Những điều cần lưu ý khi bổ sung sắt
Vai trò của sắt trong cơ thể
Sắt là một khoáng chất thiết yếu trong cơ thể, nó có vai trò hết sức quan trọng trong cơ thể.
Sắt là thành phần cấu tạo nên huyết sắc tố (haemoglobin) của hồng cầu. Sắt trong huyết sắc tố sẽ kết hợp với oxy ở phổi tạo thành oxyhaemoglobin (tạo màu đỏ của máu) và khi hồng cầu theo các mạch máu di chuyển khắp cơ thể, sẽ phân phối oxy đến các mô (khi đó máu sẽ chuyển thành màu đen).
Sắt là thành phần cấu tạo nên myoglobin: một sắc tố vận chuyển oxy có trong tế bào đến các sợi cơ, giúp cơ hoạt động mạnh mẽ.
Sắt đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, nên các thai phụ trong quá trình mang thai cần phải bổ sung sắt đầy đủ.
Sắt cần thiết cho sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn dậy thì.
Sắt có vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra bạch cầu, nên giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu sắt cho cơ thể. Sắt có nhiều trong gan, thịt, ngũ cốc, cá, rau xanh… Đối với người trưởng thành, lượng sắt cần thiết cho nhu cầu hàng ngày là 14mg.
Khi cơ thể thiếu sắt sẽ gây ra bệnh thiếu máu.
Sắt trong huyết sắc tố sẽ kết hợp với oxy ở phổi tạo thành oxyhaemoglobin (tạo màu đỏ của máu)
Bệnh thiếu máu do thiếu sắt
Khi lượng sắt trong thực phẩm không cung cấp đủ hay có sự rối loạn hấp thu chất sắt trong cơ thể hoặc các tế bào hồng cầu không sản sinh ra đủ do cơ thể mất máu nhiều, sẽ gây nên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh lý hay xảy ra với những người thiếu máu, thường gặp ở nữ giới với tỉ lệ 20 – 30%.
Triệu chứng:
- Da xanh xao.
- Người mệt mỏi, yếu ớt.
- Khả năng tập trung kém (ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập).
- Hơi thở nông, nhịp tim nhanh.
- Chóng mặt, choáng váng.
- Nhức đầu và mất ngủ.
- Viêm loét miệng, lưỡi.
- Móng tay khô, giòn và cong ngược lên trên (móng tay hình muỗng)…
Nguyên nhân:
Do mất máu nhiều trong giai đoạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu chất sắt.
Có các bệnh lý ở đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày… nên cơ thể không hấp thu tốt chất sắt.
Phụ nữ đang mang thai hay cho con bú.
Trẻ trong giai đoạn dậy thì, phát triển quá nhanh.
Có các bệnh lý nhiễm khuẩn mạn tính, ảnh hưởng đến sự tạo máu của cơ thể…
Điều trị:
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng giàu chất sắt với các thực phẩm: thịt, đậu, bánh mì nguyên cám, trái cây, rau xanh…
- Các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự hấp thu chất sắt của cơ thể cần phải được chữa trị thật tốt.
- Bổ sung các loại thuốc có chứa sắt. các thuốc này thường chứa sắt ở dạng muối sulfat, muối gluconat hay muối fumarate.
Những lưu ý khi bổ sung sắt:
- Phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tránh bổ sung sắt quá liều trong một thời gian dài, sẽ gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường…
- Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hay táo bón.
- Khi uống thuốc cần tránh xa các bữa ăn 1 – 2 giờ, vì thức ăn làm giảm sự hấp thu sắt.
- Không uống nước chè, sữa, cà phê… ngay sau khi uống thuốc vì làm giảm hấp thu sắt.
- Tránh phối hợp chung sắt với các thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin và nhóm quinolone, thuốc kháng acid, hoóc-môn tuyến giáp… vì làm giảm sự hấp thu sắt.
- Vitamin C làm tăng sự hấp thu sắt nên thường được phối hợp với nhau.