Khó thở là biểu hiện của bệnh gì?
Người ta chia khó thở làm hai loại: cấp và mạn. Những cơn khó thở cấp nếu không được xử lý kịp thời có thể gây tử vong rất nhanh.
Khó thở xuất hiện đột ngột thường gặp trong các bệnh
Phù phổi cấp: Khó thở xảy ra đột ngột về ban đêm, nhanh, nông, người bị khó thở mặt môi tím ngắt, khạc ra ít bọt màu hồng, thường xảy ra ở người có bệnh dễ gây suy tim trái như tăng huyết áp, hở van động mạch chủ, người bị hẹp van hai lá. Nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ từ đáy dâng lên rất nhanh. Nhịp tim nhanh, yếu.
Khó thở do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Tràn khí màng phổi: Khó thở đột ngột sau một cơn đau ngực dữ dội như dao đâm. Thở vào thấy hụt hơi, khó thở nhanh nông, mặt nhợt nhạt, trán vã mồ hôi, thường kèm theo sốc. Xảy ra trên những người bị giãn phế nang, ho gà, kén hơi ở phổi, có khi gặp ở người trẻ, khỏe mạnh sau một động tác làm việc gắng sức hoặc ho mạnh.
Co thắt phế quản ở người bệnh hen phế quản.
Cơn hen phế quản: Khó thở đột ngột, khó thở ra. Trước khi khó thở có hắt hơi, ngứa mũi, người bệnh có cảm giác thấy thiếu không khí, phải tỳ tay vào thành giường hoặc cửa sổ, chống tay vào đùi mà thở. Khó thở thường xảy ra khi thay đổi thời tiết, có khi do ngửi một loại hoa hoặc sau khi gắng sức, có tiền sử tái phát nhiều lần. Nghe phổi có nhiều ran ngáy, ran rít. Sau cơn khó thở khạc ra nhiều đờm. Hen ác tính có thể tử vong rất nhanh nếu không được xử lý kịp thời.
Dị vật đường thở: Xảy ra đột ngột, khó thở dữ dội, có tiếng cò cử, mặt môi tím đen, vã mồ hôi, sặc sụa. Khi dị vật xuống thấp hơn, nằm ổn định một chỗ thì khó thở nhẹ dần. Nếu dị vật lớn, nằm ở thanh khí quản, có thể làm bệnh nhân tắc thở và dẫn đến tử vong. Những dị vật thường gặp là đầu bút, cúc áo, hạt, quả, kim băng, kẹo cao su, thức ăn sặc vào phổi… Đối với các loại khó thở cấp, cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời mới mong cứu sống người bệnh.
Khó thở xuất hiện dần dần thường gặp trong các bệnh:
Bạch hầu thanh quản: Thường gặp ở trẻ em. Có sốt từ 38 - 38,5oC kèm sưng hạch dưới hàm. Khó thở kèm theo tiếng rít, mỗi lần thở các hõm trên đòn, trên ức, dưới ức lõm sâu xuống. Trong họng thấy tuyến hạnh nhân sưng to, họng, thanh quản có màng trắng. Có trường hợp ngạt thở, phải mở khí quản.
Viêm phế quản phổi, viêm phổi: Sốt 39 – 40oC, môi khô, lưỡi bẩn. Khó thở xuất hiện dần dần và ngày càng tăng. Nhịp thở nhanh nông, nếu ở trẻ em thấy cánh mũi phập phồng. Bệnh nhân có ho và khạc đờm đặc màu gỉ sắt trong viêm phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Gặp ở người nghiện thuốc lào, thuốc lá. Trải qua nhiều năm ho khạc đờm đặc, hay tát phát từng đợt vài tuần. Khi bệnh nhẹ thì khó thở nhanh nông, lúc nào cũng khò khè. Khi nặng thì khó thở liên tục. Lúc gắng sức khó thở tăng, nghe phổi có ran ngáy, ran rít, ran ẩm.
Bệnh lao kê: Khó thở xuất hiện dần dần, nhịp thở nhanh nông, đôi khi khó thở dữ dội. Có thể sốt nhẹ 37,5 - 38oC, người gầy da xanh. Cần phải được khám, xét nghiệm và chụp Xquang phổi.
Tràn dịch màng phổi: Khó thở khi có tràn dịch nhiều, khó thở và kèm ho khan. Sốt hoặc không. Đau ngực bên tràn dịch. Khám và chụp Xquang phổi, siêu âm màng phổi thường thấy rõ.
Người suy tim cũng bị khó thở.
Khó thở do suy tim: Khó thở lúc đầu nhẹ, chỉ rõ khi người bệnh làm việc nặng, sau tăng dần, làm việc nhẹ hoặc chỉ nằm đã khó thở. Người bệnh phải nằm đầu cao. Đi tiểu ít, phù hai chân, gặp ở người đã mắc bệnh tim lâu năm.
Khó thở do urê huyết cao ở người suy thận: Thường kèm theo nhức đầu, đi tiểu ít, có khi vô niệu, phù hai chân, urê trong máu tăng cao.
Khó thở do toan máu ở người tiểu đường không được điều trị hoặc theo dõi. Phải xác định bằng tìm thể xêtonic trong nước tiểu. Hai bệnh trên đều là giai đoạn cuối của bệnh rất nặng. Không chữa, người bệnh sẽ nhanh chóng đi đến hôn mê và tử vong.
Chấn thương lồng ngực: Nếu chấn thương gãy xương sườn gây tràn máu, tràn khí thì khó thở ngày càng tăng, vùng bị thương rất đau. Phải chụp Xquang phổi và cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, khó thở còn do các nguyên nhân khác ít gặp hơn như liệt cơ hô hấp do bại liệt; tổn thương trung tâm hô hấp do tai biến mạch máu não; do dùng thuốc ức chế trung tâm hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính; do dị ứng gây phù nề thanh quản trong dị ứng thuốc; khó thở do rối loạn thần kinh thực vật, chỉ có cảm giác khó thở, nhưng khám chức năng hô hấp thấy bình thường; khó thở ở người bị biến dạng lồng ngực như gù vẹo cột sống ở giai đoạn cuối; trẻ em, chú ý khó thở do viêm nhiễm amidan, VA, thanh quản…
Tóm lại, khi gặp một cơn khó thở, cần phải bình tĩnh, sáng suốt, nhận định sơ bộ nguyên nhân để phân biệt là khó thở cấp hay khó thở từ từ để có cách xử lý chính xác, kịp thời trong các trường hợp nguy kịch.