Suy giảm thị lực
Khi nhận thấy bản thân bị suy giảm thị lực, điều cần thiết nhất nên làm là đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất. Tránh tình trạng kéo dài, tình trạng sẽ ngày càng khó được hồi phục và có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.
1. Suy giảm thị lực là gì?
Mắt là cơ quan cảm giác phát triển cao nhất của cơ thể con người. Trên thực tế, phần lớn chức năng của não bộ dành riêng cho thị giác hơn là thính giác, khứu giác hay vị giác.
Suy giảm thị lực là tình trạng giảm khả năng nhìn ở một mức độ nào đó, gây ra những vấn đề không thể khắc phục được bằng đeo kính hoặc ở những người có khả năng nhìn kém khi không đeo kính hoặc kính áp tròng.
Suy giảm thị lực phổ biến nhất là tật khúc xạ. Cận thị, viễn thị, loạn thị là những ví dụ về tật khúc xạ. Những rối loạn khúc xạ này có thể chữa được bằng việc đeo kính hoặc phẫu thuật khúc xạ Lasik.
Suy giảm thị lực có thể liên quan đến các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tách võng mạc hay thoái hóa điểm vàng. Những bệnh lý này khiến cho mắt bị giảm tầm nhìn. Mục tiêu điều trị phụ thuộc vào bệnh lý của mắt, nó có thể bao gồm việc hồi phục hoàn toàn, hồi phục khả năng thị lực còn lại...
Với những đối tượng bị suy giảm thị lực không thể khắc phục được bằng việc đeo kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật thì được gọi là tầm nhìn thấp. Tầm nhìn thấp không bao gồm những trường hợp bị mù hoàn toàn bởi bạn vẫn còn khả năng nhìn với một phần thị lực còn lại.
Nếu tầm nhìn nằm trong khoảng từ 20/40 - 20/200 thì được gọi là mất thị giá từng phần.
Nếu tầm nhìn không tốt hơn ở mức 20/200 thì sẽ được coi là mù một cách hợp pháp. Tuy nhiên nó không giống như việc bị mù hoàn toàn.
Cận thị là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm thị lực.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm thị lực
Sau đây là một số nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm thị lực:
- Cận thị: kết quả của việc hình ảnh được tập trung ở phía trước võng mạc, vì vậy các vật thể ở xa rất khó để nhìn rõ. Tình trạng này ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau. Thường xuất hiện vào lúc nhỏ tuổi và giữ ổn định trong khoảng 20 năm.
- Viễn thị: ngược lại với cận thị, hình ảnh được tập trung phía sau võng mạc, khiến cho các vật thể ở gần xuất hiện mờ đi. Trẻ em có thể bị viễn thị nhẹ khi chúng trưởng thành.
- Loạn thị: kết hợp giữa cận thị và viễn thị, khi giác mạc có hình dạng bất thường. Do đó, mắt thiếu tập trung vào một điểm nhìn duy nhất.
- Lão thị: thường bắt đầu ở tuổi 40, phải dùng kính để đọc sách. Cũng giống như viễn thị, lão thị là nhìn gần không rõ.
- Bong võng mạc: Võng mạc có chức năng chuyển đổi tín hiệu ánh sáng tạo thành xung thần kinh. Tình trạng võng mạc của mắt bị bong ra thì gọi là bong võng mạc. Mặc dù bong võng mạc không gây đau đớn tuy nhiên nó khiến cho thị lực bị giảm đột ngột, cần phải chữa trị ngay lập tức. Nếu võng mạc không được gắn vào thành mắt kịp thời, các tế bào võng mạc có thể bị thiếu oxy và có thể khiến bạn bị mất thị lực vĩnh viễn.
- Bệnh mù màu: thường gặp nhất do sự rối loạn của các tế bào cảm thụ ánh sáng nhạy cảm với võng mạc, phản ứng với các tia sáng khác nhau. Tầm nhìn về màu sắc sẽ bị ảnh hưởng nếu những sắc tố đó bị khiếm khuyết hoặc các bước sóng phản ứng sai về màu sắc đó. Nam giới là đối tượng dễ bị mù màu hơn nữ giới. Rất hiếm có trường hợp nào bị mù màu hoàn toàn, họ không phân biệt được một số màu sắc nhất định.
- Quáng gà: Trong điều kiện ánh sáng mờ hoặc vào ban đêm, thị lực của họ rất kém
- Mỏi mắt: Thường thì mỏi mắt là do bạn quá tập trung làm một việc gì đó, chính vì vậy nếu bạn để mắt nghỉ ngơi thì chứng mỏi mắt sẽ nhanh chóng biến mất
- Đục thủy tinh thể: đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù mắt, chiếm hơn 20 triệu người trên toàn thế giới. Thấu kính của mắt tập trung ánh sáng để có thể nhìn rõ các vật ở những khoảng cách khác nhau.
Khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng không thể truyền qua được thì gọi là đục thủy tinh thể, tình trạng này xảy ra khi chúng ta già đi. Cách tốt nhất để chữa đục thủy tinh thể là phẫu thuật.
- Viêm kết mạc: lớp màng bao phủ nhãn cầu và mí mắt bên trong bị viêm thì gọi là viêm kết mạc. Nếu viêm kết mạc bị nhiễm trùng có thể rất dễ lây lan, tuy nhiên nó không nghiêm trọng và không gây hại cho thị lực nếu phát hiện và điều trị kịp thời.
- Bệnh tăng nhãn áp: Hơn 2 triệu người Mỹ mắc bệnh này và đây là nguyên nhân hàng đầu khiến thị lực giảm đột ngột và có thể bị mất không khôi phục được. Các bác sĩ thường gọi bệnh tăng nhãn áp là kẻ trộm thầm lặng vì nó xuất hiện để đánh cắp thị lực dần dần.
Bên cạnh đó, suy giảm thị lực còn có thể bị gây ra bởi một số nguyên nhân khác như:
- Bệnh tiểu đường.
- Ung thư mắt.
- Bệnh bạch tạng.
- Chấn thương mắt, chấn thương sọ não.
3. Điều trị suy giảm thị lực
Một số trường hợp khác có thể sử dụng kỹ thuật phẫu thuật hiện đại như Lasik.
Sau đây là một số biện pháp dùng để điều trị tình trạng suy giảm thị lực:
- Nếu bị các tật khúc xạ, thông thường sẽ được các bác sĩ chỉ định đeo kính. Một số trường hợp khác có thể sử dụng kỹ thuật phẫu thuật hiện đại như Lasik
- Phẫu thuật cấy ghép thấu kính nhân tạo với những trường hợp bị đục thủy tinh thể
- Điều trị bằng phẫu thuật Laser
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát bệnh ( tăng nhãn áp)
Bên cạnh đó, có thể tìm đến sự hỗ trợ của các thiết bị trực quan để cải thiện tình trạng suy giảm thị lực:
- Kính thiên văn
- Kính lúp
- Kính lúp màn hình
- CCTV
Không nên để mắt làm việc với cường độ cao trong thời gian dài bởi nó sẽ khiến thị lực càng ngày càng giảm sút.