Những điều phụ nữ nên làm sau ly hôn
1. Lấy lại cân bằng
Đối mặt với thực tại:
Ngay cả khi đó là cuộc chia ly không mong đợi và bạn hoàn toàn bị động trong việc tan đàn xẻ nghé thì bạn cũng phải chấp nhận nó như một thực tế đã xảy ra. Trốn tránh không mang lại cho bạn điều gì cả.
Chấp nhận việc bạn phải tự mình giải quyết tất cả các vấn đề từ việc nhỏ như lắp bóng đèn đến việc dạy dỗ con cái (nếu có). Và không chỉ một mình đối mặt với cuộc sống, bạn còn phải trở thành chỗ dựa vững chãi cho con, vừa làm mẹ vừa làm bố nghĩa là bạn phải nỗ lực gấp đôi.
Chọn góc nhìn tích cực:
Theo kinh nghiệm của những người đã đi qua “tập một” thì càng sớm lấy lại cân bằng, bạn càng sớm ổn định cuộc sống mới. Nếu việc đó quá khó khăn với bạn, hãy chia sẻ với người thân, bạn bè, hoặc tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Họ sẽ cho bạn thấy, không chỉ “mất”, bạn còn “được” nhiều điều sau ly hôn.
Nhìn nhận một cách tích cực, ly hôn đôi khi là một sự giải thoát khỏi nỗi ám ảnh, ngờ vực về sự chung thủy (với những người có chồng ngoại tình), khỏi sự giày vò về tinh thần và thể chất (với những người bị bạo hành), khỏi một cuộc hôn nhân không tình yêu (với những người có chồng hờ hững cũng như không).
Thực tế là bạn không hoàn toàn trắng tay khi bước vào cuộc sống mới, bạn có một phần tài sản được phân chia; bạn có lại sự tự do để đi bất kỳ đâu, làm bất cứ việc gì; bạn có thời gian cho riêng mình.
2. Ổn định cuộc sống
Tìm nơi ở mới:
Trong thời gian chưa tìm được chỗ mới, theo luật, bạn có thể lưu trú trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ly hôn. Tuy nhiên, sau ly hôn việc cả hai tiếp tục ở lại trong ngôi nhà cũ ngay cả khi có vách ngăn cũng không phải là giải pháp tốt.
Thực tế, có rất nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục bị chồng cũ quấy rối, hạch sách, thậm chí bạo hành vì vẫn chung nhà. Mọi vấn đề về thủ tục, giấy tờ nhà đất, tài sản và kể cả việc tách hộ khẩu phải được hoàn tất càng sớm càng tốt.
Cân đối tài chính:
Nếu trước đây bạn chỉ làm công việc nội trợ thì đây sẽ là quãng thời gian khó khăn cho bạn. Việc cần kíp là phải sớm tìm ra một công việc để có nguồn thu ổn định. Bạn có thể nhờ người quen giới thiệu hoặc tìm kiếm qua các website tìm việc (vietnamworks.com, timviecnhanh.com, vieclamvina.com, tuyendung.com, kiemviec.com).
Điều chỉnh lại thói quen chi tiêu là một điều cần thiết. Bạn cần có sự tính toán kỹ lưỡng giữa thu nhập và các khoản sinh hoạt phí.
Với khoản tài sản sau ly hôn, hãy cân nhắc khi tiêu pha số tiền này. Tốt nhất bạn nên tìm hướng đầu tư phù hợp và giữ lại một phần để tích trữ, phòng thân.
Thích nghi với nếp sinh hoạt mới:
Bạn nên lập kế hoạch công việc thật chi tiết để không bỏ sót và cũng không bị rối rắm trong mớ bòng bong.
Bởi vì bạn không thể vừa đi làm vừa trông con (nếu bạn đã có con), vì vậy bạn có thể kêu gọi sự trợ giúp từ những người thân hoặc tìm người trông trẻ.
Bạn cũng nên tập làm quen với việc xử lý những sự cố nho nhỏ mà trước đây bạn vẫn nghĩ chỉ thuộc về cánh đàn ông như: thay bóng đèn, nối dây điện, sửa vòi nước… Để “chắc ăn” hãy luôn có trong danh bạ điện thoại của ít nhất ba người: thợ điện, nước và khuân vác phòng khi cần kíp.
