Cách tránh bị đau bụng đầy hơi
Loại khí không mùi này nếu được thoát ra vào thời điểm không thích hợp có thể gây cho bạn cảm giác ngượng ngùng, nhưng đó là biểu hiện của quá trình tiêu hóa tốt. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta sản xuất khoảng từ 1-3 lon khí và được thải ra ngoài qua đường hậu môn. Khí đường ruột được tạo thành từ oxy, nitơ, hydro, carbon dioxide và methane. Trong trường hợp bạn nhận thấy mùi khó chịu, đó là do khí có chứa lẫn các hợp chất khác, bao gồm hydrogen sulfide và amoniac.
Các loại vi khuẩn sống trong đường ruột được quy là tác nhân chính tạo ra khí trong đường ruột. Chúng có chức năng tiêu hóa các loại thực phẩm, chủ yếu là các loại đường, tinh bột và cellulose. Tuy nhiên, khi quá trình tiêu hóa diễn ra chậm, các loại thức ăn có thể bị lên men và tạo khí trong ruột non. Các cơn co thắt của ruột non sẽ đẩy dần lượng khí này qua ruột già và sau đó bị trục xuất ra khỏi trực tràng.
Các chuyên gia cho biết, có một số thực phẩm tạo khí nhiều hơn so với những thực phẩm khác. Đặc biệt trong đó các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, bột yến mạch, đậu và đậu Hà Lan thường tạo khí nhiều nhất.
Thông thường, mỗi người trải qua hiện tượng “thoát khí” đường ruột mười bốn lần/ngày. Khí đường ruột chỉ được đánh giá là nhiều khi bạn phải thải hơi hơn hai mươi lần/ngày. Theo các chuyên gia, để hạn chế quá trình tạo khí trong đường ruột, bạn nên thực hiện theo vài lời khuyên dưới đây:
- Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm như đậu, bông cải xanh, bắp cải, măng tây, cà phê, trứng, cá, mận, củ cải, chà là, sung hoặc chất ngọt nhân tạo như sorbitol vì chúng có thể thúc đẩy quá trình tạo khí.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, vì chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn qua dạ dày và ruột non.
- Tránh uống sữa hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa, đặc biệt trong trường hợp cơ thể bạn không dung nạp lactose.
- Dùng một loại enzyme tiêu hóa trước bữa ăn để giúp cải thiện quá trình tiêu hóa carbohydrate (bao gồm tinh bột, đường và chất xơ).
- Uống viên than hoạt tính trước bữa ăn được chứng minh có tác dụng giảm đáng kể quá trình hình thành khí trong đường ruột.
- Ăn một lát gừng tươi hoặc uống viên thuốc gừng nén được đánh giá rất hiệu quả trong việc giúp giảm đầy hơi.
- Nhai lá thì là (một loại thảo mộc) được biết có khả năng giảm bớt tình trạng chướng bụng và đầy hơi trong đường ruột.
- Bổ sung men vi sinh (probiotics) để hỗ trợ các loại vi khuẩn lành mạnh trong đường tiêu hóa, nhằm kiểm soát quá trình tạo khí của các loại vi khuẩn khác.