Những thực phẩm nên kiêng khi bị thủy đậu
Thịt chó: Theo Đông y, thịt chó vị mặn, chua, không độc; có tác dụng ôn bổ tỳ, thận, trợ dương, ích khí, trừ hàn được ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau như dương hư, thận dương suy nhược, liệt dương, di tinh… Nhưng lại có tính nóng mà thủy đậu thì nguyên nhân gây bệnh là do phong nhiệt, âm khí đang hư suy. Thịt chó lại tính nhiệt, thì “nhiệt gặp nhiều tắc cuồng”. Có nghĩa là khi bị thủy đậu mà ăn thịt chó sẽ làm bệnh nặng thêm nhanh chóng, tăng nguy cơ bội nhiễm và biến chứng, chẳng khác nào đem dầu, củi, lửa để cứu hỏa.
Thịt gà có tính ôn (ấm) mà bệnh thủy đậu phát sinh do phong nhiệt độc, tức cơ thể nhiệt thịnh âm hư mà lại bổ sung nhiệt thì sẽ làm bệnh không những không lui mà tiến triển xấu thêm.
Thịt gà: Là một trong những thực phẩm bổ dưỡng hằng ngày được giới Đông y và người dân ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau như bồi bổ dưỡng cơ thể, chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ… Nhưng thịt gà lại có tính ôn (ấm) mà bệnh thủy đậu phát sinh do phong nhiệt độc, tức cơ thể nhiệt thịnh âm hư mà lại bổ sung nhiệt thì sẽ làm bệnh không những không lui mà tiến triển xấu thêm. Hơn nữa, theo Đông y, thịt gà có tính chất động phong nhất là thịt gà trống nên càng không thích hợp dùng trong chứng bệnh này.
Ngoài ra, còn một số thực phẩm, gia vị không nên dùng như gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, riềng, cơm nếp, lạc, cơm mẻ… Bởi theo Đông y, hầu hết các thực phẩm, gia vị trên có tính nóng, ấm và thấp, mà thủy đậu là do phong nhiệt kết hợp với thấp nên ăn vào sẽ gây tích thấp nhiệt, khiến nốt phỏng mâng mủ sâu rộng hơn, ngoài gây đau nhức cho người bệnh còn tăng nguy cơ bội nhiễm và biến chứng cho người bệnh.
Bên cạnh đó, theo một số tài liệu cho thấy, đồ tanh, nhất là đồ hải sản chứa nhiều histamine (chất gây dị ứng, ngứa) nên người bị thủy đậu cũng không nên ăn vì sẽ làm vết thương ngứa gấp bội lên, nhất là người tiền sử có cơ địa dị ứng. Trên thực tế lâm sàng cho thấy, đồ tanh cũng làm tăng nguy cơ sưng tấy, tạo mủ ở người có vết thương hở và viêm nhiễm.
Chú ý: Để bệnh chóng bình phục ngoài thuốc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý cần chú ý đến vệ sinh thân thể nhất là mũi họng và vết phỏng. Hằng ngày có thể dùng nước kim ngân, sài đất và bồ công anh để vệ sinh mũi họng, răng miệng và vết bỏng.
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)