Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng, công dụng của gấc đối với sắc đẹp

01/01/2020 · Sức khỏe
Gấc là loại quả có khả năng chống ô xy hóa cao, tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể… Gấc chữa được rất nhiều bệnh và đặc biệt rất tốt cho sức khỏe và cơ thể của bạn

tác dụng quả gấc với sắc đẹp

Gấc – một loại trái rất gần gũi với người dân Việt Nam vì loại cây này dễ trồng, ăn ngon và trái gấc chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể: Màng của hạt gấc giúp tạo sữa nên được dùng cho phụ nữ mang thai, thịt gấc chứa nhiều vitamin A nên dùng điều trị bệnh “khô mắt” cho trẻ em.

Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, hạt gấc có đặc tính “làm mát” nên được sử dụng trong các bệnh lý gan, lách, vết thương, máu tụ sưng tấy, mụn mủ… Và gần đây nhất người ta đã phát hiện thêm đặc tính chống ung thư của quả gấc.

Nguồn dược liệu tuyệt vời

Trong dầu gấc chứa khá nhiều hàm lượng Beta – carotene là tiền sinh tố của Vitamin A. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, loại vitamin tuyệt vời đối với mắt. Không chỉ vậy, gấc còn chứa nhiều các chất khác như Vitamin E, carotene… làm vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…

Màng của hạt gấc có hàm lượng lycopen 380 mg/g, gấp 10 lần so với trái cây giàu lycopen đã được biết đến như trái ổi (Lycopen có tác dụng phòng chống ung thư, các bệnh tim mạch, và lão hóa). Hàm lượng Lycopen trong thịt gấc là 2,227 mg/g gấc tươi.

Phần thịt gấc cũng có hàm lượng fatty acid rất cao, từ 17 – 22% (trọng lượng). Tinh dầu gấc có chứa nồng độ carotenoids là 5.700 mg/ml với 2,710 mg/ml là beta – carotene. Trong tinh dầu gấc hàm lượng vitamin E cũng rất cao. Vì vậy, gấc là nguồn thực phẩm cung cấp các chất chống ô xy hóa có giá trị sinh học cao.

“Mỹ phẩm” thiên nhiên

Trong dầu gấc màu đỏ sánh, ngọt béo chứa rất nhiều vitamin. Các chất thiên nhiên này góp phần giữ gìn sự thanh xuân, chống sạm da, khô da, rụng tóc. Không chỉ vậy, hiện nay dầu gấc còn được chiết suất để chữa các loại mụn trứng cá có nhân. Vì vậy, gấc trở thành loại quả dùng trong công nghiệp mỹ phẩm. Trong 100 g thịt gấc (màng đỏ) chứa 15 mg – carotene và 16 mg – lycopen.

Quả gấc càng chín thì hàm lượng carotene sẽ giảm còn hàm lượng lycopen lại tăng lên. Lycopen thực vật trong gấc có tác dụng chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc, nổi sần, có tác dụng dưỡng da, bảo vệ da, giúp cho da bạn luôn hồng hào tươi trẻ và mịn màng.

Beta – carotene và Lycopen là các chất Caroten, loại chất chống ô xy hóa của thực vật, có tác dụng dọn sạch các gốc tự do (các nguyên tử và phân tử ở trạng thái không ổn định, có hoạt tính hóa học rất cao) và các sản phẩm ô xy hóa độc hại do các gốc tự do sinh ra, giúp cơ thể khỏe mạnh kéo dài tuổi thanh xuân và tuổi thọ.

Có thể nói chất Caroten như cái chổi quét rác trong cơ thể, có nhiệm vụ “quét dọn” thường xuyên các sản phẩm ô xy hóa vốn không những làm cho cơ thể bị già nhanh mà còn gây nhiều bệnh hiểm nghèo như xơ vữa động mạch, thoái hóa thần kinh, đục thủy tinh thể mắt, bệnh Alzheimer, viêm nhiễm, ung thư.

Bạn cần biết!

-    Dầu gấc có tác dụng làm giảm LDL Cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó chống tai biến.

-    Dầu gấc chứa lycopen thực vật nên có tác dụng chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc.

-    Các món ăn có gấc làm vị “gia giảm” không chỉ ngon, đầy màu sắc mà còn nhuận tràng chống táo bón tốt cho hệ tiêu hóa.

-    Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày. Beta – carotene có chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ô xy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Mách bạn:

1. Tự chế dầu gấc

Bạn có thể tự điều chế dầu gấc dự trữ dùng dần tại gia đình như sau: Bổ đôi quả gấc chín già và moi lấy ruột, phơi hoặc sấy khô rồi bóc tách lấy lớp màng đỏ bao quanh hạt và phơi khô giòn, thái nhỏ và cho vào nồi hoặc chảo, cho dầu ăn ngập và rán nhỏ lửa. Khi dầu đã chảy ra hết, tóp giòn, vớt bỏ tóp, rồi để nguội, lọc qua phễu trên đã để sẵn miếng vải màn để loại cặn rồi cho vào chai có màu đã rửa sạch, sấy khô, có nút đậy thật kín. Để ở chỗ tối, dùng trong một năm.

2. Sử dụng dầu gấc thế nào?

Trong quá trình sử dụng không nên dùng mỡ gấc, dầu gấc để rán, vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy carotene. Nên trộn vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống thay dầu cá, mỗi ngày khoảng 10 g (2 muỗng cà phê) tương đương 700 microgram vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng. Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì liều cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt (khoảng 2 viên nang). Nên chọn loại gấc nếp vì chất lượng cao gấp nhiều lần gấc khác.

3. Rượu hạt gấc trị bệnh

Hạt gấc có thể chế thành thuốc trị các loại bệnh như: đau khớp, nhức răng, mụn nhọt, té bầm, viêm họng, trầy xước, vết thương nhỏ, trị vết rắn cắn (rắn lành).

Cách làm: Lấy 50 hạt gấc chín, rửa thật sạch, để ráo, nướng trên than củi, canh sao cho hạt gấc thật vàng. Để nguội, dùng dao bén tách vỏ,lấy ruột đập dập đều, cho vào chai, lọ thủy tinh, đổ rượu 45 độ ngập xâm xấp. Đậy nút kín, ngâm độ 120 phút là dùng được (ngâm để càng lâu càng tốt).

Khi dùng lấy bông gòn thấm rượu bôi lên chỗ đau, vết cắn, vết thương vài ba lần trong ngày, độ 2 – 4 ngày là khỏi. Hớp vào miệng, ngậm 30 phút sáng và chiều trị đau răng, đau họng, chảy máu răng.

Lưu ý: hạt gấc có độc không được uống!

Theo Thời Trang Trẻ