Dấu hiệu bạn bị rối loạn lo lắng
Bất cứ ai cũng trải qua những khoảng thời gian lo lắng như khi chuẩn bị thuyết trình trước đám đông, gặp vấn đề về tài chính hay trước những sự kiện quan trọng như đám cưới… Tuy vậy, đối với một số người, những cơn lo lắng xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt. Tình trạng rối loạn tâm lý này có rất nhiều biểu hiện bao gồm các hội chứng sợ hãi, ám ảnh, hoang mang.
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức mà bệnh nhân không thể kiểm soát được. Bệnh thường không có nguyên nhân rõ ràng và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể gây ra. Rối loạn lo âu thường phối hợp với tăng cảm xúc, biểu hiện qua các triệu chứng chung về nội tạng và vận động. Đây cũng là bệnh mà rất nhiều chị em gặp phải.
Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Mỹ), phụ nữ nhiều gấp đôi nguy cơ bị rối loạn lo âu hơn so với nam giới. Sự khác biệt này liên quan nhiều đến bộ phận chủ yếu thuộc về các hành vi giao tiếp và điều chỉnh cảm xúc như vùng vỏ não.
Bên cạnh đó, ranh giới giữa rối loạn lo lắng và tình trạng bình thường vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng khiến việc xác định và chẩn đoán hiện tượng này trở nên khó khăn.
Dưới đây là một vài triệu chứng bạn có thể sử dụng để chẩn đoán liệu có nên đặt lịch hẹn với bác sĩ tâm lý:
Thường xuyên trải qua lo lắng
Việc nhận biết tần suất thường xuyên hay không là một câu hỏi không dễ trả lời. Tuy vậy, nếu những cơn lo lắng chiếm phần lớn thời gian của bạn và đi kèm những triệu chứng mệt mỏi thì đã đến lúc phải quan tâm tới hiện tượng này. Sally Winston nhà nghiên cứu y khoa kiêm chuyên viên tâm lý tại Viện Nghiên Cứu Maryland – Towson, cho biết, sự khác biệt rõ ràng nhất nằm ở việc rối loạn gây ra suy giảm sức khỏe cũng như các chức năng hoạt động của cơ thể.
Gặp vấn đề về giấc ngủ
Khó ngủ là một trong những hiện tượng y khoa thể hiện tình trạng sức khỏe của bạn gặp vấn đề. Yếu tố vật lý và tâm lý đều có thể nguyên nhân cho hiện tượng này. Bạn có thể dễ dàng gặp phải tình trạng này vào buổi tối trước những sự kiện lớn như thuyết trình hay phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, nếu hiện tượng xảy ra quá thường xuyên, chúng có thể là dấu hiệu cho hội chứng rối loạn lo lắng. Theo thống kê của các chuyên gia y khoa tại Bệnh viện Bumrungrad International (Bangkok,Thái Lan), có đến hơn một nửa số bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo lắng gặp vấn đề về giấc ngủ.
Hay sợ hãi
Trong một vài trường hợp, rối loạn lo lắng thể hiện ở những khía cạnh rất khác biệt. Ai cũng sở hữu một vài nỗi sợ nhất định nhưng nếu nỗi sợ này quá lớn và ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày, chúng có thể là dấu hiệu của chứng ám ảnh sợ hãi.
Tuy ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt, hội chứng này không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Daniel Smart, Tiến sĩ y khoa tại Trung tâm y tế San Francisco (Mỹ) cho biết, một người có thể rất sợ rắn nhưng không hề nhận ra vấn đề của mình. Chỉ đến khi họ đi dã ngoại cùng nhóm bạn và bất chợt nhìn thấy loài bò sát này, họ mới phát hiện ra nỗi ám ảnh đó.
Căng cơ
Vấn đề căng cứng các bó cơ dễ bị bỏ qua nếu hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài với cường độ thấp, không gây ảnh hưởng cụ thể tới sinh hoạt thường ngày. Thông thường, những bài tập nhẹ, đều đặn sẽ giúp thả lỏng cơ, làm tình trạng căng cơ giảm bớt đáng kể. Tuy vậy, tập luyện quá mức cũng như không đúng cường độ sẽ dễ dẫn đến những chấn thương và ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Vấn đề tiêu hóa
Hội chứng rối loạn đường ruột là một trong những vấn đề mà những người thường xuyên lo lắng gặp phải. Đau bụng, đầy hơi trào ngược, tiêu chảy… là những vấn đề thường gặp nhất của hội chứng rối loạn đường ruột. Emma Denly, chuyên gia dinh dưỡng kiêm nhà tư vấn tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết, các vấn đề đường ruột và sự lo lắng có mối quan hệ tương đồng và phát triển đồng thời với nhau.
