Những sai lầm khi chăm sóc trẻ
1. Rửa, xịt nước mũi hằng ngày cho trẻ
Dù con không bị ngạt mũi hay sổ mũi, nhiều bà mẹ vẫn vệ sinh mũi hằng ngày cho bé, thậm chí dùng cả dụng cụ hút mũi. Đây được coi là một cách để tránh bé bị các bệnh về đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai(Hà Nội), việc làm này vừa mất thời gian lại không có tác dụng gì. Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Dù mũi hít phải không khí bẩn, vi khuẩn thì nó cũng ngăn lại, nên cơ thể mới không bị ốm. Khi đó mũi làm chức năng của mình rất tốt thì không việc gì phải vệ sinh, rửa mũi. Chưa kể cách vệ sinh không đúng còn gây hại cho mũi.
Chỉ khi nó không hoàn thành nhiệm vụ, trẻ bị ốm, sụt sịt mũi thì lúc đấy hãy nên rửa mũi. Điều này giúp hỗ trợ mũi phục hồi chức năng, đào thải dịch nhầy giúp tăng tác dụng của các thuốc sử dụng tại chỗ, trẻ dễ thở...
sfdf
2. Lau miệng, đánh tưa lưỡi
Nhiều bà mẹ truyền miệng nhau cứ thấy lưỡi trắng là cạo đi hoặc dùng mật ong lau vào lưỡi vì cho rằng trẻ bị tưa lưỡi.
Tuy nhiên, như thế nào thì trẻ được gọi là bị tưa lưỡi, điều này không phải ai cũng biết. Hơn nữa việc này còn gây hại đến lưỡi. Niêm mạc lưỡi rất mỏng, có dây thần kinh phân biệt nóng lạnh, mùi vị, khi bị lau rất dễ bị xây xước dù không nhìn thấy. Hơn nữa lưỡi mất đi sự trơn tru, mềm mại làm trẻ biếng ăn.
Bên cạnh đó, có thể miếng giẻ hay tay lau miệng, lưỡi cho trẻ không sạch sẽ, có thể lại truyền vi khuẩn nấm. Các bác sĩ gặp nhiều trường hợp trẻ 2-3 tuổi đã bị nấm, trong khi không uống thuốc kháng sinh, không có yếu tố nào khác. Lý do vì cha mẹ lau miệng vô tình mang nấm vào, tiến sĩ Dũng cho biết.
Tương tự việc lau răng cho trẻ cũng thế. Nhiều trẻ đến khám toét răng, bị viêm nha chu vì cha mẹ lau nhiều quá. "Nói chung không cần thiết phải lau miệng cho trẻ, vì luôn có tuyến tiết nước bọt giúp miệng ẩm, trơn tru. Thay vì đó, khi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ có thể cho bé làm quen với bàn chải đánh răng", bác sĩ Dũng cho biết.
3. Dùng thuốc chống nôn
Thấy con sốt nhẹ, đau họng, nôn, nhiều người tự ý mua thuốc chống nôn có thành phần metalopramid cho trẻ uống. Không ít trường hợp trẻ phải nhập viện vì uống quá liều, gây co giật.
Theo tiến sĩ Dũng, loại thuốc này hiện bán rất nhiều tại các hiệu thuốc, tuy nhiên đây là thuốc bán theo đơn. Tác dụng ngoài ý muốn của nó có thể là ngủ gật, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, thậm chí gây rối loạn vận động. Nếu uống quá liều có thể gây tử vong vì co giật.
Nôn có thể là triệu chứng thông thường nhưng cũng là biểu hiện của nhiều bệnh. Ở trẻ nhỏ nôn được chia thành: nôn trớ thông thường, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh ngoại khoa - tắc ruột, nội khoa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm não, màng não hay các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm mũi xoang...
Việc điều trị là theo nguyên nhân gây nôn. Trẻ bị tắc ruột mà uống thuốc chống nôn thì làm lu mờ triệu chứng, khiến việc chẩn đoán chậm. Bé nào bị nôn do lồng ruột thì phải mổ cấp cứu. Nhìn chung khi con bị nôn thì cha mẹ nên đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.