Chăm sóc trẻ bị đái dầm
Đái dầm có thường gặp hay không?
Ở Mỹ, khoảng 15 - 20% trẻ 5 tuổi trở lên bị đái dầm. Tuy nhiên, tỷ lệ này thay đổi tùy theo lứa tuổi. Cụ thể như sau, đái dầm xảy ra khoảng 33% trẻ 5 tuổi, 25% trẻ 7 tuổi, 15% trẻ 9 tuổi, 8% trẻ 11 tuổi, 4% trẻ 13 tuổi và 3% trẻ từ 15 - 17 tuổi. Trẻ nam chiếm tỷ lệ 60%. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào lứa tuổi. Từ 4 đến 6 tuổi, số trẻ nam và trẻ nữ như nhau. Khoảng 11 tuổi thì trẻ nam gấp đôi trẻ nữ.
Tỷ lệ trẻ bị đái dầm cũng khác nhau tùy theo tầng lớp giai cấp trong xã hội. Tình trạng kinh tế xã hội thấp thì tỷ lệ đái dầm cũng gia tăng. Đái dầm không liên quan đến chủng tộc.
Có mấy loại đái dầm?
- Đái dầm nguyên phát:
Ðái dầm xuất hiện từ khi trẻ còn nhỏ. Đây là loại thường gặp, chiếm tỷ lệ 75 – 80%. Đái dầm nguyên phát xảy ra ở những trẻ mà chưa bao giờ tập luyện hay kiểm soát thành công việc đi tiểu theo ý muốn.
- Đái dầm thứ phát:
Xảy ra sau một thời gian trên 6 tháng không đái dầm. Trẻ có một thời gian không bị đái dầm (đã đạt được sự kiểm soát việc đi tiểu), rồi bỗng nhiên bị đái dầm trở lại, do tác động của các nguyên nhân khác.
Các nguyên nhân gây đái dầm?
- Yếu tố di truyền: Nếu trẻ có bố hay mẹ bị đái dầm lúc nhỏ thì có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác.
- Thiếu nội tiết tố kháng bài niệu về đêm: Đây là nội tiết tố có tác dụng làm hấp thu nước ở thận. Vì lý do nào đó, nội tiết tố này bị giảm sẽ làm thận tăng sản xuất một lượng lớn nước tiểu trong khi ngủ.
- Rối loạn chức năng của bàng quang: Dung tích bàng quang nhỏ nên chứa ít nước tiểu hoặc cơ chóp bàng quang tăng hoạt động và co bóp quá mức gây đái dầm.
- Rối loạn phản xạ “thức giấc để đi tiểu”: Ở một số trẻ bị đái dầm, sự kết hợp các “tín hiệu” giữa bàng quang và não chưa nhịp nhàng, không đúng và không đủ. Trẻ bị đái dầm thường ngủ rất say, bàng quang căng đầy nước tiểu nhưng không đủ kích thích để đánh thức trẻ dậy đi tiểu.
- Thói quen ăn uống: Một số trẻ thường uống một lượng nước rất nhiều hoặc dùng các chất kích thích như: trà, cà phê,.. vào buổi chiều tối.
- Lo lắng: Do bị cha mẹ trách phạt, hoàn cảnh sống không tốt, mẹ mới sinh em bé,…
- Bệnh lý hệ tiết niệu: Trào ngược bàng quang - niệu quản, niệu quản lạc chỗ, viêm bàng quang, hẹp niệu đạo,…
- Bệnh lý khác: Đái tháo nhạt, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bón,…
Đái dầm ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Hầu hết trẻ bị đái dầm thường xấu hổ và cảm thấy có lỗi đối với gia đình. Các cháu thường tự ti, sống khép kín giảm khả năng hòa nhập với cộng đồng.
Đái dầm có thể điều trị khỏi không?
Tỷ lệ đái dầm tự khỏi khoảng 15% mỗi năm, khoảng 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn đái dầm.
Đái dầm do nhiều nguyên nhân gây nên, tùy nguyên nhân mà có cách điều trị phù hợp. Hầu hết các trường hợp đái dầm có thể điều trị khỏi. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ điều trị sớm vì nếu để lâu sẽ khó điểu trị và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Bậc phụ huynh sẽ làm gì nếu trẻ bị đái dầm?
Nếu trẻ dưới 5 tuổi, thì không cần phải làm gì cả. Không nên la mắng, chọc ghẹo hay dọa nạt trẻ. Tránh cho trẻ uống nhiều nước vào buổi tối, đánh thức trẻ dậy đi tiểu lúc cha mẹ sắp đi ngủ.
Đối với trẻ trên 5 tuổi, phụ huynh cần biết:
- Đái dầm không phải là lỗi của trẻ vì vậy không nên chọc ghẹo, la mắng hay trách phạt trẻ. Phụ huynh nên giải thích cho trẻ biết rằng có nhiều trẻ khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, để trẻ không thấy bị cách ly, đơn độc.
- Nên thường xuyên khích lệ, động viên tinh thần cho trẻ. Khen thưởng nếu có đêm trẻ không đái dầm.
- Giải thích cho trẻ biết đái dầm có thể điều trị được.
- Lập một thời khóa biểu về thời gian đi tiểu và uống nước, nhắc nhở trẻ đi tiểu trước khi ngủ.
- Hạn chế uống sữa, nước, các chất lỏng khác vào buổi chiều tối.
- Không uống trà, cà phê, nước ngọt có gas,…
- Mở đèn phòng ngủ và phòng vệ sinh vào ban đêm. Hướng dẫn trẻ gọi phụ huynh khi muốn đi tiểu vào ban đêm. Nếu phòng vệ sinh ở xa hay không thuận tiện, có thể để bô đựng nước tiểu tại phòng cho trẻ.
- Hướng dẫn trẻ tự dọn dẹp giường mỗi sáng khi thức giấc.
- Không nên cho trẻ trên 5 tuổi mang tã khi ngủ. Điều này sẽ làm trẻ mất tự tin và tập thói quen xấu cho trẻ.
- Tập luyện bàng quang: hướng dẫn trẻ chủ động nín giữ nước tiểu lâu hơn, tập tiểu ngắt quãng (khi đang đi tiểu thì cố gắng ngừng lại một lúc rồi lại tiểu tiếp).
Nếu trẻ trên 7 tuổi và đã áp dụng các phương pháp trên mà trẻ vẫn còn đái dầm, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tiết niệu hoặc nhi, để được tư vấn, khám và điều trị.