Mẹo giúp con tập nói, biết nói nhanh
Ảnh minh họa
6 mẹo đơn giản giúp con tập nói
1. Đáp lại tiếng khóc của bé: Ngay cả khi con bạn chưa đến tuổi tập nói bạn cũng nên trả lời cả tiếng khóc, tiếng ê, a của bé bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu và nói những lời âu yếm. Bé sẽ biết rằng mình đang được lắng nghe.
2. Dựa vào ngôn ngữ riêng của bé: Hãy dựa vào ngôn ngữ riêng của bé để tập nói cho bé. VD: bé hay phát ra âm e e, bạn sẽ dạy cho bé nói từ mẹ, mẹ…; a a, cha, cha…
3. Đọc cho bé nghe: Hãy cho con xem những cuốn sách, truyện nhiều hình vẽ. Vừa đọc vừa chỉ cho con những hình ảnh có trong truyện. Từ 6 tháng, bạn có thể đọc truyện, thơ, các bài vè có vần điệu, vui tươi, dễ nghe, dễ thuộc cho bé nghe để bé được “tắm” trong ngôn ngữ.
4. Gọi tên sự vật nhiều lần: Bất cứ lúc nào, khi bạn cho bé ăn hay tắm cho bé, hãy gọi tên những đồ vật xung quanh. Trò chuyện với bé bằng những câu ngắn, đơn giản miêu tả hành động bạn đang làm như “Bé đói rồi. Mẹ pha sữa cho bé” hay “Đây là cái chân/cái tay/cái mũi…”. Điều này sẽ giúp bé xây dựng vốn từ và nhận mối liên hệ giữa những hành động và lời nói.
5. Nhìn, nghe và làm theo: Nhìn thẳng vào mắt bé để hướng dẫn bé nhìn vào vật, rồi nhìn vào miệng mẹ để xem cách phát âm. Không tự hiểu ý và đáp ứng mong muốn của con, hãy để con tự nói lên những điều con muốn để bạn kịp phát hiện và sửa sai.
6. Mở rộng phạm vi giao tiếp: Đưa bé đi đến những nơi như công viên, rạp xiếc… để bé được khám phá cuộc sống. Việc tiếp xúc với những hoàn cảnh mới, sự vật mới sẽ giúp mở rộng khả năng giao tiếp và vốn từ của bé.
Bé tập nói – luôn tuân thủ 4 nguyên tắc
Sử dụng ngôn ngữ chuẩn (cả về ngữ điệu và ngôn từ); tránh những từ không hay, từ lóng. Không nựng bé bằng cách nói sai theo bé.
Độ phức tạp tăng dần: Ban đầu bạn chỉ dạy bé nói 1 từ, 1 cụm từ rồi tăng lên thành 1 câu; bắt đầu bằng các danh từ (gọi tên đồ vật) đến động từ (gọi tên hành động), rồi mới đến những từ trừu tượng hơn.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn: Hãy cố gắng lắng nghe và để cho bé có cơ hội được luyện tập. Nghe bé nói hết rồi mới nhắc lại câu hoặc từ bé nói bằng cách đúng cho bé nghe và tự hiểu để sửa theo. Khi bé đang cố gắng để diễn đạt, đừng vội xen ngay vào. Bé sẽ mất tự tin và lúng túng hơn. Khi trò chuyện, người lớn cũng nên cố gắng nói rõ ràng, rành mạch, chọn những câu ngắn và dễ hiểu để bé có thể tiếp thu.
Đừng bỏ qua sức mạnh của lời khen: Khi con học được một từ mới, đừng tiết kiệm lời khen (dù bạn phải cố “dịch” mãi mới ra). Điều này sẽ giúp bé tự tin và hào hứng hơn, thích nói, thích học từ mới hơn.
Đồ chơi hình khối giúp trẻ học nói nhanh
Các nhà khoa học Đại học Washington (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 175 trẻ từ 1,5-2,5 tuổi. Kết quả theo dõi sau 6 tháng cho thấy, điểm số ngôn ngữ của nhóm được chơi với đồ chơi hình khối cao hơn 15% so với nhóm còn lại. Đó là nhờ việc chơi với các hình khối kích thích suy nghĩ, trí nhớ và làm chủ đồ vật tại thời điểm não trẻ phát triển nhanh, do đó tăng cường khả năng ngôn ngữ..