Không nên ăn kem, uống nước lạnh khi viêm họng?
Gần đây, trên nhiều diễn đàn các mẹ chia sẻ quan điểm của một bác sĩ nói rằng: người bị viêm họng ăn kem, uống nước lạnh sẽ nhanh khỏi bệnh. Lời khuyên "ngược đời" được chia sẻ trên mạng ngay lập tức thu hút được sự quam tâm chú ý của hơn 1.000 người. Có rất nhiều người đồng tình với lời khuyên của bác sĩ nhưng cũng có nhiều người nghi ngờ, thậm chí phản đối kịch liệt.
Nước lạnh, kem có tác dụng chống viêm?
Để bảo vệ cho quan điểm của mình, vị bác sĩ này lập luận: Nếu ai đã từng học y khoa thì đều biết rằng hiện tượng viêm bao gồm những triệu chứng "sưng, nóng, đỏ và đau". Còn nếu ai chưa học y khoa thì cứ nhìn cái nhọt trên người sẽ biết ngay hiện tượng viêm là như thế nào. Cái nhọt đó bị sưng lên, sờ thấy nóng hơn da xung quanh, nhìn đỏ hơn và chắc chắn là đau rồi. Những biểu hiện đó là do máu đổ dồn đến chỗ viêm (mạch máu đến đổ nở to ra để đưa máu đến), làm cho "sưng lên, nóng lên, đỏ lên và đau".
Để làm giảm những triệu chứng đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng viêm để làm giảm sưng và giảm đau. Vậy có bao giờ bạn thử nhúng bàn tay mình vào nước lạnh 1 lúc rồi lấy tay ra xem nó ra sao không? Khi đó bạn sẽ thấy bàn tay mình...trắng bệt, sờ vào thì gần như không còn cảm giác nữa, vì nó...tê tê rồi. Bàn tay nhúng vào nước lạnh sẽ làm cho mạch máu nuôi bàn tay co lại, bớt máu đến đó và làm cho nó trắng bệt như vậy. Vậy thì đến đây bạn có thể suy luận tiếp rồi đó: nếu đắp nước lạnh (hay túi nước đá) lên chỗ bị viêm (bị sưng lên hay đỏ lên do máu dồn đến nhiều) thì sẽ làm mạch máu nuôi nơi đó bị co lại, có nghĩa là sẽ làm bớt máu dồn đến đó, có nghĩa là làm cho chỗ đó bớt sưng, bớt đỏ, bớt nóng và bớt đau (do bị tê), có nghĩa là ... bớt viêm.
Có bạn nào từng xem đá banh chưa? Có bạn nào để ý khi cầu thủ bị chấn thương sưng chân thì người chăm sóc đắp cái gì lên đó không? Họ đắp lên 1 túi đá lạnh để làm giảm đau và giảm sưng. Vậy thì khi bị viêm họng (họng bị sưng, đỏ, đau và có thể loét) thì mình sẽ "đắp" cái gì lên? Chắc là phải đắp nước (đá) lạnh lên rồi, tức là uống nước lạnh đó. Ăn kem càng tốt nữa, vì mấy đứa bé khoái món này. Hoặc là khi bé bị ho, cho bé uống nước lạnh sẽ làm cho cổ họng bớt đau rát, làm tê cổ họng hay nói cách khác là làm giảm cảm giác kích thích ở cổ họng, tức là sẽ làm bớt ho (dù chỉ là tạm thời).
Vị bác sĩ này còn cho rằng "viêm họng không bị gây ra do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không bị gây ra do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người như nhiều bạn đang tưởng".
Để khẳng định quan điểm của mình là đúng, vị bác sĩ còn đưa ra viện dẫn rằng: Cứ mỗi lần tư vấn về một trường hợp bị cảm ho hay viêm họng hay đau họng gì đó mà tôi khuyên các ba mẹ bệnh nhi cho bé uống nước lạnh (hay ăn kem) là gần như hơn 99% sẽ tròn xoe con mắt nghi ngờ rằng cái ông BS này đang nói đùa, và hỏi lại rằng "BS nói thiệt không? Uống nước lạnh bị viêm họng sao BS?". Khi đó, tôi phải nói thêm 1 câu "tôi nói hoàn toàn thật tình và không có 1 ý nghĩ đùa nào trong lời khuyên này hết". Có 1 điều lạ (hay không lạ ta?) là khi tôi nói câu này với 1 bà mẹ hay ông bố VN nào từ nước ngoài về thì hầu như họ hiểu ngay tức khắc (họ tự suy luận được ngay). Điều đó chứng tỏ rằng khi bạn đã quá quen nghe 1 điều nào đó rồi thì mặc nhiên bạn đã có thể xem điều đó là đúng mà gần như hiếm bao giờ bạn thắc mắc "tại sao" hay "như thế nào".
Ăn kem, uống nước lạnh: bệnh càng nặng
Đó là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương.
