Cách sắc thuốc và uống thuốc đông y hiệu quả
Cách sắc thuốc và uống thuốc quyết định rất lớn về hiệu lực của thuốc với cơ thể bệnh nhân.
Sắc đúng sẽ làm giảm tác dụng phụ của thuốc
Ấm sắc thuốc:
Nên dùng ấm bằng đất nung hoặc bằng sứ, không nên dùng ấm bằng kim loại kể cả nhôm để sắc thuốc bởi vì trong các vị thuốc có rất nhiều các hoạt chất hữu cơ dễ bị kim loại phân hủy đặc biệt là tanin, sẽ làm biến đổi các hoạt chất của thuốc, đôi khi còn có thể gây độc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thuốc.
Nước sắc thuốc:
Dùng nước sạch để sắc thuốc (nước mưa, nước giếng, nước máy). Lượng nước sử dụng để sắc thuốc tùy theo lượng thuốc nhiều hay ít mà đổ nước cho vừa phải. Theo kinh nghiệm nên đổ nước ngập tɨuốc chừng 2 đốt ngón tay là vừa đối với lần đầu; những lần sắc sau thì nên đổ ít hơn lần trước một chút.
Cách sắc thuốc:
Trước khi sắc thuốc, nên ngâm thuốc vào nước ấm hoặc nước lã sạch 15-30 phút, để tạo điều kiện cho các hoạt chất tách ra được dễ dàng và rút ngắn được thời gian sắc thuốc.
Nếu là thuốc bổ nên sắc 3 lần, dùng lửa nhỏ sắc lâu. Mỗi lần sắc từ 60-90 phút.
Nếu là các loại thuốc có tính phát tán, công hạ dùng chữa bệnh ngoại cảm, phong nà nên sắc 2 lần, dùng lửa lớn và sắc nhanh trong khoảng 10-20 phút. Cần lưu ý có một số vị thuốc có cách sắc khác nhau: các thuốc là khoáng vật cần sắc trước, các thuốc có nhiều tinh dầu như gừng, bạc hà, tía tô... nên cho sau khi thuốc đã sắc gần xong. Một số thuốc quý như nhân sâm, linh chi, sừng tê giác... cần sắc riêng rồi phối hợp vào nước thuốc đã sắc. Các loại cao thuốc, a giao, mật ong... sau khi chắt nước thuốc hòa với các vị trên uống khi còn nóng.
Lượng nước chỉ nên đổ ngập mặt thuốc khoảng 2cm. Nếu dùng ấm thuốc có vòi, nên lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút vòi ấm để ngăn không cho thuốc sôi bồng lên tràn ra ngoài. Khi mới sắc, để lửa to (vũ hỏa) cho chóng sôi. Khi đã sôi, tùy loại thuốc, dùng 1 trong 2 cách sau:
- Với thuốc cần lấy khí để chữa bệnh ở biểu, thanh nhiệt: Vặn xuống mức lửa vừa để nước thuốc sôi nhẹ khoảng 20 phút để giữ khí của thuốc và hòa chất thuốc. Chỉ sắc 1 lần.
- Với thuốc cần lấy vị để chữa các bệnh hư tổn: Vặn xuống mức lửa vừa nhỏ để sôi âm ỉ khoảng 60 phút để hòa tan chất thuốc và lấy vị. Điều chỉnh ngọn lửa để thuốc sôi nhưng không trào ra. Chắt lấy nước thuốc thứ nhất. Lại đổ nước vào ngập thuốc khoảng 1cm, tiếp tục sắc như trên, rồi lại chắt lấy nước thuốc thứ 2.
