Logo Bài Thuốc Quý

Phòng trị sỏi thận, tiết niệu nhờ bài thuốc Đông y

01/01/2020 · Sức khỏe
Sỏi thận, sỏi tiết niệu là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam do thói quen ăn uống đồ cay nóng, ít uống nước. Ngoài việc mổ lấy sỏi, một số bài thuốc Đông y dưới đây có tác dụng phòng và trị sỏi bệnh. Bạn có thể tham khảo.

Bệnh sỏi thận tiết niệu

Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau. Nước từ mạch máu ngấm qua tế bào thận, bài tiết nước tiểu qua ống thận vào lòng thận, theo ống bài tiết (niệu quản) xuống bàng quang và thoát ra ngoài.

Sỏi hình thành, di chuyển ở bất cứ vị trí nào trên đường đi của nước tiểu và được gọi là sỏi thận, sỏi niệu quản hay sỏi bàng quang. Tuy nhiên, do cấu tạo của thận có nhiều ngóc ngách, khe kẽ mà độ lắng đọng lớn hơn khiến dễ bị sỏi hơn cả. 

Nguyên nhân phần nhiều hay ăn đồ cay nóng, uống ít nước hoặc do phòng sự quá độ thận âm hư hỏa động, khí hóa của bàng quang suy yếu, nhiệt uất kết, viêm nhiễm. 

Sau khi viên sỏi được hình thành, nếu sỏi còn nhỏ, thường viên sỏi đi theo đường nước tiểu và được tống ra ngoài. Nhưng nếu viên sỏi bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, thì sỏi sẽ lớn dần, gây cản trở lưu thông của nước tiểu, đưa đến ứ đọng và dãn phình ở phía trên chỗ tắc và gây ra các biến chứng:

  • Tắc nghẽn
  • Nhiễm trùng.
  • Phát sinh thêm các viên sỏi khác.
  • Phá hủy dần cấu trúc thận

Phòng trị sỏi thận nên thanh thấp nhiệt, bài thạch, tư dưỡng thận âm. Sau đây là một số bài thuốc phòng trị bệnh.

Sỏi thận, tiết niệu

Sỏi tiết niệu thuộc chứng “ngũ lâm” trong đông y. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên.

Bài thuốc Đông y trị sỏi thận, tiết niệu

"Ngũ lâm” đi tiểu có cặn lắng, hoặc siêu âm thấy có sỏi đều gọi là thạch lâm. Nên dùng bài Thạch lâm thông: kim tiền thảo 30g, quả dứa dại 16g, đương quy 14g, xích thược 14g, hoàng bá 14g, tỳ giải 14g, ngưu tất 14g, đào nhân 12g, đăng tâm 6g. Sắc uống. Tác dụng: lợi tiểu thanh thấp, bài thạch, dưỡng âm… Trong bài: Kim tiền, quả dứa, đăng tâm thanh nhiệt lợi thấp thông lâm bài thạch; đào nhân, ngưu tất thông ứ kết; hoàng bá, tỳ giải thanh thấp nhiệt; đương quy, xích thược bổ huyết dưỡng âm. Bài thuốc có công năng vừa bổ vừa tả. Trị sỏi thận tiết niệu, đi tiểu bí khó, thận trướng nước do sỏi. Uống nhiều ngày không sợ hại chân âm, tăng cường chức năng lọc đào thải của thận.

“Ngũ lâm” đi tiểu buốt nóng, tiểu ra máu còn gọi huyết lâm. Phép trị: thanh thấp nhiệt chỉ huyết. Nên dùng bài Tiểu kế ẩm tử gia vị: tiểu kế 20g, bồ hoàng 20g, ngẫu tiết 12g, đương quy 12g, chi tử 12g, hoạt thạch 40g, mộc thông 8g, sinh địa 40g, cam thảo 4g, trúc diệp 12g. Sắc uống. Tác dụng: chỉ huyết, thanh nhiệt, thông lâm… Bài này rất tốt cho người có sỏi, có đợt đi tiểu ra máu.

“Ngũ lâm” đi tiểu đục ở cuối bãi, đau lưng còn gọi cao lâm. Phép trị: thanh thấp nhiệt kiện tỳ. Nên dùng bài Tỳ giải phân thanh ẩm 2: tỳ giải 20g, thương truật 12g, đơn sâm 14g, hoàng bá 14g, liên nhục 12g, bạch linh 20g, xương bồ 12g, xa tiền 14g. Sắc uống. Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thấp… Thích hợp người có sỏi, nước tiểu vẩn đục như nước vo gạo, đi tiểu nóng, rát và đau.

Kim tiền thảo trị sỏi thận

Kim tiền thảo.

“Ngũ lâm” đi tiểu buốt rít, tiểu khó còn gọi khí lâm. Phép trị: thăng thanh giáng trọc. Nên dùng bài Bổ trung ích khí gia giảm: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 16g, hoàng kỳ 14g, thăng ma 12g, sài hồ 12g, đương quy 14g, tỳ giải 14g, xương bồ 10g, ích trí nhân 12g, ô dược 12g. Sắc uống. Tác dụng: bổ khí thăng dương thanh thấp, bài thạch. Thích hợp người có tuổi bị sỏi thận kèm tỳ thận khí hư, tiểu ít, tiểu khó.

“Ngũ lâm” đi tiểu khó khăn, có khi đau xốc lên bụng, gọi là lao lâm. Nên dùng bài Tế sinh thận khí hoàn gia giảm: thục địa 32g, hoài sơn 16g,  đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục linh 14g, trạch tả 12g, quế chi 12g, phụ tử 4g, ngưu tất 14g, sa tiền 12g. Sắc uống. Tác dụng: ôn dương bổ thận, hóa khí lợi thấp. Thích hợp người có tuổi sỏi thận tiết niệu chữa hết lại có, tiểu không tự chủ.

Lưu ý: nếu sỏi thận gây viêm tiết niệu cấp hoặc thận trướng nước, cần đi khám trị chuyên khoa.

Theo SKĐS