Logo Bài Thuốc Quý

Chăm sóc cho bé đang mọc răng

01/01/2020 · Sức khỏe
Có nhiều mẹo nhỏ hiệu quả lớn giúp bé thoát cơn đau mọc răng, nhiều mẹ chưa biết. Mọc răng quả là một trải nghiệm “kinh hoàng” đối với bé. Vậy phải làm sao để bé bớt đau đây?

Mấy hôm nay đi đâu tôi cũng phải mang theo điện thoại bên mình, có lẽ chỉ trừ mỗi lúc đi tắm. Chẳng phải là do ham mê hay yêu thích gì điện thoại mà bởi vì đó là “lệnh” của cô em gái tôi. Chả là “con bé” vừa sinh con được vài tháng, phải cái còn vụng về nên chăm con chưa được khéo lắm. Vậy là cứ có vấn đề gì khúc mắc cần hỏi, cô em sẽ gọi ngay cho tôi. Khốn khổ, dạo này cu Mon lại đang mọc răng nên bé hay quấy khóc và trái tính trái nết. Mỗi khi ti mẹ, Mon thường “nhay nhay” thật mạnh khiến cô em tôi đau chảy cả nước mắt. Tính còn trẻ con, có lần bị đau không chịu được cô liền giật phăng con ra, không cho ti nữa rồi quát mắng con om sòm. Mon còn bé, chưa hiểu gì, thấy mẹ phản ứng mạnh như vậy chỉ biết khóc. Thấy con khóc đỏ cả mặt, nước mắt nước mũi chảy tèm lem, thương quá, cô em tôi lại ôm con dỗ dành. Vậy là con khóc, mẹ cũng khóc. Tôi bỗng trở thành chuyên gia bất đắc dĩ cho cô em gái trong lĩnh vực “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Trong thời gian này Mon sẽ cảm thấy đau và khó chịu, thậm chí là sốt. Tôi có hướng dẫn cho em gái một số cách hay giúp cu Mon đỡ đau hơn trong giai đoạn mọc răng này.

Bé mọc răng



1. Để bé được nhai

- Khi mọc răng, bé thích được nhai vì hoạt động của lợi sẽ làm dịu cơn đau lúc mầm răng trắng nhú lên khỏi lợi. Các mẹ có thể chuẩn bị một chiếc khăn mềm, sạch, ẩm làm đồ vật cho bé nhai. Mẹ nên đặt chiếc khăn này vào khăn mát tủ lạnh (không phải ngăn đá) trước mỗi lần cho bé nhai.

- Hoặc có thể cho bé ngậm nướu bằng chất liệu mềm, nhân tạo. Các mẹ cũng có thể cho những chiếc nướu này vào ngăn mát của tủ lạnh trước khi cho bé ngậm. Ngậm nướu mát sẽ giúp bé bớt đâu và cảm giác dễ chịu hơn.

2. Chà xát lợi cho bé

Các mẹ hãy rửa sạch và lau khô tay của mình. Sau đó dùng một ngón tay chà nhè nhẹ vào nướu và răng của bé. Lúc đầu có thể bé sẽ cảm thấy khó chịu và không thích nhưng chỉ một vài lần bé sẽ quen và cảm thấy dễ chịu hơn khi được mẹ “mát xa” lợi cho mình. Nếu bé “nhay nhay” ngón tay của mẹ, hãy để cho bé thực hiện việc đó.

3. Cho bé ăn đồ ăn mát

- Với bé trên 9 tháng tuổi (đã làm quen với quá trình ăn bốc), các mẹ có thể cho bé gặm những miếng cà rốt, táo, dưa chuột lấy từ tủ lạnh (trong ngăn mát chứ không phải ngăn đá để không gây hại cho lợi của bé).

- Hoặc có thể cho bé sử dụng những món có vị mát như sữa chua, rau quả nghiền nhuyễn và được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.

4. Cho bé uống đồ mát

- Với bé khoảng 18 tháng tuổi (tiếp tục mọc chiếc răng thứ 10 trở lên), các mẹ có thể chế biến nước hoa quả từ dâu tây, dưa hấu, dưa vàng; sau đó, các mẹ đổ nước hoa quả vào những chiếc khuôn hình ngôi sao, mặt trăng, nhân vật hoạt hình, cất vào ngăn đá thành món kem cho bé. Khi chiếc răng mới nhú lên, lợi của bé sẽ vừa đau vừa nhức. Lúc này, việc mút món kem hoa quả giống như liều thuốc tê, xoa dịu cảm giác nóng rát trong miệng bé.

