Hắt hơi: Nguyên nhân gây hắt hơi
Hắt hơi
Hắt hơi, hắt xì hay nhảy mũi, là sự phóng thích không khí từ phổi ra ngoài thông qua mũi và miệng, thường gây ra bởi sự kích thích niêm mạc mũi của các vật thể nhỏ bên ngoài cơ thể. Sự hắt hơi xảy ra giống như một vụ nổ và là một hành động không tự ý và không kiểm soát được.
Hắt hơi có thể gây ra bởi việc nhận thấy một mùi lạ, tiếp xúc đột ngột với ánh sáng, thay đổi đột ngột (thường là giảm) của nhiệt độ, sự đầy hơi trong dạ dày, nhiễm virus, hoặc một vài nguyên nhân hiếm khác như bắt đầu ăn kẹo cao su, sau khi tập thể dục, nhổ lông mày...
Chức năng của hắt hơi là để tống ra các chất nhầy có chứa các hạt lạ gây kích thích và làm sạch khoang mũi. Trong khi hắt hơi, vòm miệng mềm và lưỡi gà ép xuống trong khi mặt sau của lưỡi nâng lên để phần nào chắn lại lối thông từ phổi đến miệng, để không khí từ phổi bị đẩy qua đường mũi. Vì việc hạn chế lối thông đến miệng chỉ là một phần nên một lượng đáng kể không khí cũng bị đẩy ra qua đường này.
Phản xạ hắt hơi kéo theo sự co lại của một số cơ khác nhau, thường bao gồm cả mí mắt. Nhiều người tin rằng không thể mở mắt trong khi hắt hơi. Tuy nhiên, điều này đã được chứng minh là không chính xác.
Dịch tễ
Theo nghiên cứu cho thấy rằng, chúng ta mang khoảng 100.000 con vi trùng ra ngoài không khí trong một lần hắt hơi với tốc độ 100 mét/giờ. Khi hắt hơi, vi trùng đẩy ra khỏi mũi nên bạn cần che mũi và miệng lại để tránh truyền vi khuẩn ra ngoài không khí. Sẽ tốt hơn nếu sử dụng khuỷu tay của bạn thay vì bàn tay bởi vì vi trùng có thể lây lan qua ngón tay sau khi bắt tay với một ai đó hoặc chạm vào bất kỳ thứ gì.
Mặc dù là vô hại ở những người khỏe mạnh, hắt hơi có thể lan truyền bệnh dịch qua những giọt nước cực nhỏ, thường từ 0,5 đến 5 µm, có chứa đối tượng gây bệnh. 40.000 giọt nhỏ như vậy có thể được phát tán trong một lần hắt hơi. Để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, ta nên dùng cẳng tay hoặc khuỷu tay che miệng và mũi khi hắt hơi. Sử dụng bàn tay sẽ không thích hợp vì mầm bệnh vẫn sẽ lây lan qua các vật tiếp xúc công cộng như tiền, tay nắm cửa, nút nhấn, tay cầm…
Cách phòng ngừa
Cách ngăn chặn hắt hơi cơ bản là thở ra từ từ và sâu để loại bỏ toàn bộ lượng không khí trong phổi sẽ được dùng cho việc hắt hơi, sau đó nín thở và đếm đến mười hoặc nhẹ nhàng kẹp chặt sống mũi trong vài giây. Phương pháp để làm giảm hắt hơi nói chung là giảm sự tương tác với các chất kích thích, chẳng hạn như hạn chế ở gần vật nuôi để tránh lông của chúng, đảm bảo luôn lau sạch bụi bám trên đồ đạc, thay thế thường xuyên bộ lọc cho máy điều hòa không khí, máy lọc khí hay thiết bị giữ ẩm. Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy hắt hơi rất thú vị và không muốn ngăn chặn việc này.
Hắt hơi hay còn gọi là hắt xì, hắt xì hơi.
Nguyên nhân gây hắt hơi
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hắt hơi liên tục, trong đó thông thường hắt hơi xuất hiện khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố như lạnh hoặc do hít phải các chất kích thích như: bụi, mùi hành cay, mùi nước hoa, mùi thuốc nhuộm trong vải...
1. Dị ứng theo mùa
Nhiều người bị dị ứng theo mùa nên hắt hơi trong một thời gian dài. Một số người dị ứng với các tác nhân bên trong nhà, nhưng một số người khác lại mẫn cảm với những yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài. Các tác nhân phổ biến nhất trong mùa đông là ẩm ướt làm tăng nấm mốc và bụi ẩm. Triệu chứng bao gồm hắt hơi liên tục, tắc mũi, chảy nước mũi, ngứa mắt, mũi, cổ họng và thỉnh thoảng là trên vòm miệng. Một số triệu chứng nặng hơn có thể có bao gồm nhiễm trùng, mất ngủ, gặp khó khăn trong việc tiếp thu và tập trung và dễ bị hen suyễn hơn nếu những triệu chứng này không được giải quyết.
2. Cảm lạnh
Chúng ta thường nghĩ rằng cảm lạnh vào mùa đông, nhưng thực tế bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Khi bị cảm lạnh, hắt hơi có thể là một trong những triệu chứng ban đầu. Ngoài ra, polyp ở mũi cũng có thể gây hắt xì liên tục.
