Phòng tránh hăm tã đúng cách cho bé yêu
Bé Bí Đỏ sốt cao đã hai hôm nhưng chị Nhung lại không thấy bất cứ biểu hiện liên quan nào như moc răng, hay viêm mũi họng. Chị đưa con đến bệnh viện vì lo lắng sốt không rõ nguyên nhân. Kết luận của bác sĩ khiến chị không khỏi bất ngờ: bé bị hăm da do bội nhiễm, nơi hăm da đã kéo mủ, trầy loét, nên cơ thể phản ứng lại, gây sốt. Bí Đỏ vốn hay bị hăm tã, nhưng mấy đợt trước, chỉ cần chị Nhung chú ý năng thay tã hơn, rửa sạch vùng da bị hăm và để thoáng khô là bé nhanh khỏi sau 4-5 ngày. Đợt này bé bị lâu hơn, nghiêm trọng hơn, nhưng do chị ỷ y, ít chú ý nên viêm da lan rộng, phù nề và thậm chí kéo mủ.
Hăm tã tuy là vấn đề về da rất phổ biến, nhưng khiến không ít bà mẹ đau đầu. Nếu để dẫn đến bội nhiễm - hệ quả của hăm tã không được xử lý sớm, quá trình điều trị lại càng khó khăn hơn.
Hăm tã thường xuất hiện khi vùng bọc tã lót của bé tiếp xúc nhiều với nước tiểu và phân, mà không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách. Do đó, khi bé bị hăm tã, hầu như các bà mẹ đều nắm vững các nguyên tắc như vệ sinh kỹ lưỡng cho bé, thay tã thường xuyên, và giữ cho bé khô thoáng càng nhiều càng tốt. Lưu ý để tránh các vết hăm tái đi tái lại, các mẹ cần sử dụng kem chống hăm có các hoạt chất như oxit kẽm (giúp se dịu vết thương và tái sinh da), lanolin hay còn gọi là mỡ cừu (giúp làm mềm da, phục hồi sự cân bằng tự nhiên của da và tạo lớp màng bảo vệ) để tạo hiệu quả bảo vệ toàn diện nhất.
Điều trị bệnh vốn không phức tạp, có thể thực hiện tại nhà, nhưng nếu được phòng tránh ngay từ đầu, các bà mẹ sẽ không cần phải tổn hao nhiều tâm sức. Kinh nghiệm cho các mẹ là cần sử dụng các loại kem chống hăm tin cậy, được kiểm định lâm sàng để có thể bảo vệ tất cả các vùng da của bé từ vùng bọc tã lót khỏi nguy cơ hăm tã, đến các vùng da nhiều nếp gấp như kẽ mông, bẹn, đùi, cổ và cánh tay khỏi nguy cơ hâm nhiệt.