Logo Bài Thuốc Quý

Cây Rau sam chữa bệnh

01/01/2020 · Sức khỏe
Rau sam còn có tên là mã xỉ hiện (nghĩa là một thứ rau có lá giống hình răng ngựa). Tên khoa học của nó là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau sam Portulacaceae. Rau sam có nhiều chất dinh dưỡng, được xem như một loại thuốc quý chữa được không ít bệnh cho con người. Có nhiều thành phần dinh dưỡng

Ở nước ta, rau sam có thể ăn sống, luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. Nó là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong các luống hoa màu. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng, hoa màu vàng, hạt màu đen. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái từ nguồn hoang dã vào mùa hè và mùa thu. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát.

Cây rau sam, Mã xỉ hiện

Cây Rau sam

Trong rau sam có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột. Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau sam làm thuốc sát trùng các chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu, trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Chính vì rau sam có nhiều acid béo omega-3 nên tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch. Rất nhiều người ăn kiêng thiếu hợp chất cần thiết này vì họ không ăn cá. Rau sam dại rất giàu chất tạo thành omega-3, do vậy hầu hết những người ăn kiêng khó tính đều có thể hấp thụ được hợp chất cần thiết này. Cùng với đó, omega-3 giúp cơ thể chúng ta sản xuất các hợp chất cần thiết để tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.


Những bài thuốc cụ thể

Với trẻ em, rau sam có thể chữa kiết lỵ rất hiệu quả. Rau sam tươi 250g (rau sam khô 50g) đun hoặc sắc với 600ml nước còn 100ml, uống trong ngày. Trẻ dưới 6 tháng tuổi mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 5ml. Còn  trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 10ml, trẻ từ 2 tuổi thì vẫn uống 4 lần một ngày nhưng mỗi lần uống 15ml; bài thuốc chữa lỵ phối hợp với cỏ sữa gồm rau sam 100g, cỏ sữa 100g, nếu đi ngoài ra máu thêm 20g cỏ nhọ nồi và 20g rau má, cho 3 bát nước sắc còn 1 bát, trẻ em tùy tuổi mà giảm liều, thời gian điều trị từ 5-7 ngày.

Thuốc trừ giun kim ở trẻ: Rau sam tươi 50g, thêm ít muối giã nát, vắt lấy nước, uống liên tục 3-5 ngày, có thể cho thêm ít đường cho dễ uống. Ngoài ra, nó còn chữa được sán sơ mít với rau sam tươi 100g, giã nước lọc lấy nước, cho thêm một chút muối và một muỗng giấm, uống vào lúc sáng sớm khi bụng đói; trẻ bị nổi mẩn đỏ, rau sam rửa sạch, giã sống, vắt nước cốt cho uống, bã thì xoa đắp. Trẻ bị đầy hơi thì rau sam một nắm to, cho vào ít muối và một chén nước giấm, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống nhiều lần thì tiêu. Còn nếu bị mụn nhọt lấy rau sam tươi, giã nhỏ đắp lên mụn nhọt, ngòi mụn dễ ra. Trẻ bị ho gà lấy rau sam 100g, đun sôi với 200ml nước thêm 30g đường phèn đun tiếp còn 100ml chia uống 3 ngày, mỗi ngày 3 lần. Uống 3 ngày bệnh giảm 50%. Uống tiếp 3 ngày thì có thể đỡ nhiều và khỏe.

Đối với người lớn, rau sam có công dụng chữa viêm cầu thận, viêm bàng quang, niệu đạo; đái ra máu, rau sam nấu canh ăn liên tục 3-7 ngày là khỏi. Những người bị bệnh trĩ lấy rau sam tươi nấu ăn, nước để xông và ngâm. Làm hằng ngày trong một tháng, chữa càng sớm càng chóng khỏi; khi bị côn trùng, rắn rết cắn, giã rau sam lấy nước cốt uống ngay và bã đắp lên chỗ bị cắn. Tuy nhiên, trường hợp này  rau sam chỉ dùng để sơ cứu và hỗ trợ, sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Theo GiaoducOnline