Không nên đọc sách khi đi tàu xe
Những chuyển động lắc của xe khiến mắt bạn phải điều chỉnh cho phù hợp để có thể nhìn thấy chữ, từ đó gây căng thẳng cho mắt, khiến chúng ta thấy mệt mỏi và buồn nôn.
Nguyên nhân buồn nôn, mệt mỏi khi đọc sách trên xe
TS. Michael G. Stewart (Trưởng khoa Tai-mũi-họng, Bệnh viện NewYork-Presbyterian – thuộc Đại học Dược Weill Cornell, Mỹ) định nghĩa: Chóng mặt do đọc sách khi ngồi trên tàu xe là cảm giác chuyển động của bản thân hoặc môi trường xung quanh trong khi thực sự chúng không chuyển động.Vấn đề là sự thiếu kết nối giữa những gì mắt bạn nhìn thấy với những gì cơ thể bạn cảm thấy, và điều đó có thể gây ra hiện tượng chóng mặt.
Trung tâm cân bằng của con người nhận 3 đầu vào: Thị giác, cảm nhận về vị trí (gọi là sự cảm nhận trong cơ thể) và đầu vào từ tai. “Khi bất kỳ đầu vào nào không có sự đồng bộ thì bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, hoặc choáng váng”, tiến sĩ Stewart nói thêm.
Vấn đề đối với việc đọc sách khi đang đi ôtô là tầm nhìn của bạn được cố định vào một vật, nhưng cơ thể và tai trong của bạn lại nhận chuyển động, vì vậy đôi khi có thể gây chóng mặt.
Xung đột cảm giác này gây ra cảm giác buồn nôn, bởi vì lúc này trong não sẽ xuất hiện suy nghĩ rằng bạn đã ăn gì đó độc hại khiến cơ thể bạn có ảo giác.
Mặt khác, khi xe lắc lư bên này bên kia, khiến khoảng cách giữa mắt và sách báo thay đổi, chữ không ngừng biến động, thêm vào đó sự thay đổi liên tục của ánh sáng, muốn nhìn thấy chữ thì phải liên tục điều chỉnh tiêu cự, sẽ rất dễ khiến thần kinh thị giác bị mỏi, có thể gây cận thị, loạn thị.
Ảnh minh họa
Đọc sách khi ngồi trên ôtô có hại cho sức khỏe?
“Đọc trong xe không hoàn toàn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn, mặc dù nó có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu”, TS. Michael G. Stewart khẳng định.
Cách tốt nhất để không cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt là bạn nên đọc sách ở nơi không phải di chuyển, không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, nơi đầy đủ ánh sáng để tránh làm mắt phải làm việc quá tải.
Nếu bạn có thể đọc sách trong xe hơi mà không gặp phiền hà gì, điều đó là rất tốt; còn nếu gặp khó khăn thì tốt nhất là nên tránh hoặc đọc có ngắt quãng, cố gắng giữ cho mắt cảm giác chuyển động càng nhiều càng tốt.
Bạn có thể thử đọc cuốn sách bằng cách giơ cao hơn để đôi mắt bạn có thể nhìn thấy sự chuyển động bên ngoài cửa sổ. Hoặc thường xuyên nhìn ra ngoài cửa sộ và tái tạo cảm giác chuyển động cho mắt, gió thổi vào khuôn mặt bạn cũng là cách để bạn không còn cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên sau đó, hành động tập trung vào cuốn sách của bạn trong khi cơ thể cảm thấy chuyển động cũng có thể gây chóng mặt tạm thời.
Nếu đường xóc, hãy dừng đọc và nhìn lên, cho tới khi đến đoạn đường bằng phẳng. Bạn có thể dùng hai tay để che mắt lại, điều này sẽ khiến bạn không nhìn thấy những chuyển động bên ngoài xe, hãy giữ cho tới khi bạn không còn cảm thấy chóng mặt nữa. Điều này cũng giúp bạn không còn cảm thấy say tàu xe, nó ngăn chặn sự chuyển động bên ngoài tác động vào tầm nhìn của mắt.