Logo Bài Thuốc Quý

Công dụng của lá ngải cứu

01/01/2020 · Sức khỏe
Ngải cứu là một loài thảo dược có công dụng rất tốt để chữa nhiều bệnh. Một công dụng mới của ngải cứu mà có thể các bạn chưa biết, đó là tác dụng dưỡng da, trị mụn.

Cây ngải cứu là một cỏ sống lâu năm, cao 0,04 – 1,5m, lá mọc so le, rộng, không có cuống (những lá phía dưới cây thường có cuống), lá xẻ nhiều kiểu, từ lối xẻ lông chim đến lôi xẻ từng thùy theo đường gân. Mặt trên lá tương đối nhẵn, màu xanh lục, mặt dưới màu tro trắng do có rất nhiều lông nhỏ. Trắng, khi khô lá mặt trên hơi xám nâu, nhưng mặt dưới vẫn trắng. Hoa mọc thành chùm, xim, rất nhiều đầu trạng. Vò nát có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt, mọc tập trung thành từng chùm kép ở đầu cành. Quả bế nhỏ, không có túm lông. Mùa hoa tháng 10 – 11.
Cây ngải cứu mọc hoang và được trồng ởkhắp nơi trong nước ta. Trồng bằng những đoạn gốc thân già, đã ra rễ. Cây ngải cứu là 1 trong số 16 cây vận động trồng ở xã.

công dụng của lá ngải cứu


Thành phần hóa học: Lá ngải cứu chứa tinh dầu (trong đó chủ yếu là Cineol, a – thuyon). Ngoài ra còn có tanin, một ít adeni, cholin. Cả cây chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là cineol, α-thuyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol, arachyl alcol, adenin, cholin. Có tài liệu ghi:
- Arteminsia vulgaris chứa 0,05 – 0,2p.100 tinh dầu, trong đó chủ yếu là thuyon, cineol.
- Artemisia argyi chứa 0,2 – 0,33p100 tinh dầu trong đó chủ yếu là absinthol, cadinen, thuylalcool...

Công dụng

Chữa kinh nguyệt không đều, khí hư, động thai, băng huyết, thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, nôn mửa, đau bụng, đau dây thần kinh, thấp khớp ghẻ lở. Ngày 6 - 12g dạng sắc, cao. Ngải nhung dùng làm mồi cứu. Để điều kinh, uống tuần lễ trước khi có kinh
Người đang có thai nếu thấy đau bụng, ra máu thì có thể dùng lá ngải cứu 16 g, tía tô 16 g, cho 600 ml nước sắc còn 100 ml, thêm chút đường, chia 3-4 lần uống trong ngày. Ngải cứu có tác dụng an thai.
Ngải cứu còn gọi là ngải diệp, tên khoa học là Artemisia vulgaris L. thuộc họ cúc. Quanh năm đều có ngải cứu nhưng tốt nhất là hái cành và lá vào tháng 6 (gần tương ứng với mồng 5 tháng 5 âm lịch), phơi khô trong râm mát. Có khi hái về phơi khô, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung, dùng làm mồi cứu để kích thích huyệt trong phương pháp châm cứu.
Ngải cứu có tính ôn, hơi cay, dùng điều trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, động thai, thổ huyết...

Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, lấy mỗi ngày 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g). Thuốc không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Kinh nguyệt không đều: Hằng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường chia uống 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

Công dụng của ngải cứu với da

Trong ngải cứu có một số hoạt chất có tác dụng xúc tiến tuần hoàn máu toàn thân, nhờ vậy có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp cho da được nuôi dưỡng tốt, vết thương ngoài da mau lành và chóng lên da non. Hơn nữa, trong ngải cứu còn một chất gọi là tanin, có tác dụng ngăn ngừa các vết chàm, mụn nước nhỏ và một số chứng bệnh viêm da khác.

Ngải cứu còn có tác dụng phân giải chất béo, có thể loại trừ những cặn bã bám trên da, nên nó là chất làm sạch da rất tốt, đặc biệt với những người có da nhờn. Mặt khác, ngải cứu còn có cả tác dụng giữ ẩm, nên cũng có tác dụng rất tốt với những người có da khô.

Công dụng làm dưỡng da theo cách sau:

Đắp ngoài: Dùng lá ngải cứu, đun sôi kỹ cho nhừ, sau đó lấy vải mỏng lọc lấy nước, để vào lọ cho vào tủ lạnh dùng dần. Mỗi buổi tối, sau khi rửa mặt sạch dùng khăn thấm nước ngải cứu đắp lên mặt nhất là những vùng da xấu, sau vài phút khăn tự khô, gỡ khăn ra rửa lại bằng nước sạch.

Uống: Có thể lấy ngải cứu, đun nước kỹ và chắt uống không. Hoặc có thể bạn dùng ngải cứu, sao khô cho vào lọ để pha uống dần như pha chè. Bạn chú ý cách pha chế, nếu không sẽ có tác dụng phụ. Không nên pha quá nhiều, uống quá liều lượng, mỗi ngày chỉ nên pha một lượng nhỏ và uống hết khoảng 200ml nước ngải cứu.

