước khoai lang luộc (phải rửa sạch vỏ). Tuy nhiên, ăn quá nhiều khoai lang cũng sẽ gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Chống viêm nhiễm
Khoai lang có khả năng chống lại sự viêm nhiễm rất tốt vì nó chứa nhiều vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan. Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra tác dụng giảm viêm nhiễm trong mô não và mô thần kinh ở khắp cơ thể khi chúng ta ăn khoai lang thường xuyên.
Phòng ngừa bệnh viêm khớp
Chất beta cryptoxanthin dồi dào trong khoai lang có tác dụng phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm khớp, thấp khớp. Ngoài ra, beta cryptoxanthin còn giúp tăng cường độ chắc khỏe của xương, tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da. Các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy việc tiêu thụ nhiều chất beta cryptoxanthin giúp giảm 50 % tỷ lệ phát triển của bệnh viêm khớp. Thêm vào đó, vitamin C có trong khoai lang còn giúp duy trì collagen và giảm thiểu tỉ lệ phát triển của bệnh viêm khớp.
Củ khoai lang tươi.
II. Tác dụng của khoai lang trong việc làm đẹp
Khoai lang chứa rất nhiều protein, vitamin C. Khoai lang có thể làm giảm cholesterol, giảm mỡ dưới da, bổ lá lách, dạ dày và thận, góp phần làm đẹp da.
1. Chống viêm, sưng và làm mờ vết thâm
Khoai lang có khả năng chống lại sự viêm nhiễm rất tốt vì nó chứa nhiều vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan.
Khi da bạn sưng đỏ hoặc đau rát, bạn có thể cắt một lát khoai lang mỏng đắp lên đó trong khoảng 10 – 15 phút, bạn sẽ thấy vết đỏ rát được làm dịu đi.
Cắt hai lát mỏng khoai lang và đặt chúng vào mí mắt của bạn để 10-15 phút mỗi ngày sẽ làm giảm thâm quầng mắt.
2. Chống lão hóa
Khoai lang có chứa nhiều chất chống lão hóa, tăng độ đàn hồi cho da rất hiệu quả. Ăn khoai lang 1 – 2 lần/tuần sẽ giúp da được cung cấp nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ, vv… không những làm căng da mà còn làm mịn phẳng các nếp nhăn trên mặt. Bạn cũng có thể làm khoai lang hấp nghiền nhuyễn rồi trộn với sữa chua để tạo thành món ăn chống lão hóa rất tốt cho da.
3. Khoai lang có tác dụng giảm cân
Không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoai lang còn có tác dụng giảm cân hiệu quả. Ăn khoai lang sẽ giúp bạn có một thân hình không béo phì.
Khoai lang có hàm lượng carbohydrate thấp hơn khoai tây. Một củ khoai tây bình thường chứa 26g carbohydrate, trong khi một củ khoai lang cùng cỡ chứa 23g carbohydrate. Tuy vậy, khoai lang lại có chứa lượng chất xơ cao gấp đôi so với các loại khoai khác nên rất hữu hiệu trong việc giảm cân, chống táo bón.
Ngoài ra, lượng nước cao trong khoai lang giúp bạn giảm cân. Giống như chất xơ, nước chiếm phần lớn trong dạ dày, vì vậy, ăn các loại thực phẩm chứa nhiều nước giúp bạn cảm thấy no và ngăn ngừa ăn quá nhiều cũng như ăn vặt giữa các bữa ăn.
4. Ngừa mụn nhọt
Trong Đông y, khoai lang là nguyên liệu được dùng để trị mụn nhọt rất hữu hiệu.
– Cách trị mụt nhọt: Khoai lang củ 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Bạn chỉ cần làm vài ngày theo cách này sẽ thấy mụn nhọt giảm đáng kể.
– Hút mủ nhọt đã vỡ: Lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp lên vết mụn nhọt đã vỡ có tác dụng làm mát vùng da đó đồng thời làm mờ vết sẹo mụn giúp da sáng đẹp hơn.