Cần lưu ý, thuốc là khoáng vật thì nên đập vỡ nhỏ, sắc 10 - 15 phút rồi mới cho thuốc còn lại vào sắc tiếp. Thuốc có sạn, đất (hoàng thổ, rễ lau) hoặc thuốc lượng lớn (lô căn, mao căn, trúc nhự, hạ khô thảo) sắc trước, chắt lấy nước làm nước sắc. Với thuốc cho vào sau như thuốc phương hương (thơm, có tinh dầu), khi sắp sắc xong mới cho thuốc vào; bạc hà, sa nhân, đậu khấu, nhục quế thì 4 - 5 phút sau bắc ra mới cho vào. Thuốc quý như nhân sâm cần thái lát, chưng cách thủy cho nhừ, chắt lấy nước sâm hòa với nước thuốc uống, bã sâm có thể ăn. Các thuốc khác như a giao, quy giao, lộc giác giao… sau khi đã sắc xong, chắt nước thuốc, cho cao vào, giữ nhiệt để hòa tan cao vào thuốc. Riêng với thuốc bột như Hoạt thạch tán mịn, nên cho vào vải rồi sắc để tránh khi chắt nước thuốc bột ra theo và khi uống sẽ vướng ở họng.
Trong khi sắc thuốc bằng các loại bếp cần, luôn có mặt để điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp, hoặc điều chỉnh nắp vung nồi cho thích hợp để thuốc không trào ra ngoài. Không để thuốc cạn hết và cháy. Nếu thuốc cạn, trào ra hết, cháy thuốc cần cho thêm nước cho đủ để chất thuốc có thể hòa tan tốt, không được cho thêm thuốc vào sắc trước hoặc sau khi sắc…
Mỗi bài thuốc, vị thuốc có cách sắc khác nhau. Do vậy cần thực hiện cách sắc thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, lương y.
Uống đúng cách sẽ mau hết bệnh
Khả năng chứa tối đa của dạ dày là 1,5 lít. Lượng thức ăn uống vào vừa mức sao cho lượng thuốc khi uống vào cũng vừa đủ. Người lớn thường uống một bát tương đương 250 ml/lần (thường nói đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát). Trẻ em thường giảm liều, bằng 1/2 hoặc 1/3 của người lớn. Với trẻ em nôn hoặc ỉa chảy, uống liều trên vẫn nôn, vẫn ỉa chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận thuốc, hấp thu thuốc.
Về thời gian uống thuốc, với bệnh cấp tính nên uống khi cần, bệnh mãn tính nên uống trước ăn một giờ. Nếu là thuốc có kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, nên ăn xong rồi uống để giảm kích thích; nếu là thuốc dưỡng tâm an thần chữa mất ngủ, nên uống trước khi ngủ; nếu là thuốc chữa sốt rét, nên uống trước cơn sốt hai giờ.
Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền: bệnh ở thượng tiêu (ngực trở lên đầu) thì ăn rồi uống thuốc; bệnh ở trung tiêu (cơ quan vùng bụng trên), hạ tiêu (cơ quan vùng bụng dưới, chi dưới) thì uống thuốc rồi ăn; bệnh ở kinh mạch tứ chi, uống thuốc vào sáng sớm lúc chưa ăn; bệnh ở xương tủy, uống thuốc lúc no vào buổi tối.
Việc uống thuốc nóng, thuốc nguội tùy thuộc trạng thái bệnh tật. Nên uống lúc thuốc còn ấm. Nếu là bệnh nhiệt, phải dùng thuốc hàn, song cũng uống lúc còn ấm để dạ dày dễ tiếp nhận thuốc vì uống thuốc nguội dạ dày dễ có phản ứng nôn.
Có những người sau khi uống xong thấy dễ chịu, bệnh giảm, không biểu hiện gì. Tuy nhiên, với một số người sau khi uống sẽ gặp các tác dụng phụ như uống xong lợm giọng như có cặn ở trong họng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trướng bụng ỉa chảy hoặc sau khi ra mồ hôi, mồ hôi tiếp tục ra không dứt (người bị cảm lạnh), sau khi đi ngoài được rồi, tiếp tục ỉa chảy (ở người táo bón)… Với những trường hợp này, bệnh nhân cần báo ngay cho thầy thuốc để có hướng cắt, giảm hoặc thay đổi liều thuốc.
Lưu ý:
- Thời gian uống thuốc: Nên uống giữa 2 bữa ăn.
- Các thuốc kích thích niêm mạc dạ dày thì uống sau bữa ăn.
- Thuốc an thần uống trước ngủ 1 giờ.
- Bệnh cấp tính có thể chia uống nhiều lần trong ngày không câu nệ thời gian.
