Logo Bài Thuốc Quý

Những mối nguy hiểm từ Rau sống

01/01/2020 · Sức khỏe
Trong khẩu phần ăn của người Việt Nam không thể thiếu rau sống, nhưng tình trạng ăn rau sống bất cẩn như hiện nay thì nguy cơ bị nhiễm bệnh từ ký sinh trùng (KST) là nhỡn tiền.

Mối nguy từ rau sống

Các chuyên gia cảnh báo môi trường sống của KST rất đa dạng. Từ môi trường vật lý (thời tiết, khí hậu...), môi trường sinh học (những sinh vật sống quanh ta) cho đến môi trường xã hội (lối sống khác nhau giữa các vùng, miền). Do đó mà các bệnh do nhiễm KST cơ bản được chia thành 4 nhóm: nhóm do nhiễm bẩn, do thực phẩm, do côn trùng và do nhiễm trùng cơ hội. Trong đó có các bệnh nhiễm KST do ăn rau sống liên quan nhiều đến hai nhóm đầu. Nếu tay bẩn mà bốc rau sống ăn sẽ mang theo mầm bệnh vào người, hay bị bệnh do ăn phải rau sống đã bị nhiễm KST. Có rất nhiều loại KST gây bệnh, điển hình là giun đũa ở chó. Ở nông thôn rất nhiều nhà nuôi chó thả chạy rông trong vườn, để chó “bậy” trên các luống rau. Nên nếu chúng ta ăn phải loại rau sống có trứng giun đũa của chó này, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của nó. Còn ở thành thị, gió mang theo trứng giun đũa làm dính vào rau sống. Khi ta ăn phải loại rau này, cũng sẽ mắc bệnh. Hậu quả nghiêm trọng là người bị nhiễm giun đũa có thể bị động kinh, liệt nửa người, viêm cơ tim, viêm màng não...

Rau sống, ăn rau sống

Đó là những gì liên quan đến những loại rau trồng trong vườn hay ở những khu đất cao. Còn đối với những loại rau mọc dưới nước – rau có đời sống thủy sinh như rau muống, rau ngổ, cải xoong, rau cần... là những loại rau rất dễ nhiễm sán lá gan. Loại sán này có hình dạng giống như một chiếc lá với phần đầu nhỏ y như cuống lá. Sán trưởng thành sống trong ống mật của động vật ăn cỏ (trâu, bò...). Khi chúng đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường. Sau khi phát triển thành ấu trùng lông, ấu trùng sẽ chui vào sống trong ốc Limmea. Ấu trùng lớn dần, khi trở thành ấu trùng có đuôi sẽ rời khỏi ốc để bám vào cây thủy sinh. Nếu người vô tình ăn phải các loại rau sống có ấu trùng này sẽ bị nhiễm mầm bệnh. Loại bệnh này rất khó chẩn đoán. Ấu trùng sau khi vào đến ruột non sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Sán trưởng thành sẽ tìm đến cư trú ở các ống mật. Trong cơ thể người, sán trưởng thành có thể di chuyển lung tung, vào các cơ quan như gan, phổi, mắt, cơ, não... Người bệnh trong giai đoạn khởi phát khám thấy gan to, sờ đau, bạch cầu trong máu tăng đến 70-80%. Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh bị viêm ống mật cấp tính, với những biểu hiện: gan đau, to, sốt kèm theo ớn lạnh, rối loạn chức năng tiết mật. Tiêu chảy xen kẽ với táo bón, vàng da, dị ứng, toàn trạng suy sụp. Không chỉ rau sống dưới nước mà rau mọc sát bờ cũng có thể bị ấu trùng bám vào.

Phòng thế nào?

Vẫn biết ăn rau sống là một thói quen trong ẩm thực của người Việt, rất khó bỏ, nhưng quả thực ăn rau sống rất nguy hiểm. Rau luộc tất nhiên sẽ bị mất đi một phần vitamin, còn nếu rau chỉ trần sơ sơ thì ấu trùng cũng chưa chết. Do vậy ở đây rất cần ý thức của người trồng rau, người bán và cả người tiêu dùng. Nếu người bán tưới nước nhiễm bẩn lên rau sạch thì có thể coi là hết cách. Hoặc để ruồi nhặng đậu vào rau sống sạch thì cũng sẽ trở thành nguồn gây bệnh. Để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh từ rau sống phải bắt đầu từ khâu đầu tiên. Phải tách chăn nuôi khỏi nơi trồng rau. Mỗi gia đình ở nông thôn nuôi một, hai con trâu bò nhỏ lẻ, chưa tập trung, lại thả rông quanh khu vườn trồng rau là nguy cơ rất cao. Vì vậy, đừng vì lợi ích kinh tế mà quên đi sức khỏe, bà con nông dân cần phải thay đổi nhận thức trong nuôi trồng. Người tiêu dùng phải là người thông thái khi chọn mua rau và tốt nhất nên bỏ hẳn thói quen ăn rau sống rât nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo (Sức khỏe và đời sống)