Nên làm gì khi thường xuyên mệt mỏi?
Bệnh có nguy hiểm?
Trạng thái mệt mỏi là dấu hiệu đòi hỏi cơ thể cần phải nghỉ ngơi hoặc ngủ để phục hồi sức khỏe. Thông thường, sau thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ đủ, cơ thể sẽ hết mệt mỏi, cảm thấy sung sức, hưng phấn, làm mọi việc như ý muốn. Nhưng nếu mệt mỏi không được hóa giải, sau khi nghỉ ngơi mà ta vẫn thấy rã rời, sức khỏe không hồi phục thì có thể đã bị một rối loạn nào đó. Tình trạng rối loạn này nếu kéo dài nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ khám, chẩn đoán tìm nguyên nhân. Có khi cơ thể đã bị một bệnh tiềm ẩn nào đó nhưng nhờ bác sĩ chẩn đúng bệnh và cho hướng điều trị đúng đắn kịp thời mà giải quyết được vấn đề mệt mỏi kéo dài.
Mệt mỏi kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển thường xảy ra hội chứng có tên là “Hội chứng mệt mỏi kinh niên” (Chronic fatigue syndrome, viết tắt là CFS) mà nguyên nhân sinh bệnh rất khó xác định. Hiện nay, CFS cũng thường xảy ra ở các nước đang phát triển như nước ta. Hội chứng CFS thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, gần như gấp đôi so với nam giới, với lứa tuổi thường là từ 25 - 45 tuổi. Hội chứng có triệu chứng mệt mỏi rã rời là chính (100%), ngoài ra còn kèm theo: nhức đầu, khó tập trung suy nghĩ, đau họng, nhức cơ, đau khớp, khó ngủ, sụt cân (có người lại tăng cân)... Một số công trình nghiên cứu vào những năm 1990 ghi nhận CFS có liên quan đến nhiễm siêu vi như retrovirus, enterovirus...
Ngoài biểu hiện của CFS nói trên, mệt mỏi kéo dài còn là biểu hiện của một rối loạn khác là stress. Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng” và sự mất cân bằng thể hiện trong cơ thể là những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các áp lực, các biến động vừa nêu. Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Chính nhờ stress mà ta có những phản ứng cần thiết để đối đầu với các tác nhân xâm phạm đó, ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress. Tuy nhiên, nếu stress cứ lập đi lập lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần, cuối cùng bị nhiều bệnh gọi là bệnh tâm thể (psychsomatic diseases) như bệnh loét dạ dày, bệnh trầm cảm...
Dùng thuốc gì?
Việc chữa trị hội chứng này có khó khăn vì khó xác định nguyên nhân. Bác sĩ phải khám và loại trừ tất cả các bệnh thực thể có triệu chứng gây mệt mỏi và gần như không tìm được nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến hội chứng này để chỉ có thể gọi đó là “mệt mỏi vô cớ”...
Về thuốc điều trị CFS, chủ yếu bác sĩ cho dùng thuốc trị triệu chứng liên quan, chủ yếu cho dùng thuốc bồi dưỡng sức khỏe. Ở một số ít nước phương Tây và cả ở nước ta, trước đây, người ta chuộng sử dụng thuốc uống và cả tiêm loại chứa cao gan (hy vọng bổ dưỡng cơ thể bởi các chất bổ dưỡng lấy từ gan súc vật, kiểu như ở ta trước đây rất chuộng dùng campolon, campovit, sirepar... là thuốc trích tinh gan và nay không còn sử dụng nữa) hoặc thuốc tiêm chứa acid folic, vitamin B12 nhưng nay đã được chứng minh là chẳng có tác dụng gì với CFS. Bác sĩ có thể cho dùng các thuốc trị các triệu chứng khác như: thuốc chống viêm giảm đau để trị nhức đầu, đau nhức cơ xương; thuốc kháng histamin và thuốc co mạch chống sung huyết để trị triệu chứng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang; thuốc chống trầm cảm để trị chứng mất ngủ do trầm cảm và làm người bệnh cảm thấy hưng phấn trở lại...
Đối với người bị mệt mỏi vô cớ, trước đây, ngay ở ta đã có tình trạng tự ý lạm dụng thuốc rất nguy hiểm. Đó là tình trạng người bệnh không đi khám bệnh mà tự ý mua và dùng thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương là amphetamin và một số dẫn chất của nó để trị chứng này. Và hậu quả của việc sử dụng thuốc bừa bãi là một số người bị nghiện thuốc (giống như nghiện ma túy và sau đó phải dùng đến ma túy), bị một số tác dụng phụ có hại về tim mạch và nhất là có khuynh hướng tự tử sau khi ngưng thuốc. Điều cần lưu ý là “thuốc lắc” (dimethyl-dioxy-methamphetamin, viết tắt MDMA) hiện nay bị lạm dụng một cách nguy hiểm chính là dẫn chất tương tự như amphetamin, cũng có tác dụng kích thích làm cho người ta hết mỏi mệt, hưng phấn và có thể khiêu vũ, nhảy nhót thâu đêm suốt sáng. Thuốc lắc đang gây nhiều tệ nạn xã hội hiện nay ở nhiều nước, trong đó có nước ta. Xin lưu ý, khi bị mệt mỏi thường xuyên, trước hết hãy xem lại chế độ làm việc, sinh hoạt có quá căng thẳng để sắp xếp lại, tạo sự thư giãn cần thiết, chế độ dinh dưỡng có đảm bảo đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, kế đó có thể dùng thêm các thuốc gọi là hỗ trợ điều trị suy nhược chức năng như arcalion, neurofar, sargenor, actvarol... hoặc thuốc bồi dưỡng (chứa các vitamin và chất khoáng). Nên lưu ý, tất cả các thuốc vừa kể chỉ có tác dụng hỗ trợ, có thể giúp cải thiện rối loạn khi rối loạn mới bắt đầu và còn nhẹ. Và nên dùng thuốc hỗ trợ này đúng liều lượng (như vitamin C ngày không nên dùng quá 1g, dùng nhiều không có lợi vì có nguy cơ gây sỏi thận). Nhưng nếu rối loạn cứ kéo dài, nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân chứ không nên tự ý dùng thuốc kéo dài theo lời mách bảo nào đó. Cũng nên lưu ý, mệt mỏi kéo dài rất có thể là dấu hiệu ban đầu dẫn đến bệnh trầm cảm là bệnh rất dễ xảy ra hiện nay cần được phát hiện sớm để chữa trị đúng cách (bệnh trầm cảm nếu không được chữa trị sớm, đúng cách có khi là nguy hiểm vì người bệnh luôn có khuynh hướng tự tử).