5. Giúp da sáng
Nước ép từ khoai lang cũng có thể làm sáng da.
Cách làm:
Dùng 1 củ khoai lang cỡ vừa ép lấy nước. Rửa sạch mặt rồi thoa đều nước ép khoai lang lên mặt và cổ (có thể dùng miếng mặt nạ giấy nhúng vào nước ép rồi đắp lên mặt). Để như vậy khoảng 10-15 phút rồi rửa lại mặt. Làm 1 – 2 lần/tuần bạn sẽ thấy da mình sáng đẹp, mịn màng rõ rệt.
6. Chữa vàng da
Nấu cháo đặc bằng khoai với gạo hoặc bột ngô sẽ chữa vàng da hiệu quả.
7. Loại bỏ quầng thâm mắt
Khoai lang chứa nhiều vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan tăng cường độ ẩm cho da . Hãy thái hai lát khoai và đặt chúng lên đôi mắt 10-15 phút sẽ làm giảm thâm quầng mắt. Chất anthocyanin trong khoai lang giúp làm giảm sắc tố thâm và có đặc tính kháng viêm sẽ giúp bạn dễ dàng loại bỏ quầng thâm, nếp nhăn và bọng mắt.
8. Khoai lang giúp làm mềm vùng da gót chân
Trong trường hợp chân bạn bị khô và bạn bị nứt gót chân, thay vì làm lạnh hoàn toàn phần nước khoai lang đã luộc, hãy để cho nó vẫn còn một chút ấm và ngâm chân của bạn vào trong đó. Nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thoát khỏi tình trạng bị nứt gót chân đau đớn.
9. Khoai lang giúp dưỡng tóc
Khoai lang là một thực phẩm dưỡng tóc hiệu quả bất ngờ. Với công thức đơn giản bạn có thể cải thiện tình trạng tóc khô rối trong mùa hanh khô.
Cách làm: Bạn ấy một củ khoai lang lớn, 1 chén sữa chua, 1 thìa mật ong và 1 thìa dầu olive hoặc dầu hạnh nhân. Pha trộn tất cả các thành phần cho đến khi hỗn hợp được mịn màng, thoa nó và để yên trên tóc trong khoảng 15-20 phút. Đối với những người có mái tóc rất khô, bạn cũng có thể thêm 2-3 muỗng canh nước cốt dừa vào hỗn hợp.
10. Toner
Nước luộc khoai lang cũng có tác dụng làm đẹp rất tốt. Vì vậy, sau khi luộc khoai lang bạn đừng bỏ nước đi mà lọc lấy nước ấy cất giữ trong chai và để nó trong tủ lạnh để hạ bớt nhiệt. Dùng loại nước khoai lang này như một toại toner giúp cân bằng cho da. Loại toner tự nhiên này sẽ giúp xóa bỏ các tạp chất, làm sạch sâu lỗ chân lông và làm dịu da bị kích ứng. Thật bất ngờ vì công dụng từ loại nước tưởng như "bỏ đi" này phải không.
11. Khoai lang dùng tẩy da chết
Nước luộc khoai lang cũng có tác dụng làm đẹp cực kì hiệu nghiệm. Khoai sau khi luộc chín, lấy nửa cốc nước luộc, 1 thìa yến mạch và 1 thìa sữa chua rồi trộn chúng lại với nhau để tạo thành một hỗn hợp keo dính. Sử dụng hỗn hợp để thoa lên da của bạn theo chuyển động tròn thật chậm và rửa sạch lại với nước ấm, sau đó thoa kem dưỡng ẩm.
12. Mặt nạ dưỡng ẩm
Khoai lang có nhiều vitamin nên có tác dụng rất tốt cho việc dưỡng ấm làn da. Công thức làm rất đơn giản: Luộc khoai lang lên, để nguội và sau đó nghiền nát chúng. Thêm một muỗng canh mật ong và thoa hỗn hợp này lên khuôn mặt của bạn. Hãy để yên trong 20-30 phút và sau đó rửa sạch lại. Bạn cũng có thể thêm 2-3 muỗng cà phê nước cốt chanh trong trường hợp bạn có làn da nhờn.
