Phương pháp thai giáo hiệu quả trong 3 tháng cuối thai kỳ
Phương pháp giúp mẹ bầu thai giáo hiệu quả trong tháng thứ 7.
Hệ thống thần kinh của thai nhi tương đối phát triển vào tháng thứ 7, thai nhi đã có thể thực hiện các hoạt động như hô hấp, nuốt, khóc, mút tay, đồng thời có thể xoay người 360 độ và các hoạt động cảm giác của thai nhi cũng nhanh nhạy hơn. Do đó, vào thời điểm này, các bậc cha mẹ cần tiếp tục duy trì và tăng cường thực hiện các phương pháp thai giáo bằng ngôn ngữ, thai giáo bằng vận động, thai giáo bằng âm nhạc….để kích thích sự phát triển trí tuệ của thai nhi một cách tốt nhất.
Nếu như trước đây thai giáo chủ yếu là trò chuyện, hát và đọc thơ…thì trong giai đoạn này, khi thần kinh của thai nhi đã hoàn thiện thêm một bước, các bạn có thể đọc cho bé nghe những tác phẩm văn học vào những lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, tránh đọc cho bé nghe các bộ tiểu thuyết dài và đau buồn, vì bé khó có thể cảm nhận và ghi nhớ được, thậm chí còn khiến bé có những cảm xúc buồn, thất vọng từ người mẹ, từ đó gây ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành cảm xúc, tâm lý và nhân cách sau này của con trẻ.
Ngoài ra, trong thời gian này các chị em nên tăng cường vận động và rèn luyện cơ thể bằng các động tác co duỗi nhằm lưu thông khí huyết. Tự tay làm một số đồ thủ công như đan khăn, đan mũ cho bé…trong quá trình vừa làm vừa trò chuyện với bé, giúp bé dễ dàng cảm nhận được tình yêu thương, thúc đẩy hình thành các cảm xúc tích cực và gắn kết yêu thương với bố mẹ sau khi trẻ chào đời.
Các mẹ có thể đọc cho bé nghe những truyện ngắn vui nhộn vào những lúc rảnh rỗi.
Thai giáo ở tháng thứ 8.
Đến tháng thứ 8, các cơ quan chủ yếu của thai nhi về cơ bản đã phát triển hoàn thiện, thai nhi đã có các phản ứng tương đối nhạy cảm với các kích thích bên ngoài và khả năng tiếp nhận thông tin cũng gia tăng một cách nhanh chóng. Vì vậy, trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ nên tiếp tục duy trì và tăng cường các liệu pháp thai giáo như tháng thứ 7, để thai nhi có được tiền đề trí lực tốt nhất sau khi chào đời.
Càng cận kề ngày sinh, người mẹ với tâm trạng lo lắng và căng thẳng cho việc sinh nở là điều khó tránh khỏi, đặc biệt với các chị em sinh con đầu lòng. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Sanmeroff và Kelly tiến hành nghiên cứu trên 300 thai phụ, đã đưa ra kết luận: “tâm trạng lo âu của người mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi”. Tâm trạng lo lắng của người mẹ có thể gây ra những biến đổi sinh lý, ảnh hưởng đến thai nhi bên trong tử cung, khiến trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh về tâm lý. Do đó, mẹ bầu cần phải ổn định tâm lý để việc sinh nở diễn ra an toàn thuận lợi, thai nhi khoẻ mạnh và phát triển tốt nhất về trí tuệ và tâm lý.
Trong thời gian này cùng với sự gia tăng về kích thước và trọng lượng của thai nhi, hình dáng cơ thể người mẹ cũng có nhiều thay đổi, bụng tụt xuống, nội tạng dồn hết lên trên, tim, phổi chịu áp lực,…nên cảm giác khó chịu và mệt mỏi ở người mẹ là điều không tránh khỏi. Do đó, các mẹ bầu trong những tháng cuối thai kỳ nên vận động thường xuyên, làm một số việc nhà vừa sức hoặc tập các động tác thể dục cần thiết để chuẩn bị cho việc sinh nở dễ dàng.
Trong thời gian này, mẹ bầu nên tập một số động tác cần thiết để chuẩn bị cho việc sinh nở dễ dàng.
Thai giáo đúng cách cho tháng thứ 9.
Đến tháng thứ 9, ngoài việc tiếp tục duy trì các phương pháp thai giáo bằng ngôn ngữ, vận động và âm nhạc, các bạn nên chú trọng thực hiện thêm phương pháp thai giáo bằng ánh sáng.
Thai giáo bằng ánh sáng có thể được thực hiện như sau: có thể dùng ánh sáng thích hợp để kích thích vào bụng, đó có thể là ánh sáng từ đèn pin hoặc ánh sáng từ mặt trời vào lúc sáng sớm nhưng phải đảm bảo ở cường độ vừa phải. Khi chiếu sáng với cường độ vừa phải vào bụng mẹ, đầu tiên, thai nhi sẽ quay mặt sang hướng khác hoặc nhắm mắt để tránh ánh sáng. Sau đó, thai nhi chớp mắt đồng thời tăng sự hứng thú cho thai nhi quay đầu về hướng có nguồn sáng. Thai giáo bằng ánh sáng lúc này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kích thích độ sáng tối trong não thai nhi, tăng cường sự phát triển của não bộ.
Chế độ dinh dưỡng trong những tháng cuối thai kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng, lúc này, chức năng tiêu hóa của người mẹ sẽ bị chậm lại, vì thế mẹ bầu nên ăn nhiều khoai, tảo biển và các loại rau chứa nhiều chất xơ, để phòng tránh táo bón và các vấn đề về đường tiêu hoá gây ra.
Thai giáo là phương pháp giáo dục và khơi dậy tiềm năng trí tuệ, tăng cường thể chất cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đây là một quá trình tương đối lâu dài và đỏi hỏi các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn, mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Quá trình thai giáo trong 3 tháng cuối thai kỳ vẫn là việc tiếp tục áp dụng các phương pháp thai giáo bằng ánh sáng, thai giáo bằng ngôn ngữ, thai giáo bằng vận động nhưng với cường độ cao hơn, để mang đến cho trẻ sự phát triển toàn diện nhất về trí tuệ và thể chất.