Phản biện lại quan điểm trên, PGS.TS Dinh lập luận: các cơ quan trong cơ thể người luôn giữ ổn định ở nhiệt độ 37 độ C. Tất cả các loại thực phẩm hay ngay cả không khí bên ngoài dù nóng, lạnh bao nhiêu nhưng khi vào các cơ quan chức năng trong cơ thể sẽ điều tiết về mức nhiệt ổn định. Khi trời nóng, khát nước mọi người cứ tưởng ăn kem vào cơ thể sẽ được làm mát, hết khát.Tuy nhiên, đấy chỉ là cảm giác "ảo" bởi khi miếng kem lạnh vào trong cơ thể, cơ thể con người sẽ tự điều chỉnh, huy động năng lượng để làm nóng miếng kem, "đốt cháy" nó về 37 độ C. Quá trình này con người sẽ bị mất đi một ít năng lượng. Nếu như bị viêm họng, sức đề kháng bị giảm nếu ăn kem, uống nước lạnh, cơ thể người sẽ phải huy động năng lượng, sức đề kháng càng yếu đi, bệnh vì thế càng nặng thêm.
Các chuyên gia tại Việt Nam khuyên không nên ăn kem, uống nước lạnh khi viêm họng
"Số trẻ em, người lớn bị viêm họng nặng, thậm chí dẫn tới biến chứng viêm phổi do ăn kem, uống nước lạnh tôi đã từng khám và điều trị nhiều lắm, không thể đếm xuể. Do đó, theo tôi quan điểm này cần phải nghiên cứu và xem xét thêm, không nên áp dụng bừa bãi. Vị bác sĩ đưa ra quan điểm này nói rằng ở nước ngoài nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên này nhưng bản thân tôi từng có nhiều năm học ở nước ngoài và trong thời gian làm lãnh đạo của BV tuyến trung ương, được đi nhiều nước nhưng cũng chưa thấy một tài liệu y học chính thống nào hoặc các bác sĩ khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng nên ăn kem, uống nước lạnh. Tôi chia sẻ thêm rằng, đứa cháu của tôi đang học tại trường mầm non quốc tế tại Việt Nam người ta khuyên không nên ăn kem, uống nước lạnh", PGS.TS Dinh kể.
PGS.TS Dinh cũng chia sẻ thêm: "Trong lĩnh vực tai, mũi họng bác sĩ chỉ khuyên bệnh nhân sau khi cắt amidan nếu có chảy máu có thể ngậm viên đá hoặc ngậm nước lạnh để chống phù nề, giảm đau. Tuy nhiên, chỉ định này cũng chỉ áp dụng với bệnh nhân sau khi cắt amidan hoàn toàn khỏe mạnh, không có nhiễm trùng tại vùng khoang miệng"
Theo PGS.TS Dinh, sử dụng nước lạnh không phải là cách bảo vệ sức khỏe khôn ngoan. Trước đây, người ta khuyên chườm nước lạnh, đá khi muốn hạ sốt. Tuy nhiên, đến giờ Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh dùng nước lạnh hạ sốt là sai, không hạ được nhiệt thậm chí còn có thể gây bỏng lạnh. Lời khuyên đưa ra là dùng nước ấm. Trong trường hợp viêm họng, theo tôi thay vì uống nước lạnh, bệnh nhân nên uống cốc nước ấm, để giảm phù nề, giảm đau hoặc có thể dùng cốc trà hoa cúc ấm.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho biết: "Quan điểm nên uống nước lạnh, ăn kem khi bị viêm họng tôi chưa bao giờ nghe nói và cũng không bao giờ khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng thì ăn kem, uống nước lạnh. Người bệnh bị viêm họng, nếu cơ thể có sức đề kháng tốt thì uống nước hơi lạnh không ảnh hưởng gì đến bệnh nhưng nếu uống nước quá lạnh đương nhiên là không nên, sẽ bị ho nhiều hơn. Riêng về ăn kem, tôi cho rằng trong mọi trường hợp viêm họng do vi khuẩn hay virus đều không nên. Bởi trong khoang miệng của con người có hàng ngàn vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn cần đường trú ngụ. Khi người bị viêm họng ăn kem, vi khuẩn gặp đường có cơ hội sinh sôi nảy nở, phát triển khiến tình trạng bội nhiễm càng gia tăng, bệnh vì thế mà càng nặng hơn”.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cũng phủ nhận quan điểm khi cho rằng “viêm họng không bị gây ra do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không bị gây ra do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người”.
“Lời khuyên ăn kem, uống nước lạnh khi viêm họng có thể được đưa ra dựa vào kinh nghiệm bản thân trong quá trình thăm khám của bác sĩ đó. Tuy nhiên, nếu muốn đưa ra khuyến cáo, "kê đơn" cho người bệnh cần phải có nghiên cứu so sánh đối chiếu giữa một nhóm người bệnh uống nước lạnh, ăn kem và nhóm không uống nước lạnh, ăn kem. Chỉ khi được kiểm chứng rõ ràng, nếu kết quả chứng minh kem, nước lạnh giúp bệnh nhân viêm họng nhanh khỏi bệnh thì mới nên áp dụng cho người bệnh. Hiện nay khoa học y học vẫn chưa chứng minh được, người bệnh cần thận trọng”, BS Đỗ Tuấn Anh đánh giá.