Phát hiện nguyên nhân tại sao ung thư tái phát
Một số tế bào ung thư biết cách “đi ngủ” để tránh bị tiêu diệt bởi hóa trị liệu và một thời gian sau chúng thức dậy để gây bệnh lần thứ hai.
Trước nay bệnh ung thư thường có xu hướng tái phát trở lại cho dù sau điều trị bệnh nhân tỏ ra bình phục một thời gian dài và các thầy thuốc cũng xem như bệnh nhân đã được chữa lành.
Giờ đây các nhà khoa học tin rằng họ đã giải thích được vì sao bệnh ung thư lại tái phát, thậm chí có trường hợp sau nhiều thập kỷ.
Những bằng chứng di truyền cho thấy tế bào ung thư chỉ “đi ngủ” nhằm thoát khỏi sự tấn công của trị liệu để sau đó “thức dậy” một thời gian sau.
Các nhà khoa học tại viện Nghiên cứu ung thư London (Anh quốc) cho rằng phát hiện mới nhất của họ có thể giúp tìm ra những cách thức nhằm loại bỏ tế bào ung thư ngủ, từ đó thực hiện được việc “nhổ cỏ tận gốc”, ngăn không cho ung thư tái phát.
Nghiên cứu chỉ dựa vào việc xét nghiệm máu và tủy xương của một bệnh nhân mắc chứng ung thư máu, và sau khi điều trị bệnh nhân không còn mắc bệnh này trong vòng 20 năm.
Họ phân tích những bệnh phẩm của bệnh nhân được chẩn đoán khi 4 tuổi và khi anh ta tái phát ở tuổi 25, nghĩa là sau 22 năm lành bệnh.
GS Mel Greaves, người dẫn đầu nghiên cứu, nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có một dòng di truyền chung liên kết bệnh ung thư máu nguyên thủy và bệnh ung thư máu tái phát 22 năm sau.
“Nó cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự tiến triển ung thư với những tế bào có thể đi ngủ để tránh điều trị và sau đó tính lũy những đột biến mới để gây bệnh sau này”.
“Các tế bào gốc của máu dao động đều đặn giữa tình trạng đang ngủ và phân chia rất nhanh, do đó dường như tế bào ung thư đã bắt chước mưu mẹo này để tránh bị tiêu diệt bởi hóa trị liệu.
“Trong tương lai, người ta có thể làm tăng tốc sự phát triển của những tế bào đang ngủ tiền ung thư để chúng lọt vào tầm ngắm của hóa trị liệu và bị tiêu diệt, từ đó giảm nguy cơ ung thư tái phát”.
Nếu tăng tốc sự phát triển những tế bào đang ngủ tiền ung thư, người ta có thể đặt chúng vào tầm ngắm để tiêu diệt tận gốc.
Để đi đến nhận định này, các nhà nghiên cứu đã nhận diện được một đột biến DNA chuyên biệt, theo đó hai gien BCR và ABL1 hợp nhất với nhau, trong tế bào ung thư hiện diện ở hai mẫu máu được lấy cách nhau 22 năm.
Điều này cho thấy có một dòng chung giữa ung thư máu nguyên thử và ung thư máu tái phát – có nghĩa tế bào ung thư đã kháng lại hóa trị liệu bằng cách sử dụng tiểu xảo đi ngủ và rồi thức dậy sau hai thập kỷ.
Nghiên cứu này gợi ý các tế bào ung thư sống sót được vì chúng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với những tế bào ung thư khác, chống lại được hóa trị liệu – giải pháp trị liệu chỉ tấn công những tế bào phân chia nhanh.
TS Matt Kaiser, đứng đầu nhóm nghiên cứu của Leukaemia & Lymphoma Research nói: “Bất chấp các biện pháp trị liệu ấn tượng áp dụng cho bệnh ung thư máu trẻ em, thực tế vẫn còn nhiều trẻ bị tái phát ung thư sau khi được chữa lành”.
“Nếu biết được tại sao bệnh tái phát, chúng ta có thể phát hiện và ngăn ngừa bằng cách đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp đối với căn bệnh quái ác này”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức uy tín của Anh và công bố trên tạp chí Leukemia.