Cần làm gì sau khi bị phơi nhiễm HIV?
Vừa qua 18 y bác sĩ ở BV Phụ sản Hà Nội đã bị phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ khi mổ cấp cứu cho 1 nữ bệnh nhân (Quảng Ninh) đang nguy kịch vì chảy máu âm đạo mà không biết chị có HIV.
Các nguyên nhân dẫn đến phơi nhiễm HIV
Trên thực tế, phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng dẫn đến nhiễm bệnh.
Theo Bác sĩ Minh Tân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phơi nhiễm với HIV (exposure) được hiểu là tình huống có tiếp xúc với dịch tiết có khả năng mang mầm bệnh HIV.
Các dạng phơi nhiễm có thể do: Kim đâm khi làm các thủ thuật tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, chọc dò…; Vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh; Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; Máu, chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, viêm loét từ trước) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng)…
Ngoài ra, phơi nhiễm cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác như phơi nhiễm với máu có HIV do bị người khác dùng kim tiêm chứa máu đâm vào hoặc trong khi làm nhiệm vụ đuổi bắt tội phạm…
Cũng theo BS Tân nguy cơ phơi nhiễm HIV có thể do tổn thương bởi kim có chứa máu đâm xuyên qua da gây chảy máu: kim nòng rỗng cơ to, chứa nhiều máu, đâm sâu nguy cơ cao hơn kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông.
Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị đâm phải.
Máu và chất dịch của cơ thể người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây sát. Nếu viêm loét hoặc xây sát rộng thì nguy cơ cao hơn.
Phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến… Ảnh minh họa
Cách xử lý sau khi bị phơi nhiễm
Theo BS Tân, những người sau khi bị phơi nhiễm sẽ có nhiều cách xử lý. Ngay khi bị phơi nhiễm chúng ta xử lý vết thương tại chỗ. Trường hợp bị phơi nhiễm HIV do vật nhọn như bơm kim tiêm dính máu HIV đâm phải, hãy nhanh chóng lấy dụng cụ gây tổn thương ra khỏi da và xối ngay vết thương dưới vòi nước để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, sau đó rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương và tuyệt đối không được kỳ cọ ngay chỗ vết thương.
Còn nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì chúng ta rửa sạch bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0.9% liên tục trong 5 phút. Phơi nhiễm qua miệng, mũi thì rửa… thì nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0.9% và xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0.9% nhiều lần.
Chú ý khi rửa mắt mũi, hãy nghiêng mặt để dung dịch nước muối chảy ra ngoài kéo theo máu dịch của virus HIV thay vì để nó đi vào cơ thể. Mỗi lần súc miệng, hãy nhổ nước ra ngoài, sau đó tiếp tục.
Khi nghi ngờ khả năng bị lây nhiễm HIV chúng ta phải báo cáo người phụ trách và làm biên bản (ghi đầy đủ các thông tin yêu cầu trong Hồ sơ phơi nhiễm).
…song không phải trường hợp nào cũng dẫn đến nhiễm bệnh. Ảnh minh họa
Điều trị người bị phơi nhiễn HIV bằng ARV
Việc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV có thể bắt đầu ngay lập tức kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm là dương tính thì phải dừng điều trị phơi nhiễm ngay. Với những người mới bị nhiễm HIV, các bác sĩ sẽ điều trị ngay bằng thuốc bằng thuốc ARV liên tục trong 4 tuần. Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cho người bị phơi nhiễm HIV cần được tiến hành càng sớm càng tốt từ 2-6 giờ và trước 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm cho tất cả các trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ.
Việc dùng thuốc kháng virus phải có y lệnh, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, phải theo đúng các phác đồ điều trị phơi nhiễm HIV, phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và cần làm các xét nghiệm như huyết đồ, chức năng gan, thận… vì ngoài tác dụng điều trị, thuốc kháng vi rút còn gây ra nhiều tác dụng phụ.
Với những người bị người bị phơi nhiễm cần có kế hoạch theo dõi đó là theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV. Người được điều trị ARV dự phòng cần được tư vấn các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc cũng như cách xử trí. Trong thời gian phơi nhiễm, cần làm đầy đủ các xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng và được hỗ trợ tâm lý nếu cần thiết. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, có thể yên tâm rằng không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.
Theo khuyên cáo chuyên gia y tế đối người thân hay bạn bè sống chung với nhiễm HIV không nên phân biệt hay kỳ thị nhưng vẫn phải lưu ý:
Trong thời kỳ chưa có biểu hiện lâm sàng, hãy để người nhiễm HIV vẫn lao động bình thường, vẫn có khả năng đóng góp lao động của họ cho gia đình và xã hội.
Chúng ta vẫn có thể sống chung với người nhiễm HIV/AIDS vì HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như: ôm, ho, hắt hơi, dùng chung đồ dùng chén bát, nhà vệ sinh chung, bể bơi công cộng, côn trùng đốt…
Tuy nhiên nếu những dụng cụ ăn uống có dính máu của những người nhiễm HIV thì tốt nhất nên đeo găng tay và rửa sạch bằng xà phòng.
Đối với bàn, ghế, giường bị dính máu, mủ, dịch khác của người bị nhiễm thì cần được làm sạch để tránh lây nhiễm như đổ dung dịch Chlorrine 0,5% hoặc Javen lên bề mặt bị dính máu, mủ, chờ 10-20 phút sau đó đeo găng tay cao su và dùng nước sạch cọ rửa chỗ bẩn đó. Nếu không có hóa chất thì dùng xà phòng hòa nước thay thế.
Quần áo của người bị nhiễm nếu có bị dính máu hoặc dịch nên ngâm trong dung dịch Javen hoặc dung dịch Chlorine trong khoảng 30 phút sau đó giặt lại bằng xà phòng.
Khi thu dọn các đồ thải dính máu hoặc dịch khác của người nhiễm HIV nên dùng găng tay sau đó cho các dung dịch sát khuẩn rồi xử lý rác theo quy định.
Không nên chung các đồ như bàn chải đánh răng, đồ làm móng tay, dao cao, kim tiêm… với những người nhiễm HIV.
Với bị bệnh HIV và người thân, bạn bè… cần trang bị kiến thức về căn bệnh này để hiểu rõ các vấn đề có liên quan tránh sự lỳ thị, nghi hoặc, hay nguy cơ có thể lây nhiễm từ căn bệnh thế kỷ này.