Logo Bài Thuốc Quý

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần bị chảy máu mũi trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng chảy máu mũi quá thường xuyên, bạn nên lưu ý một số nguyên nhân phổ biến sau đây:

Chảy máu mũi

Viêm mũi dị ứng

Do phản ứng của cơ thể khi bị dị ứng, các mô dọc theo sống mũi sưng lên. Các mao mạch giãn ra và đôi khi vì hành động quẹt tay lên mũi cũng có thể gây chảy máu.

Giải pháp: Bạn nên đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân cụ thể gây dị ứng. Sau đó có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp như uống thuốc dị ứng, uống thuốc chống xung huyết,..

Thói quen ngoáy mũi

Ngoáy mũi thường xuyên gây loét các lớp niêm mạc mỏng ở vách ngăn mũi, gây chảy máu mũi. Trẻ em bị chảy máu mũi thường do hai nguyên nhân chính: bị cảm lạnh hoặc hay ngoái mũi. Bạn nên bỏ thói quen xấu này, bởi ngoài việc gây chảy máu, ngoáy mũi còn dễ làm nhiễm trùng mũi, suy giảm chức năng bảo vệ của mũi.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Khí hậu hanh khô, lệch vách ngăn mũi

Đôi khi khí hậu hanh khô cũng gây nên tình trạng chảy máu mũi, đặc biệt với những người bị lệch vách ngăn mũi. Khi một vách ngăn lệch, nó có thể chặn một bên mũi, gây giảm luồng không khí. Các triệu chứng bao gồm khó thở, nghẹt mũi, chảy máu cam và nhiễm trùng xoang thường xuyên.

Nhiễm trùng xoang hoặc khối u

Máu cam có màu tối hoặc bốc mùi ở người lớn thường là biểu hiện của viêm xoang hoặc khối u. Ở trường hợp này, bạn cần phải khám nội soi và chụp CT để có được chẩn đoán chính xác hơn.

Máu cam có mùi hôi ở trẻ em thông thường sẽ do nguyên nhân vật thể lạ trong mũi. Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn để được nội soi và lấy vật thể lạ.

Huyết áp cao

Huyết áp cao cũng là nguyên nhân gây chảy máu mũi thường xuyên ở người lớn tuổi. Huyết áp tăng cao dẫn đến áp lực thành mạch tăng, gây vỡ thành mạch, dẫn đến chay máu mũi.

Huyết áp cao gây chảy máu mũi

Thay đổi sinh lý

Phụ nữ mang thai thường chảy máu cam do thay đổi sinh lý ở đường mũi, đặc biết đối với những người có PIH (tăng huyết áp khi mang thai). Trong trường hợp này, bạn cần có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ phụ khoa.

Theo nld.com.vn