- Thuốc sắc đa phần nên uống lúc còn ấm.
- Thuốc giải biểu nên uống nóng cho ra mồ hôi. Bệnh sốt cao nên uống nguội (hoặc lạnh); Bệnh thuộc hàn (lạnh) nên uống nóng.
Tốt nhất là bệnh nhân nên hỏi kỹ thầy thuốc của mình cách sắc thuốc cho từng thang cụ thể.
Thứ tự, thời gian sắc một số vị thuốc có khác nhau.
Các vị thuốc bổ
Đảng sâm, Hà thủ ô, Bạch truật, Thục địa…cần sắc lâu để ra hết hoạt chất. Các vị có độc tính như Phụ tử, Xạ can…ta sắc lâu độc tính sẽ giảm.
Các vị thuốc khoáng vật
Long cốt, Thach cao, Mai mực, Mẫu lệ…phải sắc trước để các hoạt chất hòa tan ra nước sắc.
Các loại thuốc có tinh dầu
Bạc hà, Hương nhu, Hoắc hương, Tía tô, Mộc hương, nên cho vào ấm lúc sắc gần được thuốc rồi, đun sôi lại là tắt lửa để khỏi bay mất tinh dầu. (Khi gói thuốc người ta thường hay để riêng 1 góc hoặc gói nhỏ để riêng).
Các loại thuốc quí
Nhân sâm, Tam thất…nên sắc riêng để tránh lãng phí do bị ngấm vào các vị thuốc khác.
Loại thuốc có lông măng gây ho, kích thích niêm mạc họng
Lá nhót tây…khi sắc đựng trong túi vải.
Loại thuốc dạng keo
A giao, cao Qui bản, cao Ban long…khi sắc được nước thuốc, gạn bỏ bã rồi mới cho vào đun sôi – khuấy đều cho tan, tránh lãng phí do bị ngấm vào các vị thuốc khác.
Một số vị thuốc có nguồn gốc từ khoáng vật
Chu sa, Thần sa (có hợp chất muối Thủy ngân) nếu cho vào ấm sắc, sẽ bị lắng xuống đáy, khi đun nóng – nhiệt độ cao làm giải phóng kim loại Thủy ngân gây độc. Do đó phải uống riêng hay hòa tan với nước thuốc sắc khi đã nguội.
- Các loại cao lỏng có thể phối hợp hòa tan với nước thuốc sắc.
Kiêng kỵ khi uống thuốc
Kiêng kỵ có tác dụng hạn chế những tác dụng không mong muốn của thức ăn, đồ uống đến tác dụng của thuốc và nâng cao hiệu quả dùng thuốc.
Một số loại thực phẩm như đậu xanh, giá đỗ, rau cải xanh giảm mất tác dụng của thuốc vì vậy khi uống thuốc Đông y nên kiêng.
Một số vị thuốc tương kỵ với một số thức ăn như: thuốc có hà thủ ô đỏ kiêng ăn cá không Ŷẩy như lươn, trạch, cá trê... Kiêng thịt chó khi uống thuốc có cát cánh, cam thảo, hoàng liên, ô mai. Kiêng ba ba khi uống thuốc có bạc hà, kiêng dấm khi uống thuốc có phục linh. Kiêng chè khi uống có thổ phục linh. Kiêng thịt lợn khi thuốc có ké đầu ngựaĮ
- Những người tỳ vị hư hàn hoặc uống thuốc ôn thông kinh lạc, khử hàn trừ thấp, kiện tỳ noãn vị không nên ăn các thức ăn sống lạnh.
- Những người mắc bệnh âm hư hỏa động: Đại nhiệt, háo khát uống nước hoàn dương để dưỡngĠâm tăng dịch, hoặc thuốc thanh nhiệt lương huyết không được ăn các thức ăn cay nóng.
- Khi uống thuốc không nên ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ, thường trợ thấp sinh đờm, làm giảm quá trình hấp thu của thuốc.
Tóm lại, sử dụnŧ thuốc Đông y vừa phải nắm vững nguyên tắc vừa phải vận dụng linh hoạt cụ thể vào từng bệnh, người bệnh và các vị thuốc mới có tác dụng nâng cao hiệu quả điều trị.