- Các mẹ nên nhớ để những khối hình này không quá cứng hoặc nhỏ, dễ gây hóc cho bé. Và cũng không nên cho bé mút kem lạnh thường xuyên, phòng bé bị viêm họng.

- Với mỗi loại kem hoa quả tự chế, các mẹ cũng có thể dạy bé học thêm được một từ mới; chẳng hạn, dưa hấu hay dâu tây…

5. Cần vỗ về, yêu thương bé

Cảm giác đau, nhức khi mọc răng sẽ khiến bé khó chịu và quấy khóc; vì vậy, bé càng cần được cha mẹ yêu thương, vỗ về nhiều hơn.

6. Phân tán sự chú ý

Mẹ cũng có thể giúp bé quên đi cơn đau bằng cách phân tán sự chú ý của trẻ. Thu hút bé bằng những trò chơi thú vị, nói những lời ngọt ngào với trẻ, bế trẻ trên tay đu đưa, cho bé nghe những loại nhạc êm dịu… cũng là những cách hay để giúp bé quên đi sự khó chịu của mình.

7. Thuốc giảm đau cho bé

Nếu việc nhai, chà lợi, đồ ăn mát không hiệu quả với bé, các mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc gây tê (dạng gel hoặc xịt), bôi vào lợi khi bé mọc răng. Thuốc giảm đau, hạ sốt cho bé khi mọc răng thường có dạng siro, dạng bột, cốm hoặc thuốc nhét hậu môn.

- Nếu cho bé bú bình, các mẹ nên rút bình ra khỏi miệng bé thật nhẹ nhàng ngay sau khi bé vừa bú xong. Rút bình sữa ra khỏi miệng bé mạnh, đột ngột sẽ khiến tình trạng đau lợi ở bé nghiêm trọng hơn.

- Các mẹ cũng nên cho bé ăn bột (hoặc cháo) thật loãng và nhớ là không nên ép bé ăn đủ khẩu phần ăn như bình thường.

- Nếu bé đau tới mức không thể ăn cháo hoặc bột, các mẹ nên cho bé uống sữa tăng cường. Chỉ 1-2 ngày, bé sẽ bớt đau và ăn uống tốt hơn.

- Vệ sinh răng miệng cho bé từ khi răng chưa nhú bằng cách quấn khăn vào ngón tay rồi lau lợi cho bé.

- Tránh cho bé ngậm bình sữa hoặc ti giả khi ngủ. Nó sẽ khiến miệng bé bị vi khuẩn tấn công dễ hơn.

- Các mẹ nên lau nước dãi chảy quanh miệng bé bằng chiếc khăn sạch, mềm. Cách này sẽ giúp hạn chế những nốt ban nhỏ xuất hiện quanh miệng bé.

- Tránh gel hoặc thuốc có chứa rượu vì chúng có thể làm tổn thương nướu răng và dẫn tới ngộ độc.

- Hạn chế đường trong chế độ ăn uống. Bé đã có thể tiếp xúc với thức ăn rắn hơn 1 chút rồi, nhưng bạn nên hạn chế đồ ăn và thức uống ngọt cho bé. Hãy cho bé làm quen với cốc, giảm số lần bú bình cho dù là uống sữa. Đừng để để bé đi ngủ với bình sữa trong miệng bởi vì lượng đường trong sữa sẽ bám trên răng bé và gây sâu răng.

- Khi bé được 12- 18 tháng tuổi trở lên, bạn có thể bắt đầu hướng dẫn bé đánh răng 2 lần/ ngày bằng cách sử dụng một bàn chải đánh răng lông mịn.

- Bạn có thể bắt đầu sử dụng lượng nhỏ kem đánh răng bằng một hạt đậu nhỏ cho bé để đánh răng hằng ngày khi bé từ 2 tuổi trở lên. Giám sát bé chặt chẽ khi đánh răng để đảm bảo bé không nuốt kem đánh răng.

Theo Eva