Nguyên nhân gây tắc mật và cách phòng ngừa
Thủ phạm
Nguyên nhân gây nghẽn mật nhiều nhất là do sỏi túi mật. Đa số sỏi hình thành “thầm lặng”, không gây bất cứ triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác (siêu âm tổng quát, khám sức khỏe định kỳ…). Sỏi khi nằm ở vị trí làm tắc nghẽn (ở cổ túi mật) sẽ gây đau, nhưng thực ra những anh chàng càng “kêu to” bao nhiêu thì càng dễ trị bấy nhiêu. Bác sĩ Nguyễn Cao Cương – Bệnh viện (BV) Bình Dân TP.HCM giải thích: “Chính sự đau đớn này giúp “khổ chủ” tìm đến BV và được giải quyết ngay, dứt điểm bệnh, sức khỏe phục hồi tốt. Ngán nhất là “các anh hiền hòa, ít nói” mang tên u trong đường mật. Các khối u nằm vị trí này hầu hết là ung thư, chúng không có bất kỳ triệu chứng gì. Chỉ đến khi chúng gây tắc nghẽn và bệnh nhân đã vàng da, tìm đến BV thì đã trễ, vì ung thư đã ăn lan sang các vùng lân cận. Hiện mỗi tháng BV Bình Dân TP.HCM nhận điều trị vài ca bệnh ung thư đường mật và phần lớn ở giai đoạn muộn”.
Phụ nữ rất dễ bị sỏi túi mật. Đây là bệnh liên quan đến nội tiết tố nữ – estrogen. Khi nội tiết tố này gia tăng, sẽ tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, tạo thành sỏi mật. Dùng thuốc ngừa thai có nội tiết tố cũng góp phần làm cho “căn nhà” của mật có thêm “khách không mời mà đến”. Người bị thừa cân, béo phì, cơ thể có nhiều mỡ cũng làm cho túi mật dễ có thêm sạn. Đơn giản chỉ vì nhiều estrogen hơn cũng gây thừa cân. Khi mang thai, nội tiết tố hoạt động mạnh cũng là thời điểm dễ bị đau do sỏi mật. Ở giai đoạn mãn kinh, mặc dù các nguy cơ bệnh tật khác gia tăng nhưng sỏi mật lại giảm. Chị em thời nay thích vóc dáng mình dây nên ra sức giảm cân, thế nhưng, giảm cân quá nhanh lại ảnh hưởng đến mật. Ăn “nghèo” quá, thực đơn “kham khổ” khiến gan sản xuất mật ít hơn, túi mật ít co bóp hơn, dễ ứ đọng cũng là nguyên nhân sinh sỏi.
Ngoài những nguyên nhân trên thì tiểu đường hoặc những bệnh khác hạn chế chức năng của túi mật hoặc làm giảm co bóp túi mật, di truyền cũng dễ gây sỏi túi mật.
Polyp túi mật không gây tắc nghẽn, vì đa số nằm ở đáy. Tuy nhiên, chúng có thể to ra. Khi có polyp hiện diện trong túi mật, cần “theo dõi” kỹ. Hầu hết polyp phát triển rất chậm là lành tính. Cứ mỗi ba tháng siêu âm một lần, nếu polyp lớn nhanh hay đo được trên 10mm, khi đó có thể có nguy cơ ác tính, cần gặp bác sĩ để xem xét việc phẫu thuật cắt túi mật. Vì vậy, lời dặn kèm của bác sĩ khi siêu âm phát hiện có polyp dưới 10mm là: “Khi thấy cơn đau ở hạ sườn cần nhập viện để kiểm tra, có thể phẫu thuật kịp thời”. Nguyên nhân gây ra polyp cho đến nay vẫn chưa rõ nên không có cách phòng bệnh, chủ yếu là siêu âm định kỳ phát hiện sớm và theo dõi phẫu thuật khi kích thước lớn quá. Với loại “giả polyp” là polyp cholesterol, tạo thành từ tinh thể cholesterol bão hòa rồi kết tủa trong túi mật thì có thể phòng tránh bằng chế độ ăn nghèo cholesterol mà giàu chất xơ (rau củ quả).
Phòng bệnh
Ăn nhiều chất xơ và tập thể dục là cách phòng ngừa bệnh sỏi mật. Ảnh minh họa: internet
Sỏi mật hình thành do nhiễm trùng là điều ít ai ngờ tới. Bác sĩ Nguyễn Cao Cương giải thích, khi đồ ăn thức uống bị nhiễm khuẩn (trong đó nước uống là nguồn gây nhiễm trùng tiêu hóa nhiều nhất), thì vi trùng sẽ vào ruột và men ngược theo con đường mật, đổ vào tá tràng mà lên đường mật, túi mật làm sinh ra sỏi. Ngoài ra, vi trùng vào ruột rồi theo đường máu về gan, vào đường mật cũng làm tạo sỏi.
Bệnh sỏi đường mật ở Việt Nam, ngoài do nhiễm trùng đường ruột, còn phải kể đến ký sinh trùng (giun, sán…) vào cơ thể bởi thói quen ăn thịt sống, cá sống, ăn rau không rửa sạch. Loài giun nếu thấy ruột chật chội hoặc thích “phiêu lưu” sẽ tìm đường đi và chui vào ống mật ở tá tràng. May mắn thì chỉ gây đau dữ dội, giúp người bệnh phát hiện sớm và điều trị; xui rủi hơn, anh bạn lãng du này sẽ bị dịch mật làm cho hóa thạch. Sỏi hình thành từ giun đũa thường rất nhiều, có khi tới vài chục viên… Ngoài ra, sán khi vào cơ thể có thể đi đến gan, vào đường mật và sinh sỏi (sán lá gan).
Ngoài nhiễm trùng, bệnh sỏi mật liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Sỏi túi mật xuất hiện do “dư dả” cholesterol hoặc do bệnh về máu và hiếm hơn là nhiễm trùng tiêu hóa do ăn uống. Để không bị sỏi, cần ăn vừa phải các loại thức ăn giàu chất béo như mỡ, da động vật, hải sản, thịt bò… Sỏi phải mất thời gian dài để định cư và to lên, vì thế việc phòng sỏi mật cần thực hiện từ tuổi thanh xuân, tức là duy trì cân nặng không vượt quá chuẩn mực dành cho lứa tuổi. Thực đơn nạp vào cần nhiều chất xơ, tức chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây… Nên thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao hay đi bộ thời gian tối thiểu 30 phút mỗi ngày trong tuần.