Không thích nơi đông người
Tùy vào độ ổn định tâm lý, một vài người chỉ mất vài tiếng căng thẳng trong khi số khác mất cả tuần lo lắng trước những buổi thuyết trình đông người. Nếu nỗi sợ này quá lớn và gây ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt khác của bạn, rất có thể bạn đang gặp vấn đề với nỗi sợ hãi mang tên ám ảnh. Sống chung với hiện tượng này thường cho bạn cảm giác khó chịu, không thoải mái mà không biết nguyên nhân tại sao.
Thu mình trước chốn đông người
Henry Mark, chuyên gia tâm lý kiêm nhà tư vấn tại Bệnh viện Buchinger (Đức) cho hay: “Hội chứng rối loạn lo lắng cũng xảy ra khi giao tiếp với người khác ở nơi công cộng. Biểu hiện của hiện tượng này là người bệnh cảm thấy dường như tất cả những ánh mắt đều đổ dồn vào mình. Khi đó, những hiện tượng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đổ mồ hôi sẽ xuất hiện, làm giảm tự tin trong giao tiếp và ngăn cản tạo dựng các mối quan hệ mới cũng như duy trì các mối quan hệ cũ”.
Sợ hãi tột độ
Những cơn sợ hãi có thể trở thành vấn đề tâm lý cực kỳ nghiêm trọng với bạn. Hãy tưởng tượng việc lo lắng, sợ hãi diễn ra đột ngột và bạn không thể làm gì để loại bỏ chúng. Thở hổn hển, tim như nhảy ra khỏi lồng ngực, vã mồ hôi đầm đìa, tê buốt tay, đau ngực, dạ dày là những hiện tượng khó chịu của hội chứng này.
Tuy vậy, Julia Magaret, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Edouar-Herriot (Pháp) cho biết, không phải ai trải qua những cơn sợ hãi tột đồ đều mắc các vấn đề về rối loạn lo lắng. Nếu bạn trải nghiệm tần suất này quá lớn, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia y khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Ám ảnh về quá khứ
Ám ảnh bởi những sự kiện kinh hoàng xảy ra trong quá khứ như tai nạn, người thân qua đời hay gây sai lầm nghiêm trọng là một dạng căng thẳng cuộc chứng rối loạn lo lắng. Trong một số nghiên cứu của Tuần san Y Khoa về rối loạn lo lắng năm 2009 tại Đức, các nhà khoa học đã chỉ ra hiện tượng này và vấn đề rối loạn lo lắng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Cầu toàn
Nếu bạn thường xuyên phán xét bản thân mắc quá nhiều lỗi hay đặt ra các tiêu chuẩn quá thấp thì hãy coi chừng bởi có thể bạn đang rơi vào hội chứng cầu toàn. Cầu toàn là một vấn đề tâm lý nhưng sở hữu mức độ thấp hơn ám ảnh. Những dấu hiệu này cũng không rõ ràng và khiến bạn khó khăn hơn trong việc xác định. Tuy vậy, các chuyên gia tâm lý cho biết, nếu những ám ảnh về hoàn hảo khiến bạn gặp khó khăn hoặc xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày, bạn cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này.
Cưỡng chế hoạt động
Nhà tâm lý học kiêm giáo sư y khoa tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) cho hay: “Người gặp rối loạn lo lắng thường sở hữu một vài hoạt động vô thức, ví dụ như liên tục tự nói với bản thân mọi chuyện sẽ ổn thôi hoặc ôm đầu, đi lại, đứng ngồi không yên, xé vụn giấy… Bạn sẽ khó nhận ra những biểu hiện của bản thân nhưng nếu có người khác bên cạnh, họ sẽ dễ dàng nhìn ra điều này”.
Nghi ngờ bản thân
Nghi ngờ bản thân cũng là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn lo lắng. Biểu hiện của tình trạng này thể hiện bằng việc tự đặt cho mình những câu hỏi nghi vấn liên tục như “Liệu mình có sai lầm khi quyết định chuyện đó không?”, “Liệu mình đã chuẩn bị đủ tài liệu cho buổi họp chưa?” hay chỉ đơn giản là “Liệu trước khi đi làm mình đã khóa cửa hay chưa?”. Hiện tượng này cũng gây ra những vấn đề không nhỏ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bởi chúng tạo tâm lý rụt rè, thiếu tự tin vào bản thân.