Những bệnh trẻ dễ mắc khi trời lạnh
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: thay vì cấm trẻ vui chơi ngoài trời, các bậc phụ huynh hãy tăng cường sức đề kháng cho con để trẻ khỏe mạnh và thoải mái làm điều mình thích.
4 chứng bệnh trẻ dễ mắc khi trời lạnh
Cảm cúm: Cảm cúm là những bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa lạnh. Trẻ em thường bị cảm cúm 6 -7 lần trong một năm, trong có khoảng 10-15% trẻ bị cảm cúm nhiều hơn 12 lần/năm. Trong năm đầu tiên đi nhà trẻ, trẻ em có tần suất mắc bệnh cao hơn 50% so với trẻ được chăm sóc tại nhà.
Các chuyên gia y tế cho biết: Nếu không được điều trị dứt điểm, cảm cúm sẽ tái phát nhiều lần và biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp,… thậm chí tử vong.
Tiêu chảy: Tiêu chảy cấp do rotavirus hay tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3-24 tháng. Sau 1-4 ngày lây nhiễm, trẻ có các biểu hiện bệnh đi ngoài nhiều lần, phân lỏng không thành khuôn hoặc toàn nước. Ở một số trẻ, tiêu chảy còn gây nôn kèm theo đau bụng. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước và điện giải quá nhiều dẫn đến trụy mạch, thậm chí là tử vong nếu không được bù nước và điện giải kịp thời.
Viêm mũi: Viêm mũi thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 – 8 tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh. Viêm mũi khiến trẻ khó chịu, nghẹt mũi và khó thở. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp…
Viêm phế quản: Viêm phế quản là một dạng viêm nhiễm hay sưng viêm ở những đường thở lớn trong phổi. Bệnh thường khiến trẻ bị ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Khi bị viêm phế quản, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, thậm chí ngừng thở, ăn ngủ kém, hay bị nôn trớ.
Sức đề kháng tăng, bệnh dịch giảm
Để trẻ có đủ sức khỏe chống lại dịch bệnh, các bậc phụ huynh cần nâng cao khả năng miễn dịch cho con bằng cách cho trẻ ăn đủ khẩu phần ăn với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, đặc biệt là các thực phầm chứa vitamin A, vitamin C.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ tăng cường tiếp xúc với những người khỏe mạnh trong môi trường bên ngoài. Việc làm này không những giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch mà còn giúp trẻ phát triển tâm lý lành mạnh và khả năng sử dụng ngôn ngữ phong phú. Tuy nhiên, cha mẹ nên tránh đưa trẻ đến những nơi ồn ào, không khí không trong lành như chợ, bến xe….
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn bổ sung thêm bữa phụ, uống thêm sữa, nước cam, uống nhiều nước hoặc sử dụng các sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ.