Tác dụng của cây rau khởi
Cây rau khởi
Rau khởi có tên rau củ khởi, cây khủ khởi, rau khỉ. Tên khoa học Lycium ruthenicum Murray Mill, thuộc họ cà. Lá rau khởi chứa nước, protein, glucid, xơ, tro, caroten và vitamin C...
Cây thân gỗ bụi nhỏ, cành dài mềm mọc cong xuống có màu xám vàng, đôi khi có gai ngắn mọc ở kẽ lá. Lá mọc cách gần như vòng, hình dạng trái xoan mép nguyên, màu xanh bóng đậm. Hoa nhỏ mọc từ kẽ lá, màu tím đỏ. Quả hình trứng màu đỏ sẫm, hạt nhiều dẹt màu đỏ cam bóng.
Rau khởi không chỉ dùng nấu canh ăn ngon mà còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh.
Người dân Lào Cai thường trồng rau củ khởi làm hàng rào, vì cây có gai, lá nhỏ, thân ken dày. Trước đây ở Lào Cai có nhiều loại rau ngon, nên rau củ khởi không được người dân chú ý mấy. Sau này, nhờ có vị hơi đắng ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng mà rau củ khởi trở thành đặc sản của các nhà hàng ở Lào Cai. Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không ngán. Canh rau củ khởi rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em, là vị thuốc chữa say rượu rất hiệu nghiệm. Chính vì vậy, du khách khi đến Bắc Hà, Sa Pa đều rất thích ăn rau củ khởi và mua về làm quà tặng người thân.
Theo sách Bản thảo bị yếu, rau khởi vị ngọt, tính bình, không độc, chủ nhuận phổi, mát gan, mạnh thận, ích khí, sinh tinh, trợ dương, bổ hư lao, khỏe gân cốt, khử phong độc làm sáng mắt, lợi ruột, trị khô khát. Xin giới thiệu cách dùng rau khởi chữa bệnh.
Tác dụng của cây rau khởi
Trị đái tháo đường do can âm hư tổn, giảm thị lực, tâm phiền dễ giận, khó ngủ, nhiều mộng mị, khát nước, gầy yếu: cà rốt 60g thái vừa, thịt trai 100g, cho nước vừa đủ, nấu sôi để nhỏ lửa 1 giờ, cho thêm 60g rau khởi tươi nấu 10 phút, nêm gia vị vừa ăn.
Rau khởi chữa đái tháo đường
Bổ hư ích tinh, thanh can sáng mắt, thích hợp cho người hay buồn phiền căng thẳng, chóng mặt mắt mờ, mỡ máu cao, bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ cứng động mạch: lấy 100g rau khởi tươi non rửa sạch, cho vào nồi cháo gạo đã đun nhừ, đun sôi một lúc, cho đường hoặc muối, ăn. Lá rau khởi hơi già thì đổ nước vào đun rồi chắt lấy nước, cho gạo tẻ vo sạch vào nấu cháo.
Chữa chứng khô khát, người háo: rau khởi tươi 100g, thịt bò 100g. Rau rửa sạch, thịt thái mỏng hoặc băm nhỏ, nấu canh nêm nếm vừa miệng. Ăn liền vào bữa cơm trưa vài ba ngày thì khỏi.
Chữa chứng gân cốt suy yếu: rau khởi tươi 10g, thịt trâu 100g. Rau rửa sạch, thịt trâu băm nhỏ, nấu canh, nêm nếm vừa ăn.
Chữa chứng đau lưng, thận suy: rau khởi 100g, thịt dê 100g. Rau rửa sạch, thịt dê thái mỏng, xào hoặc nấu canh, ăn vào bữa trưa. Ăn liền trong vài ngày. Chú ý: Thịt dê rất nóng, nếu người hỏa vượng thì giảm bớt 1/3 lượng thịt dê.
Chữa chứng “trường bế” do nhiệt độc tích tụ, ruột bị ứ nghẽn, tiêu, tiểu không thông: dùng 1 nắm rau khởi rửa sạch, vẩy ráo nước, ăn sống kèm với cá mòi kho hoặc nấu canh với cá mòi, ăn liền trong mấy ngày.
Bổ hư, ích tinh, thanh nhiệt, sáng mắt: Thích hợp cho người bị bệnh đái tháo đường và do suy nhược gây sốt, hoa mắt chóng mặt, mắt quáng gà: lá khởi tươi 100g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ. Lá câu kỷ đem rửa sạch, cho vào 300g nước, đun cạn còn lại 200g, vớt bỏ bã, cho gạo nếp, đường trắng vào, đổ thêm 300g nước nữa, đun thành cháo loãng. Ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối. Vì tác dụng của nó thấm dần dần nên phải kiên trì trong một thời gian dài.
Bổ thận ích tinh, tráng kiện gân cốt trừ phong sáng mắt: cật lợn bóc màng bỏ dây chằng, thái mỏng lấy một ít bột đậu ướt trộn vào. Luộc cật với 500ml nước, sôi nước thì cho lá khởi vào sôi lại là được, thêm một ít xì dầu, hạt tiêu bột làm canh ăn phụ trong bữa. Trị chứng thận hư khiến dương vật không cương, gầy yếu, tinh suy lực yếu. Người thận hư thị lực suy giảm, quáng gà, váng đầu chóng mặt đều dùng được.
Bổ hư, sáng mắt, cầm đới: lá khởi tươi non 200g, trứng gà 1 quả. Lá khởi rửa sạch, thái nhỏ, đập trứng lẫn lá khởi xào chín bằng dầu cải trên bếp lửa mạnh. Ăn lúc đói, ngày 1 lần, liên tục 10 ngày. Tác dụng: bổ hư, sáng mắt, trừ đới. Dùng cho người hư nhược, tỳ thận bất túc, bạch đới lượng nhiều, sắc trắng hoặc sắc vàng, chất trong không hôi, sắc mặt vàng bệch, thân thể thần kinh mệt mỏi. Cũng dùng để trị khô mắt, mắt đỏ.
Lưu ý: Rau khởi có nơi gọi rau khỉ nên phải tránh nhầm với cây con khỉ (hoàn ngọc, xuân hoa...).