3. Dị ứng với vật nuôi
Dị ứng với lông của vật nuôi như chó mèo không chỉ xảy ra với trẻ nhỏ mà còn với cả người lớn. Tình trạng này sẽ gây hắt xì hơi liên tục. Ngoài ra, một số người rất nhạy cảm với hương nước hoa mạnh. Vì vậy, khi họ ngửi thấy một số loại nước hoa, họ bắt đầu hắt xì, vì hốc mũi bị viêm. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với sương và ô nhiễm không khí, nó cũng có thể gây kích thích lỗ mũi và gây ra hắt xì hơi.
4. Thay đổi thời tiết
Sự thay đổi nhiệt độ quá mức có thể gây hắt hơi. Đôi khi chỉ cần thời tiết sắp thay đổi là những người này đã hắt hơi liên tục, ngoài ra do sự biến đổi khí hậu cũng như cuộc sống hiện đại phải làm việc trong công sở - nơi có những phòng kính kín sử dụng điều hòa đã làm tăng số lượng người bị hắt hơi.
5. Tiếp xúc với khói thuốc
Khói thuốc có thể kích thích mũi khiến bạn phải hắt hơi. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc hoặc người xung quanh hút thuốc thì rất có thể khiến bạn hắt hơi liên tục.
6. Dị ứng với chất kích thích
Nếu như bạn không mắc các bệnh viêm họng, viêm mũi, cảm cúm thì có thể do nguyên nhân thay đổi môi trường lạnh đột ngột hoặc do dị ứng với một chất kích thích nào đó. Hắt hơi xuất hiện khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố như lạnh, các chất kích thích (bụi, mùi hành cay, hạt tiêu, mùi nước hoa, phấn hoa, mùi thuốc nhuộm tóc, nước giặt xả quần áo, vải...). Có một số người bị hắt hơi sau bữa ăn, đặc biệt là sau khi ăn thức ăn cay.
7. Thuốc
Nếu đang dùng một loại thuốc nào đó, cơ thể có thể có phản ứng dị ứng với thuốc, gây ra các triệu chứng như hắt xì hơi. Nếu do thuốc, bạn cần thay đổi loại thuốc khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
8. Ánh sáng mặt trời
Ánh sáng mặt trời cũng có thể là nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng hắt hơi. Đây là những người bị mắc hội chứng hắt hơi (sneeze syndrome) và hội chứng này có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái.
Để loại trừ nguyên nhân, bạn cần vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng... Nếu hắt hơi kéo dài và kèm theo các triệu chứng ngạt mũi hoặc bất thường bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Một số sự thật về hắt hơi
Hắt hơi xảy ra ở bất kì các giai đoạn của cuộc sống, thậm chí động vật cũng thường xuyên nhảy mũi như bạn. Bạn có thể hắt hơi nhiều lần, từ 2-4 lần hoặc nhiều hơn trong một lần. Những câu hỏi thú vị sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hành động này.
Hắt hơi trong lúc ngủ có nguy hiểm?
Nếu bạn nghĩ rằng bạn hắt hơi trong lúc ngủ thì bạn đã nghĩ sai rồi đấy. Bạn không thể nhảy mũi khi ngủ vì hệ thần kinh lúc này đang được nghỉ ngơi và không thể phản ứng với những nguyên nhân gây ra hắt hơi. Bạn có thể thức giấc và nhảy mũi nếu có một thứ gì kích ứng mũi khi bạn đang ngủ.
Hắt hơi làm tim bạn ngừng đập phải không?
Có thể bạn từng nghe rằng trong lúc hắt hơi, tim bạn sẽ tạm ngừng đập. Một số tín ngưỡng cho rằng hắt hơi là sự cảnh báo cho cái chết đang gần đến với bạn. Nhưng thực tế thì tim bạn trải qua một sự thay đổi về nhịp điệu và dòng máu bị bóp lại vì sự thay đổi của cơ ngực và chắc chắn rằng hắt hơi không làm tim bạn ngừng đập đâu.
Tại sao chúng ta lại nhắm mắt khi hắt hơi?
Bạn có hay để ý rằng, chúng ta thường nhắm mắt khi hắt hơi. Nó xảy ra bởi vì có sự co cơ sau mắt. Hơn nữa, áp lực máu tăng làm cho chúng ta không thể mở mắt được.
Vì sao mỗi người có âm thanh khác nhau khi hắt hơi?
Mỗi người thường phát ra một âm thanh khác nhau khi hắt hơi, có người phát ra tiếng rất lớn, có người hắt hơi nhẹ nhàng hơn. Thực ra âm thanh này do kích thước lỗ mũi của bạn thôi!
Bạn nên hắt hơi hơn là cố gắng không làm điều đó. Trong một số trường hợp hiếm gặp, việc nhịn hắt hơi có thể tổn thương mạch máu. Điều khó chịu nhất là khi chuẩn bị hắt hơi nhưng bị nghẹn lại. Để hắt hơi được, bạn hãy chà mũi, nhấn và ấn vào phần bên cánh mũi và thở ra.
Làm gì khi bị hắt hơi
Những người hay bị hắt hơi như vậy phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, đeo khẩu trang khi đi đường, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng, trước khi vào phòng điều hoà nên hít một hơi thật sâu sau đó thở ra khi bước chân vào phòng để không khí ấm hơn ngay khi hít hơi lần hai rồi quen dần với không khí đó… Nếu dấu hiệu đi cùng là ngạt mũi ngày càng tăng, dịch mũi chảy ra màu vàng xanh, phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí, phế quản làm cho thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. Trường hợp cần thiết chỉ định phẫu thuật nội soi cũng được đặt ra để giải quyết tình trạng polip mũi..