Liều dùng: 3 – 10g. Sắc uống, dùng sống hay sao đen, (cho 1kg lá ngải vào chảo, sao cho thấy đen thêm 150g dấm vào, trộn đều rồi sao cho khô).

Dùng ngoài da làm mồi cứu để kích thích các huyệt, thường dùng ngải nhung vê thành mồi hoặc dùng lá ngải khô cuộn lại thành điếu mà đốt. Nước sắc lá ngải cứu dùng rửa mặt làm cho da dẻ hồng hào tươi đẹp, dùng để tắm chữa lở ghẻ, mần ngứa. Nhân dân ta thường cài lá ngải lên đầu cho khỏi đau nhức.

Có tài liệu giới thiệu ở Đức dùng rễ ngải cứu trị chứng động kinh kết quả tốt (Bột Brumser).

Lưu ý: Người âm hư, huyết nhiệt không được dùng. Lá ngải kích thích tử cung nhưng không kích thích tử cung có thai nên không gây sẩy thai.

Công dụng cứu nóng

Cây ngải thường được cuộn thành điếu như điếu thuốc lá, đốt nóng để tác động vào các huyệt, chữa nhiều bệnh khác nhau. Không dùng cách này cho các bệnh nhiệt.

Cách làm điếu ngải: Lấy lá ngải cứu khô vò nát, loại bỏ cành cuống, lấy phần còn lại là ngải nhung đem cuốn thành điếu như điếu thuốc lá hay to hơn tùy theo ý định sử dụng. Điếu ngải được đốt mang tính nóng ấm cao (thuần dương), nên khi dùng để làm nóng (cứu) các huyệt gọi sẽ làm khí huyết lưu thông mạnh, gây ấm nóng cơ thể, giảm đau, sưng, mỏi cơ, tiết dịch, giải độc, làm mềm chỗ cứng và tan máu tụ.

Các phương pháp cứu nóng

Cách cứu bổ: Để điếu ngải hơ lên huyệt đến khi bệnh nhân cảm thấy ấm dễ chịu (cứu ấm), dùng để trị các bệnh hư suy đau yếu.

Cách cứu tả: Đưa điếu ngải gần sát da, bệnh nhân cảm thấy nóng thì đưa lên (cứu mổ cò). Thực hiện 3-5 lần, cách cứu này để chữa các bệnh thực (bệnh mới phát).

Cách xoay tròn: Đặt điếu ngải lên gần huyệt cho vừa đủ ấm thì di chuyển theo vòng tròn từ hẹp ra rộng cho đến khi thấy nóng nhiều ở vùng định cứu là được (làm 2-3 lần), cách cứu này để trị các bệnh ngoài da, mụn nhọt.

Cách rà trên vùng da: Dùng điếu ngải rà trên vùng da, cách 1-2 cm để tìm điểm nóng rát (sinh huyệt), rà với tốc độ vừa phải, khi qua vùng da thấy nóng rát như phải bỏng thì nhấc lên (làm 2-5 lần). Điếu ngải luôn để hơi chếch ngay mặt da, dùng ngón tay út để trên mặt da tạo khoảng cách (như cầm cây bút để viết). Nên bôi một lớp dầu cù là mỏng trước khi cứu, không để tàn rơi xuống da người bệnh.

Cứu nóng dùng để trị các chứng bệnh hàn, bệnh lâu ngày gây hư suy.

Nên cẩn thận không để bị bỏng khi cứu, không để rơi tàn nóng làm bỏng da hay tàn tro bay vào mắt. Thời gian cứu tối đa mỗi huyệt 3-5 phút, không nên lạm dụng đốt cứu quá nhiều ở một huyệt. Cẩn thận với những phụ nữ đang mang thai hay hành kinh, người có làn da mẫn cảm (dị ứng), bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao, người già và trẻ em. Cứu nóng sau bữa ăn là thích hợp nhất.

Bài thuốc:

Bài số 1: Chữa có thai 2 tháng bị động thai:

Ngải diệp 8g
Đương quy 4g
A giao 4g
Sinh khương 4g
Đan sâm 4g
Nhân sâm 4g
Cam thảo 4g
Đại táo 8g
Sắc uống.

Bài số 2: Chữa đau bụng khi hành kinh:

Ngải điệp 8g
Xuyên khung 4g
Ngô thù 4g
Đương quy 4g
Thục địa 8g
Bạch thược 4g
Hương phụ 4g
Tục đoạn 8g
Hoàng kỳ 4g
Chế thành thuốc viên, uống mỗi lần 3 – 6g.

Bài số 3: Chữa tạng độc (phân ra xong thì ỉa ra máu):

Lá ngải tươi 16g
(Lá ngải khô thì dùng 10g)
Gừng sống 10 lát
Nước 600ml
Sắc lấy 100ml, chia làm 2 lần uống.

Bài số 4: Chữa động thai, tử cung xuất huyết:

Ngải điệp 6g
A giao 12g
Sắc uống.
Bảo quản: Lá ngải cần để nơi khô ráo, râm mát, tránh làm nát vụn.
Biệt dược (phối hợp): An thai thang, Cao ích mẫu, Juvenol.

Sưu tầm