Stress gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng
Stress là vấn đề không thể tránh khỏi của lối sống hiện đại. Những rắc rối trong công việc, cuộc sống cá nhân, trong các mối quan hệ… sẽ là những nguyên nhân dẫn đến stress nếu chúng ta không biết cách kiểm soát tốt mọi thứ. Stress mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người, trong đó có cả hệ thống răng miệng.
1. Chế độ vệ sinh răng miệng nghèo nàn
Những người bị stress nặng thường từ bỏ những thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng đắn như chải răng hoặc xỉa răng bằng chỉ nha khoa. Điều này hoàn toàn không tốt nếu như họ đang mắc các bệnh về lợi. Khi đó, sức khỏe răng miệng sẽ trở nên suy yếu. Nếu bạn không quan tâm tới sức khỏe răng miệng, không thực hiện những thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên thì các bệnh về lợi hoặc nguy cơ sâu răng sẽ gia tăng nhanh chóng.
Ảnh minh họa
Thêm vào đó, stress thường xuyên còn khiến bạn có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Do đó, bạn cần tự nhắc nhở chính mình về thói quen ăn uống lành mạnh và duy trì những tiêu chuẩn vệ sinh răng miệng bắt buộc. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao sẽ giúp bạn giảm được stress và tăng cường sự khỏe mạnh cho hệ miễn dịch. Điều này cũng có nghĩa là sức khỏe răng miệng của bạn sẽ được chăm sóc tốt hơn.
2. Bệnh về lợi
Một kết quả nghiên cứu cho thấy, sự căng thẳng có thể là nguyên nhân là hình thành những mảng bám ở răng ngay cả khi mức căng thẳng cao đã trôi qua được một thời gian ngắn. Về lâu dài, stress có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở lợi hoặc viêm lợi. Sự chán nản cũng có thể là kết quả của stress. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người đang phiền muộn hầu như ít thu được những kết quả thuận lợi từ việc điều trị bệnh về lợi. Theo các chuyên gia, chúng ta nên học cách đối phó với stress và sự suy nhược, chán nản bằng những kế hoạch thiết thực.
3. Bệnh về miệng
Tình trạng căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của những căn bệnh về miệng bao gồm bệnh herpes môi và viêm loét miệng.
Bệnh viêm loét miệng hình thành bên trong miệng. Đây chính là những vết loét nhỏ có màu trắng xám và lớp viền đỏ bao xung quanh xuất hiện ở niêm mạc miệng. Nguyên nhân thật sự gây ra các bệnh về miệng vẫn chưa được tìm ra nhưng các chuyên gia tin rằng vi khuẩn, virus, những rắc rối của hệ miễn dịch và ngay cả stress cũng có thể gây ra các căn bệnh này.
Tuy nhiên, một số căn bệnh về miệng rất khó lây và có thể chữa khỏi trong khoảng 10 ngày. Các loại thuốc bôi có công dụng gây tê và những loại thuốc chữa viêm loét miệng thông thường (bán ở hiệu thuốc tây) có thể giúp làm giảm cảm giác đau rát, khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, người bị viêm loét miệng cần tránh dùng những thức ăn cay, nóng, có nhiều a-xít hay gia vị trong thời gian bị bệnh nhằm giảm bớt đau rát và sưng tấy.
Bệnh herpes môi (hay còn gọi là bệnh rộp da) là căn bệnh viêm nhiễm dễ lây do virus gây ra. Biểu hiện của bệnh là các vết phồng rộp trên da bỏng rát, bên trong chỗ phồng có chứa dịch lỏng. Thông thường, những vết phồng rộp này xuất hiện trên và xung quanh môi. Một số nguyên nhân gây ra herpes môi có thể là do sốt, bỏng nắng, trầy da và những thay đổi đột ngột về tâm lý… Thông thường, căn bệnh này có thể tự lành. Nhưng nếu sử dụng các loại thuốc bôi chống viêm nhiễm thông thường hoặc những loại thuốc uống được bác sĩ kê đơn cũng giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu.
4. Nghiến răng
Nghiến răng thường là thói quen vô thức của nhiều người. Lúc gặp phải stress, tình trạng nghiến răng của họ càng trở nên trầm trọng hơn. Thói quen này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với khớp thái dương hàm dưới, nằm ngay phía trước tai, tại điểm giao nhau giữa sọ và hàm dưới. Bạn nên đến nha sĩ để được tư vấn cách chữa trị thói quen không tốt này. Thông thường, để chữa tật nghiến răng, nha sĩ sẽ buộc bạn phải sử dụng một số dụng cụ nhằm hạn chế các động tác nghiến răng như đeo hàm bảo vệ trong lúc ngủ…
Stress luôn là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Theo thời gian, chúng ta phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn hơn, mức độ stress vì vậy cũng sẽ tăng cao hơn. Cần phải biết cách đánh bại stress để ngăn chặn những tác động của chúng đối với sức khỏe và cuộc sống. Để duy trì một chế độ chăm sóc răng miệng đúng đắn, bạn nên đánh răng mỗi ngày hai lần và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và thường xuyên thăm khám răng định kỳ.