Công dụng của quả chanh và chanh đào
Chanh có tên khoa học là Citrus lemon var, thuộc họ cam quýt. Chanh có thể trồng bằng hạt hoặc chiết cành, nó không chịu được úng ngập và nhiệt độ thấp.
Chanh được sử dụng rộng rãi trong dân gian để làm thuốc. Các bộ phận trong cây chanh được dùng làm thuốc là quả, lá và rễ. Theo y học cổ truyền, quả chanh có vị chua, tính bình có tác dụng sinh tân, kiện vị, hòa đàm chỉ khải (long đờm, cầm ho), khứ thử (chống nắng nóng). Lá chanh vị ngọt, tính ôn, có tác dụng hòa đàm chỉ khái, hành khí (làm thông hơi) khai vị. Rễ chanh vị đắng, tính ôn, có tác dụng chỉ khái, bình xuyên (cầm ho, hen), hành khí.
Thành phần hóa học của chanh
Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, thành phần của từng loại chanh có khác nhau, nhưng nói chung trong một quả chanh thường vỏ chiếm từ 13 - 24%, dịch chanh từ 23 - 75%, chất xơ từ 13 - 38%, hạt từ 5 - 7%. Thành phần chính gồm 1% protein, 11.1% carbonhydrat, 0.9% dầu béo, 0.3% chất vô cơ, 0.07% Ca, 0.001% P, 2.3% Fe và nhiều loại nguyên tố vi lượng khác... Ngoài ra, chanh còn có Vitamin C và nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người. Dịch ép của chanh quả (bỏ vỏ) chứa 6.56 - 7.84% axit hữu cơ toàn phần (chủ yếu là axit citric), 0.26 - 4.13% đường toàn phần... Với thành phần tự nhiên phong phú dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng nên dịch chanh được sử dụng rất rộng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Tinh dầu vỏ chanh có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng nên cũng là một chất thơm phổ biến dùng trong thế giới mỹ phẩm. Trong thực phẩm, chanh cũng được sử dụng nhiều.
Những bài thuốc từ chanh
- Chữa trẻ sốt cao, co giật: Vắt nước quả chanh cho uống liên tục từng chút nhỏ một; dán lát chanh vào thóp, gan bàn chân, lòng bàn tay; giã nát vỏ chanh bọc và khăn mỏng đắp vào ngực, kheo tay kheo chân. Chú ý: cách này chỉ dùng trong trường hợp trẻ bị dị ứng Paracetamol hoặc ở trên đường đi bệnh viện. Còn khi trẻ đã sốt cao, co giật thì phải hạ sốt ngay bằng đặt đạn hạ sốt cho trẻ, và chỉ được cho nhấp ướt môi bằng dịch quả chanh, không được đổ nhiều, tránh sặc.
- Chữa ho khan, mất tiếng: Vỏ, rễ chanh tươi (cạo bỏ lớp vỏ ngoài), vỏ rễ dâu tươi, tầm gửi, bưởi hoặc chanh tươi, mỗi thứ 15g, sắc đặc lấy nước, ngậm từng ngụm, uống dần.
- Chữa ho, nôn ọe (cách này thường dùng trong gia đình): Cắt quả chanh đã rửa sạch thành từng lát, ngâm một chút muối hoặc mật ong, ngậm và nuốt nước.
- Chữa ho gà: Lá chanh tươi 5g, lá táo tươi 5g, rễ cỏ gà tươi 5g, vỏ quýt tươi 2g, vỏ trứng gà 1 quả, tất cả rửa sạch, đun sôi 20 phút chắt lấy nước uống, ngày 2 - 3 lần, cho tới khi khỏi.
- Chữa trẻ em ho dai dẳng: Hạt chanh 20 hạt, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, giã nhỏ nhuyễn, cho một thìa mật ong hấp cơm, uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa cảm cúm: Không ra được mồ hôi, đau nhức mình mẩy... mà không tìm được nồi lá xông "bài bản" là hương nhu, kinh giới, lá bưởi, lá sả... thì bạn lấy lá chanh tươi 1 nắm to (50 - 60g), lá ngải cứu, lá cúc tần một chét (20g), cỏ mần trầu một nắm (30 - 40g) đun sôi, xông sẽ thấy đỡ đau mỏi và người nhẹ nhàng ngay. Chú ý: rửa sạch lá, khi sôi kĩ chắt một bát nhỏ vừa xông vừa uống trong khi xông, tác dụng càng cao.
