Những tác hại từ nước xả vải, nước tẩy rửa
Không ít sản phẩm tẩy rửa như nước rửa bát, xả vải, lau nhà… được quảng cáo chiết xuất từ thiên nhiên, không gây hại… nhưng theo các nhà khoa học, chúng chủ yếu sản xuất từ hóa chất, ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Chị Thanh ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vì chiếc găng tay rửa bát bị rách nên 3 ngày nay chị rửa bát bằng tay trần. Hậu quả là bàn tay chị bị bong tróc từng mảng da. Đây là lần thứ hai chị bị bong tróc da tay do rửa bát trực tiếp mà không đeo găng. Loại nước rửa bát của chị Thanh dùng được quảng cáo là “chiết xuất từ chanh” và “không hại da tay”.
Tương tự, chị Mùi ở Hào Nam (Hà Nội) cũng cho biết, chị từng dùng nước xả vải, bị dị ứng ở vùng kín nên kể từ đó không dám sử dụng sản phẩm gia dụng này.
Thực tế khi đọc kỹ những lời quảng cáo của sản phẩm tẩy rửa, người tiêu dùng có thể phát hiện nhiều điều phi lý. Nhiều sản phẩm tẩy rửa được quảng cáo là “đa năng”, có thể sử dụng để làm vệ sinh cho nhiều vật dụng trong nhà, có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, đuổi côn trùng đến... 99,9% hoặc vừa diệt khuẩn vừa tẩy vết bẩn, khử mùi (nhà bếp, phòng tắm, bồn tắm, bồn cầu, sàn nhà), tẩy trắng quần áo... Dù có tác dụng mạnh như vậy nhưng hầu như sản phẩm nào cũng ghi “không hại da tay”, thậm chí là “không gây hại gì cho người sử dụng”, “không cần lau lại bằng nước sạch”, “chỉ cần xả một lần”…
Trong khi đó, số liệu của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới cho thấy, trong số 85.000 chất hóa học được sử dụng thường ngày hiện nay, chỉ có 7% sản phẩm là an toàn với sức khỏe con người.
Ảnh minh họa: Grippedforglory.blogspot.com.
Kỹ sư hóa học Nguyễn Quang Thuận, nguyên cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, thông thường khi sử dụng các loại sản phẩm này, không mấy người tỏ ra nghi ngại bởi tâm lý chủ quan cho rằng chúng đã được kiểm định và lưu hành thì cũng có nghĩa là tuyệt đối an toàn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay đa số sản phẩm dùng để tẩy rửa các vật dụng cho gia đình chủ yếu được sản xuất từ hóa chất chứ không phải là “chiết xuất từ chanh” hay “chiết xuất từ thiên nhiên” như lời quảng cáo.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới thì trong nước xả vải thường có chứa những hóa chất như Benzyn acetate, Benzyn alcohol, Ethyl acetate, Camphor, Chloroform. Nước tẩy rửa nhà tắm, bồn cầu thường chứa hóa chất Benzyl, Polyetylen, Sodium hypochlorite, Chlorine… Đây đều là những hóa chất độc hại cho sức khỏe của con người.
Theo ông Sonya Grande, chuyên gia sức khỏe cộng đồng của EPA, bột giặt có khả năng tẩy trừ chất bẩn bám trên quần áo, nhưng đồng thời cũng lưu lại chất hóa học có độc. Do vậy, cơ quan này khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn bột giặt có tính năng bảo vệ môi trường hoặc đọc kỹ thành phần trong bột giặt. Nếu trên thành phần bột giặt ghi là có Polyethylene, Polyethylene glycol, Polyoxyethylene thì đều có khả năng có Dioxane - một chất gây ung thư.
Theo kỹ sư Nguyễn Quang Thuận, hiện nay tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác hại của các sản phẩm tẩy rửa đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, các sản phẩm tẩy rửa sử dụng cho các đồ gia dụng được sản xuất chủ yếu từ hóa chất nên nếu tiếp xúc trực tiếp với cơ thể thì sự ảnh hưởng đối với sức khỏe là khó tránh khỏi.
Còn tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng khoa Công nghệ Hóa học (ĐH Bách khoa TP HCM) cho biết, khi sử dụng sản phẩm tẩy rửa vẫn còn lưu lại hóa chất trên bề mặt đồ dùng, nếu không được rửa sạch sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với chất hoạt động bề mặt (thành phần chính trong sản phẩm tẩy rửa), xu hướng thế giới là sử dụng những chất phân hủy sinh học. Nhưng do chúng có giá rất đắt nên các nhà sản xuất trong nước ít sử dụng mà thường dùng hóa chất độc hại, khi thải ra môi trường sẽ phá hủy hệ sinh vật. Người sử dụng loại sản phẩm này thường khô da do bị thẩm thấu, gây đột biến da, da bị mỏng. Nếu nặng có thể bị ung thư.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để làm người tiêu dùng thông thái, tốt nhất không nên quá tin vào quảng cáo. Chẳng hạn nước xả vải, với lời quảng cáo chỉ cần xả một lần, mục đích là nhà sản xuất muốn hương thơm lưu lại trên quần áo của người tiêu dùng để họ bán được sản phẩm.
Nhưng để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không nên sử dụng nước xả vải cho những loại quần áo tiếp xúc trực tiếp với những vùng da nhạy cảm như đồ lót, đồ bơi, khăn mặt, khăn ăn, ga gối cho trẻ em.
Ngay cả quần áo thông thường, nếu sử dụng nước xả vải mà không xả lại bằng nước sạch thì khi là ủi quần áo, sức nóng sẽ thúc đẩy sự bay hơi của các hóa chất vào không khí, khiến chúng đi thẳng vào cơ thể người thông qua đường hô hấp. Như vậy, người tiêu dùng đã đưa một lượng hóa chất vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe của chính mình.