Logo Bài Thuốc Quý

Những sai lầm trong cách nuôi dạy con

01/01/2020 · Sức khỏe
Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 đến 2 con. Cha mẹ nào cũng cố gắng chăm sóc con thật tốt để mong muốn con phát triển khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, mong ước này đang tỉ lệ nghịch với thực trạng xã hội vì ngày càng nhiều bậc phụ huynh đang nuôi con không đúng cách mặc dù có nhiều thông tin về cách nuôi dạy con. Dưới đây là những sai lầm phổ biến của các gia đình thời @.
 
Nuôi con theo cách truyền miệng, không kiểm chứng

Với mong muốn cho con ăn những thực phẩm ngon, lạ và hợp thời, nhiều chị em thường nghe chia sẻ của bạn bè hoặc trên các diễn đàn mạng. Thậm chí, với xu hướng thích hàng ngoại, nhiều chị em rất thích chọn những thực phẩm dinh dưỡng dưới dạng xách tay về, đặc biệt là những sản phẩm giàu đường, béo để cho con ăn hàng ngày mà không rõ thói quen sử dụng sản phẩm đó ở nước ngoài cũng như nhu cầu năng lượng của con mình. Điều này khiến các bé hấp thu nhiều chất đường, béo hơn nhu cầu của cơ thể. Từ đó, các bé dễ bị thừa cân, béo phì.

Sai lầm khi chăm sóc con

Với nguồn thông tin phong phú hiện nay, các mẹ cần tìm hiểu rõ nhu cầu theo độ tuổi của con và cho con ăn một chế độ cân bằng, đa dạng để đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho bé phát triển.

Cho con ăn quá nhiều chất đạm

Chất đạm có trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá trứng, sữa… Đây là nguồn dinh dưỡng chính để cung cấp năng lượng phục vụ cho hoạt động của chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta có thể “thi vị hóa chất đạm” để cho con ăn thật nhiều đạm. Nhiều gia đình có thói quen cho con ăn rất nhiều thịt, cá trong bát cơm và rất ít rau. Nếu trẻ không ăn hết cơm thì cứ ăn thật nhiều thịt, cá vào để bù lại. Đây là quan niệm sai lầm vì sẽ dẫn đến hậu quả là các bé cảm thấy khó tiêu, táo bón. Về lâu dài, dạ dày của bé sẽ bị ảnh hưởng vì phải “gắng sức” làm việc trong thời gian dài.
 
Đừng bắt dạ dày con phải “gồng” mình tiêu thụ quá nhiều đạm để rồi chính bé con sẽ “gánh” những hệ quả đáng tiếc như đầy hơi, táo bón và thậm chí là thừa cân, béo phì, mẹ nhé!

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tỉ lệ Protein: Lipid: Glucid (Đạm: Béo: Đường) hợp lý là 15 : 20-25 : 65-60. Có nghĩa là nếu khẩu phần của bé gồm 15% chất đạm thì cần có 20-25% chất béo và 65-60% chất bột đường. Song song đó, các bé cần được bổ sung thêm chất xơ từ trái cây, rau củ quả để giúp hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa.

Ăn không được thì uống sữa!

Cho con ăn ngày nay càng trở nên khó khăn đối với nhiều bà mẹ trẻ do không có đủ thời gian. Với các bé mới bắt đầu ăn dặm thì việc chuẩn bị thức ăn cho bé là một kỳ công đối với những mẹ đang đi làm. Đặc biệt, đối với trẻ em có bệnh dạ dày trào ngược, khi cho bé ăn xong, mẹ chưa kịp vui, bé đã phải cho ra hết. Lúc đó, mẹ vừa phải dọn dẹp vừa phải cho con ăn lại. Cũng chính vì những tình huống này mà nhiều mẹ đã chọn cách nếu con ăn không được thì cho uống sữa hoặc xay nhuyễn thức ăn cho bé ăn.

Ra sức cho con uống sữa vẫn đang là một trong những giải pháp tình thế của nhiều mẹ hiện nay.

Sai lầm này của nhiều mẹ không chỉ khiến bé không được cung cấp đầy đủ các chất để phát triển tốt mà còn khiến các bé không vận động tốt cơ hàm, khiến các bé “mất” thói quen nhai khi cho thức ăn vào.

Với trường hợp này, mẹ cần phải kiên nhẫn cho bé ăn từ nhuyễn, lợn cợn từ nhỏ đến to để bé có cảm giác nhai. Ngoài ra, việc chọn các thực phẩm có màu sắc đa đạng, đẹp mắt sẽ kích thích thêm để bé ăn ngon miệng.

Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng

Thiết lập một chế độ dinh dưỡng đúng cho con quả là việc làm không đơn giản. Do quá thương hoặc nuông chiều bé, nhiều mẹ cho con ăn theo sở thích hoặc ăn uống một cách vô độ khiến cho cơ thể bé ngày càng “đình công” do đang tiếp nhận một chế độ dinh dưỡng mất cân bằng và thiếu khoa học. Để nuôi bé tốt, mẹ cần biết mỗi ngày bé cần nạp vào cơ thể bao nhiêu Kcal là đủ, không cần phải chạy theo tâm lý bé tròn trịa mũm mĩm mới là khỏe, là đẹp. Thiếu năng lượng bé sẽ khiến bé kém linh hoạt. Khi thừa năng lượng sẽ khiến các bé béo phì, chậm chạp và mệt mỏi. Năng lượng mỗi ngày của bé được tính bằng tổng năng lượng của các bữa ăn chính và bữa ăn phụ.

Bên dưới là bảng năng lượng của trẻ theo từng độ tuổi do Viện dinh dưỡng Quốc gia ban hành:


Bàng năng lượng dinh dưỡng theo độ tuổi cho trẻ
(Nguồn: Nhu cầu năng lượng cho người Việt Nam - Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Một bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng theo đúng nhu cầu của trẻ ở từng lứa tuổi là điều mà các chuyên gia dinh dưỡng muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh hiện đại.

Ngoài các bữa ăn chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất, để giúp đường ruột của bé khỏe, kích thích hệ tiêu hóa, tăng chiều cao và sức đề kháng, mẹ nên cho bé ăn thêm sữa chua có bổ sung men vi sinh sống Probiotics và chất xơ vì loại sữa chua này giúp điều hòa sự thay đổi của vi khuẩn đường ruột và kích thích phản ứng miễn dịch cũng như hỗ trợ tiêu hóa. Hiện nay, trên thị trường còn có thêm sữa chua trái cây như dâu, táo, chuối bên cạnh hương vị có đường truyền thống để giúp bé thay đổi khẩu vị và thích ăn hơn.

Theo Afamily