13. Mặt nạ ngăn ngừa lão hóa
Để trẻ hóa làn da khô của bạn, hãy lấy một củ khoai lang lớn và luộc cho đến khi nó đủ mềm để có thể tán đều ra trên da của bạn. Thêm một muỗng canh mật ong, một thìa sữa và một thìa nước gừng. Pha trộn tất cả các thành phần với nhau cho đến khi bạn có một hỗn hợp thật mịn.
Thoa mặt nạ này lên phần mặt và cổ đã được rửa sạch. Để trong 20-25 phút phút và rửa lại với nước ấm. Mặt nạ này sẽ giúp cho làn da của bạn được mềm mại hơn, ngăn ngừa việc lão hóa da sớm.
Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng giữ phần chưa dùng hết của mặt nạ trong tủ lạnh cho đến 2-3 ngày sau.
III. Tác dụng của rau khoai lang
Chống táo bón bằng rau khoai lang
Hiện tượng táo bón là tình trạng phổ biến ở các mẹ bầu. Khoai lang chứa rất ít chất béo lại không có cholesterol. Vì thành phần có nhiều chất xơ nên cả củ và rau khoai lang đều có thể chế biến thành nhiều món ăn có tác dụng giúp nhuận tràng cho các bà bầu, phòng ngừa bệnh táo bón.
Trị chứng biếng ăn ở trẻ: Cho ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.
Chữa cam tích trẻ em: Lá khoai lang non 100g, màng mề gà 2g. Sắc uống hoặc quấy với bột sữa.
Quáng gà: Lá khoai lang non xào gan gà hoặc gan lợn.
Thiếu sữa: Lá khoai lang tươi non 250g, thịt lợn 200g thái chỉ. Xào chín mềm, thêm gia vị.
Ngoài ra còn các tác dụng khác như :Nước sắc lá khoai lang có tác dụng nhuận trÀNG rất rõ rệt mà không không gây đau bụng khó chịu, hay ăn cả lá với liều lượng 60-100gam lá tươi, 30-40 gam lá khô, hay ăn củ nấu chín
Dây rau lang.
Cách chế biến rau khoai lang
Rau khoai lang phát huy tác dụng tốt về mặt chữa bệnh ,dễ tiêu hoá khi mà chúng ta làm món luộc, vừa tận dụng được nước rau, và lại dễ chế biến, nếu bạn thích cầu kì hơn có thể xào tỏi cũng rất ngon và thích hợp vào mùa đông.
Một số điểm lưu ý khi dùng khoai lang
Không nên dùng khoai lang (củ và rau) lúc quá đói vì khi đó đường huyết đã thấp, lại làm hạ thêm gây mệt mỏi.
Không ăn thường xuyên rau lang vì chứa nhiều calci có thể gây sỏi thận.
Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.
Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.
Khi luộc rau lang để ăn và chữa bệnh, nên lấy nước thứ hai vì nước thứ nhất thường chát và hăng.
Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất
Bữa trưa là thời điểm lý tưởng để lựa chọn món khoai lang cho mình. Vì hàm lượng can-xi trong khoai lang sau khi vào cơ thể cần tới 4-5h mới được cơ thể hấp thụ hết. Mặt khác, ánh sáng mặt trời buổi chiều rất tốt cho sự thúc đẩy sự hấp thụ can-xi của cơ thể. Khi cơ thể hấp thụ hết lượng can-xi cần thiết cũng là lúc cảm thấy hào hứng với bữa tối.
Tuy nhiên, không nên ăn khoai lang cùng quả hồng vì lượng đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, từ đó làm tăng việc tiết axit dịch vị. Các men axit này kết hợp với chất tannin có trong quả hồng gây ra phản ứng tạo chất kết tủa, gây hại cho dạ dày. Lâu ngày có thể dẫn tới chảy máu hoặc viêm loét dạ dày.