3. F5 bản thân
Chăm sóc sức khỏe, ngoại hình:
Đừng biến sự đổ vỡ thành cái cớ để bạn bỏ bê bản thân. Thể chất khỏe mạnh luôn là tiền đề cho tinh thần ổn định.
Tạo một kiểu đầu mới, thay chiếc áo tối màu bằng một chiếc đầm tươi sáng, nhã nhặn, tô thêm màu hồng cho đôi môi và một gương mặt ngời sáng, nhìn vào gương đi và tự hỏi mình xem: liệu vẻ âu sầu có phù hợp với người phụ nữ xinh đẹp này không?
Bạn có thể vơi đi ít nhiều niềm tin vào đàn ông, tình yêu hay hôn nhân nhưng đừng bao giờ đánh rơi niềm vui sống.
Khám phá cuộc sống, giải tỏa stress:
Nếu như trước đây bạn chỉ biết đến gia đình thì nay hãy làm những gì mình muốn, khám phá những điều mới mẻ của cuộc sống.
– Gặp gỡ người thân, anh em, bạn bè. Họ chính là những người yêu thương bạn và giúp bạn hàn gắn trái tim tổn thương.
– Tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, giải trí: Đăng ký một vài lớp học khiêu vũ, làm bánh hay các lớp học kỹ năng; tham gia những câu lạc bộ yêu thích hoặc CLB của những bà mẹ đơn thân; hoạt động từ thiện.
– Lên kế hoạch tổ chức các buổi gặp mặt gia đình, bạn bè, những buổi picnic, du lịch cùng con cái…
4. Ứng xử với sex
Sex thực sự là một điều tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng khi có được sự đồng điệu cả về tâm hồn lẫn thể xác. Bởi vậy, không ai có quyền cấm đoán nếu bạn tìm được một người thực sự yêu thương.
Nhưng dễ dãi với người khác và cả với chính mình chỉ vì “không còn gì để mất” lại là chuyện khác. Sẽ càng tệ hại hơn nếu bạn bị lệ thuộc vào tình dục.
Vì vậy, hãy tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, hạn chế những ham muốn bằng cách tránh tiếp xúc với những văn hóa phẩm nhạy cảm. Nếu cần bạn có thể sử dụng “đồ chơi”, nhưng nhớ chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng và không nên lạm dụng.
5. Khi chồng cũ quấy rối
Trong trường hợp chồng cũ làm phiền và tìm cách gây khó dễ cho bạn thì hãy luôn nhớ phương châm “cứng rắn ngay từ đầu”. Tỏ thái độ rõ ràng và hạn chế tiếp xúc. Bạn có thể nhờ bố, mẹ, người thân ở cùng để giúp đỡ. Nếu bạn vẫn giữ mối hòa khí với gia đình chồng cũ, bạn có thể trao đổi để nhờ họ tác động, khuyên bảo.
Với hành vi quấy rối, bạo hành, bạn có thể nhờ chính quyền, hội phụ nữ ở địa phương can thiệp, trình báo với công an sở tại và đề nghị có biện pháp xử lý. Tốt nhất bạn nên giữ số của cơ quan công an tại địa phương để gọi thông báo khi cần.
6. Nuôi dạy con
Cha mẹ ly hôn là một cú sốc lớn đối với con cái, những nạn nhân bị động trong cuộc chia ly. Nếu con đủ lớn để hiểu, bạn nên có cuộc trò chuyện thẳng thắn với con và giúp con dần chấp nhận với cuộc sống thiếu vắng một trong hai người (bố hoặc mẹ).
Đừng bù đắp sự thiếu hụt tình cảm cho con trẻ bằng những giá trị vật chất mà hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện với con hơn. Bạn có thể thất vọng hay căm ghét chồng cũ nhưng tuyệt nhiên đừng cố gieo vào đầu đứa trẻ những điều xấu xa về bố nó. Khi con lớn con sẽ hiểu và tự quyết định.
Mặt khác, hãy trao đổi và thống nhất với bố của con bạn về cách bạn sẽ nuôi dạy con. Và một khi đã thống nhất thì không ai được đi ngược lại với những quy định đó.