Tác dụng của cây hoa tầm xuân
Cây tầm xuân
Tầm xuân là loài cây bụi sớm rụng lá có chiều cao từ 1–5 m, mặc dù đôi khi chúng cũng có thể leo cao hơn tới ngọn của các loài cây khác. Thân tầm xuân có nhiều gai sắc, nhọn, có móc giúp chúng leo dễ dàng. Lá kép lông chim, với 5-7 lá chét. Hoa thường có màu hồng nhạt, biến đổi từ hồng đậm tới trắng, với đường kính 4–6 cm và có nhiều cánh, lúc chính thành quả màu cam đỏ cỡ 1.5–2 cm.
Tầm xuân thuộc loài cây nhỏ họ quế hoa, thân cành mềm mại, có thể đan tết thành nhiều hình dạng khác nhau theo ý muốn. Có thể đặt ở phòng khách, phòng sách, với vẻ cổ kính và tao nhã sẽ làm tăng thêm vẻ xuân sắc cho căn nhà.
Dùng hoa tầm xuân để trang trí cho hành lang mái hiên là hợp lý nhất. Mùa xuân thì thưởng hoa, mùa hè thì ngắm cành lá. Cành lá tầm xuân rủ xuống đung đưa theo gió tạo nên cảnh sắc đầy thơ mộng. Theo quan niệm của y học cổ truyền, tầm xuân là một vị thuốc khá độc đáo.
Nó có nhiều tên khác như thích hoa, bạch tàn hoa, thích mi, ngưu cúc, tường mi, thập tỷ muội, thất tỷ muội, dã tường vi, hòa thượng đầu… Tầm xuân có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết chỉ huyết, giải độc giảm đau, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hoàng đản, thủy thũng, lỵ tật, tiêu khát, bĩ tích, đái dầm ở trẻ em…
Hoa tầm xuân.
Tác dụng của chữa bệnh của cây tầm xuân
1. Hoa tầm xuân
Cảm nóng, cảm lạnh:
Có các triệu chứng tức ngực, buồn nôn và nôn, có thể có nôn ra máu, môi khô miệng khát, chán ăn, mệt mỏi, dùng hoa tầm xuân 3 - 9g sắc uống hoặc hoa tầm xuân 5g, thiên hoa phấn 10g, sinh thạch cao 30g, mạch môn 15g, sắc uống hoặc hoa tầm xuân 10g và hoa đậu ván trắng 10g, hãm với nước sôi, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà.
Nôn ra máu, chảy máu cam:
Dùng hoa tầm xuân 6g, bạch cập 15g và rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.
Bướu tuyến giáp:
Dùng hoa tầm xuân 5g, hoa hậu phác 5g, hoa chỉ xác 5g và hoa hồng 5g, sắc uống.
Đái tháo đường và viêm loét niêm mạc miệng mãn tính:
Dùng sương đọng trên hoa tầm xuân vào buổi sớm 30ml pha chút nước ấm uống hằng ngày.
2. Lá tầm xuân
Có thể thu hái quanh năm, có tác dụng sinh cơ và làm liền nhanh vết thương.
Viêm loét chi dưới:
Dùng lá tầm xuân không kể liều lượng nấu nước rửa vết thương.
Nhọt độc sưng nề:
Dùng lá và cành non tầm xuân rửa sạch, giã nát với một chút muối ăn rồi đắp lên chỗ tổn thương.
Ung nhọt làm mủ chưa loét: Dùng lá tầm xuân sấy khô tán bột, trộn với mật ong và giấm đắp lên tổn thương.
3. Rễ tầm xuân
Vị đắng hơi sáp, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết và giải độc, được dùng để chữa nhiều chứng bệnh:
Liệt mặt và di chứng liệt nửa người do tăng huyết áp: Rễ tầm xuân 15 - 30g sắc uống.
Đau răng:
Rễ tầm xuân sắc uống hoặc ngậm.
Viêm khớp:
Rễ tầm xuân 15 - 30g sắc uống.
Hoàng đản (vàng da):
Dùng rễ tầm xuân 15 - 24g hầm với 60g thịt lợn nạc, chế thêm một chút rượu vang, chia ăn vài lần trong ngày.
Đái dầm trẻ em, người già đi tiểu đêm:
Rễ tầm xuân 30g sắc uống hoặc hầm với thịt lợn ăn.
Bỏng:
Rễ tầm xuân tươi nấu nước rửa hằng ngày hoặc bột rễ tầm xuân trộn với dầu vừng đắp (bỏng nhẹ).
4. Quả tầm xuân
Vị chua, tính ấm, thu hái vào lúc chín, sấy hoặc phơi khô làm thuốc, có công dụng lợi tiểu thanh nhiệt, hoạt huyết giải độc.
Phù do viêm thận:
Quả tầm xuân 3 - 6g, hồng táo 3 quả, sắc uống hoặc quả tầm xuân 20g, đại hoàng 3g, sắc chia uống 3 lần trong ngày.
Tiểu tiện khó:
Quả tầm xuân 10g, mã đề 30g và biển súc 30g, sắc uống.
Đau bụng khi hành kinh:
Dùng quả tầm xuân 120g sắc lấy nước hòa thêm một chút đường và rượu vang uống ấm.
Táo bón:
Quả tầm xuân 10g, đại hoàng 3g, sắc uống.