Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị thiếu máu
Bạn hãy lưu ý xem trẻ nhà mình có hay không nguy cơ thiếu máu.
Mệt mỏi và yếu ớt
Do số lượng tế bào hồng cầu cung cấp oxy thấp nên các bộ phận trên cơ thể trẻ thiếu máu không thể hoạt động bình thường. Kết quả là trẻ luôn luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và yếu ớt.
Da xanh xao
Trẻ thiếu máu có số lượng tế bào hồng cầu ít nên da nhạt màu hơn bình thường. Da xanh xao là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh thiếu máu ở trẻ em.
Chán ăn
Trẻ thiếu máu sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi nên cảm thấy vô cùng khó khăn trước những hoạt động bình thường, trong đó có hiện tượng chán ăn.
Khó thở
Thiếu máu sẽ dẫn đến thiếu oxy nuôi cơ thể, thiếu hụt nguồn cung cấp oxy cho tim. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trẻ thiếu máu khó thở.
Thèm ăn những thứ phi thực phẩm
Một đứa trẻ có dấu hiệu thèm ăn những thứ phi thực phẩm như đất, cát, sỏi, sơn tường… Theo nghiên cứu, tình trạng thiếu dinh dưỡng (như thiếu sắt gây thiếu máu) có thể dẫn đến hiện tượng này.
Thường xuyên ốm vặt
Việc thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Do đó, trẻ thiếu máu thường xuyên bị nhiễm trùng, hay ốm.
Điều trị thiếu máu cho trẻ
Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ở trẻ em, nguyên nhân thiếu máu thường gặp nhất là do thiếu sắt trong chế độ ăn. Vì vậy, cần cho trẻ chế độ ăn giàu sắt như: thịt, trứng, các loại đậu, rau xanh.
Một số trẻ cần phải bổ sung viên sắt để giúp cơ thể tạo máu nhiều hơn. Một số trường hợp khác, bác sĩ nhận thấy có những nguyên nhân đặc biệt và cần thiết phải làm xét nghiệm kiểm tra trước khi điều trị. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, trẻ thiếu máu nặng cần phải được truyền máu.
Trẻ bị thiếu máu có thể dễ dàng lấy lại sức khỏe nếu điều trị đúng. Khi hồng cầu được tạo ra nhiều, oxy sẽ chuyển đến mô đầy đủ, cơ thể sẽ khỏe mạnh trở lại.