Những lưu ý khi truyền nước
Ảnh minh họa
1. Truyền nước mỗi khi mệt
Nhiều người cho rằng trong người mệt mỏi là nên đi truyền nước, nhưng thực tế, việc làm này là không cần thiết. Việc truyền nước không chỉ tốn kém tiền bạc, thời gian mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc tự ý truyền dịch khi người đang mệt mỏi là không khoa học. Vì dịch truyền là dạng thuốc cần thiết trong trường hợp người bệnh cần cấp cứu hoặc người bệnh không thể uống thuốc.
Nhưng việc dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao còn phải theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối các quy định về tốc độ, thời gian, số lượng trong quá trình truyền nước.
2. Những lưu ý khi truyền nước
Kỹ thuật truyền nước tuy khá đơn giản nhưng có thể gây tai biến, nhẹ thì có thể gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng có thể gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền.
Trường hợp truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu dẫn đến bổ sung khong đúng chất cũng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với người bị bệnh suy tim, không nên truyền dịch vào quá nhanh vì sẽ khiến cho tim không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu nếu truyền dịch vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù.
Hay bệnh nhân choáng do chạy bộ đổ mồ hôi, cơ thể mất cả muối lẫn nước. Nếu chỉ truyền một chai dung dịch ngọt thì chỉ bù nước mà không bù ion. Lượng nước này vào cơ thể dễ bị ngộ độc nước, gây phù não làm bệnh nhân lên cơn co giật có thể dẫn đến tử vong.
Đối với những người khỏe mạnh, việc truyền dịch để bồi bổ sức khỏe cũng nên thận trọng và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, nên thực hiện truyền dịch ở cơ sở y tế để có cán bộ chuyên môn và các thiết bị xử lý tai biến.