- Chữa côn trùng, rắn cắn: Ngoài những biện pháp cấp cứu khẩn trương ra, có thể cho uống bài thuốc gồm: rễ chanh 10g, hạt chanh 5g, phèn chua 3g, gừng tươi 3g, giã nhỏ cho 100ml nước đun sôi 20 phút, lọc lấy nước uống, bã đắp ngoài. Với rắn rết, côn trùng chỉ gây ngứa, sưng đau luôn có tác dụng tốt, còn với loại trùng gây độc cũng có tác dụng giảm sưng đau. Bài thuốc này được áp dụng rộng rãi cho bộ đội thời chống Mỹ cứu nước.
Chanh đào và cách chế biến
Ở Việt Nam có khoảng 20 loài chanh khác nhau cho quả. Trong đó có 2 giống chanh cho quả quanh năm là chanh thường trồng ở vùng trung du Bắc Bộ và vùng núi Nghệ An. Hai loại chanh quý được ưa chuộng là chanh Đào (ruột hồng), chanh Yên (vỏ dày, có mùi thơm và hương vị rất đặc biệt). Chanh đào thường có từ tháng 8, 9 trong năm. Khi chín vỏ chanh mỏng, màu vàng hanh chứa nhiều tinh dầu, ruột hồng đào, rất thơm. Cũng có loại chanh đào ruột vàng nghệ. Chanh đào ngâm mật ong, đường phèn là bài thuốc tuyệt với trị ho, viêm họng
Ngâm chanh đào mật ong chữa ho.
Chuẩn bị:
- Chanh đào: 1 kg, loại càng già càng tốt. Nên lựa những quả tươi, chín vàng, mỏng vỏ.
- Mật ong rừng: 1 lít.
- Đường phèn: 0,5 kg.
- Bình thủy tinh có nút đậy, vỉ nén bằng nan tre.
Cách 1: Ngâm chanh 3 tháng
- Chanh rửa sạch, pha một ít muối với nước sôi để nguội, ngâm 30 phút rồi vớt chanh ra để thật khô. Cắt chanh thành những miếng mỏng, ngâm cả hạt mới tốt.
- Đường phèn đập nhỏ, đổ một lớp đường vào lọ, đến một lớp chanh (làm lại cho đến hết.) Cuối cùng đổ mật ong vào. Lấy vỉ nan nén chanh xuống. Để khoảng 3 tháng sẽ dùng được.
Trong cách ngâm này mọi người cũng có thể cho chanh đào, mật ong, đường phèn vào máy xay sinh tố, xay nhỏ làm siro chanh, mật ong, đường phèn. Khi cho trẻ uống nên lọc bỏ bã cặn.
Cách 2: Ngâm chanh 6 tháng
- Chanh rửa sạch, pha một ít muối với nước sôi để nguội, ngâm chanh 30 phút rồi vớt ra để ráo. Khía dọc quả chanh vài nhát.
- Rửa sạch bình thủy tinh, tráng qua nước sôi, để ráo nước. Đổ đường phèn vào lọ rồi đến một lớp chanh (làm như vậy đến hết), cuối cùng cho mật ong vào. Lấy vỉ nan nén chanh xuống. Để 6 tháng sau sẽ dùng được.
Lưu ý: Nên sử dụng bình thủy tinh. Mua bình to hơn lượng chanh ngâm một chút vì sau một thời gian bình sẽ lên men, nước chanh tiết ra nhiều. Cũng không nên bịt miệng bình quá chặt. Để bình ngâm ở chỗ mát (không cho vào tủ lạnh).
Thời gian đầu mới ngâm nên kiểm tra bình thường xuyên, nếu sau vài ngày thấy sủi bọt thì hớt đi. Không để chanh nổi lên khỏi vỉ vì sẽ dễ bị mốc, nổi váng. Sau vài 3 tuần là có thể dùng chanh ngâm mật ong, đường phèn rồi. Nên ngâm chanh càng lâu càng tốt, mới đầu chanh còn tươi thì ăn hơi đắng, nhưng sau một thời gian dài chanh đào ăn như ô mai, vừa tốt cho họng, vừa tăng cường sức khỏe.
Bài thuốc này thích hợp với mọi gia đình, nhất là nhà có con nhỏ từ 1,5 tuổi trở lên. Vào ngày trời lạnh hay khi trẻ mới chớm ho thì buổi sáng ngủ dậy lấy một thìa cho trẻ uống. Với người lớn, hãy cắt lát quả chanh ngâm, trộn đều với nước trong hộp, nhai rồi ngậm khoảng 15 - 20 phút, sau đó nuốt, ngày dùng vài lần.