Logo Bài Thuốc Quý

Chữa đau xương, thấp khớp bằng lá lốt

01/01/2020 · Sức khỏe
Lá lốt là một loại cây gia vị thường được biết đến trong việc chế biến các món ăn ngon nhờ vào mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, lá lốt còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các bệnh đau nhức xương khớp.

Cây lá lốt

Lá lốt là loại cây gia vị được dùng trong nhiều món ăn hàng ngày. Ngoài tác dụng là thực phẩm, đây cũng là một cây thuốc trong y học cổ truyền có tác dụng chữa được một số bệnh, đặc biệt lá lốt chữa bệnh khớp mang lại một số hiệu quả hỗ trợ nhất định. Dùng lá lốt trị bệnh khớp không chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian mà các nghiên cứu đã khẳng định tác dụng chữa bệnh của lá lốt. 

Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau). Lá lốt còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau tốt, đặc biệt là giúp giảm chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, ra nhiều mồ hôi tay chân...

Lá lốt là loại cây mềm, cao tới 1m, thân hơi có lông. Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, đầu lá nhọn, soi lên có những điểm trong. Phiến lá dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân, cuống dài. Cụm hoa mọc thành bông. Cây lá lốt mọc hoang trong vùng rừng núi ẩm thấp và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam.

Bộ phận dùng, chế biến: Dùng lá, thu hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Thường dùng tươi hoặc phơi khô.

Liều dùng: Ngày dùng 5 - 10g lá phơi khô hay 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng tươi dạng thuốc sắc để ngâm tay chân hay đổ mồ hôi, ngâm đến khi nước nguội thì thôi.

cây lá lốt

Cây lá lốt

Những bài thuốc có sử dụng lá lốt

Cây lá lốt chữa bệnh khớp khi trở trời: Dùng 100 gr thịt bò, 50-70 gr lá lốt. Thịt bò rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị rồi xào sơ qua, sau đó cho lá lốt vào, vừa chín tới là dùng được. Món này dùng với cơm 2-3 lần trong tuần để giảm đau khớp.

lá lốt chữa đau nhức xương khớp

Lá lốt chữa đau nhức xương khớp

Lá lốt chữa đau khớp khi trời lạnh: Lấy khoảng 5-10g lá lốt phơi khô, đổ thêm hai chén nước, nấu cô đặc lại còn ½ chén và uống trong ngày. Nên uống sau bữa ăn tối và khi nước thuốc còn ấm. Để chữa chứng đau nhức xương khớp hiệu quả, người bệnh nên áp dụng bài thuốc này khoảng 7-10 ngày.

Giảm sưng đau khớp gối: Dùng 20g lá lốt và 20g ngải cứu, rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau. Nên áp dụng bài thuốc này khoảng một tuần sẽ giúp đầu gối bớt sưng và ngăn ngừa bệnh xương khớp hiệu quả.

Chữa đau do chấn thương: Lá lốt, ngải cứu, hy thiêm thảo liều lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm) giã nát, chưng nóng đắp chỗ lưng đau, ngày 2 lần.

Hỗ trợ giảm đau do viêm khớp: Lá lốt, cỏ xước, cốt khí củ, dây đau xương mỗi thứ 15g, cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống 7 ngày.

Chữa tổ đỉa: Lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước thuốc vừa đun âm ấm thì dùng rửa sạch chỗ tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần, liên tục trong 5 - 7 ngày là khỏi.

Chữa đổ mồ hôi ở tay chân: Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân khg 5 - 7 phút thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Ngâm liên tục 10 - 15 ngày.

Hỗ trợ chữa chứng phù thũng do thận: Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Uống trong 3 - 5 ngày.

Đau bụng do lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.

Chú ý: Lá lốt hơi giống lá trầu không, hồ tiêu và trầu rừng. Cần phân biệt khi thu hái.

Theo SKĐS